Liên kết lưới điện ASEAN

13/07/2010 09:50

ASEAN khuyến khích các khu vực nhỏ hợp tác, liên kết lưới điện, sau 2020 sẽ mở rộng ra tất cả các nước nội khối”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết.

Liên kết lưới điện ASEAN

“ASEAN khuyến khích các khu vực nhỏ hợp tác, liên kết lưới điện, sau 2020 sẽ mở rộng ra tất cả các nước nội khối”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào, kết nối lưới điện các nước ASEAN, kết nối lưới điện các nước tiểu vùng sông Mê Công là những vấn đề được các nước ASEAN đặc biệt quan tâm. Các vấn đề này luôn được đặt ra trong mỗi kỳ họp về năng lượng của ASEAN và Hiệp hội các nước tiểu vùng sông Mê Công.

Lưới điện ASEAN

Chương trình Liên kết lưới điện ASEAN được đề ra từ 10 năm nay, nhằm tối ưu hóa các lĩnh vực phát điện, phát triển các nguồn năng lượng bản địạ. Việc kết nối lưới điện giữa các nước trong khu vực sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế cho cả nhà đầu tư và người sử dụng điện, tạo cơ hội mở rộng thị trường bán điện, kích thích đầu tư, đặc biệt là bảo đảm an ninh năng lượng cho mỗi nước.

Thực tế, các nước thành viên ASEAN có hệ thống lưới điện rất khác nhau, trong khi hệ thống lưới điện các nước ASEAN 6 phát triển hơn, thì ASEAN 4 hầu hết cũ, hoạt động không ổn định. Việc liên kết lưới điện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật. Bởi nếu điện áp không ổn định, mất điện thường xuyên, điện không đảm bảo 220 kV… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưới điện chung.

“Vấn đề liên kết lưới điện ASEAN đã được bàn thảo hơn 10 năm nay, nhưng kết quả chưa như mong muốn- Thứ trưởng Hào cho biết- Tuy nhiên, liên kết lưới điện ASEAN sẽ tiếp tục là kế hoạch về năng lượng trong lương lai. Trước mắt, ASEAN khuyến khích các khu vực nhỏ hợp tác, liên kết lưới điện, sau 2020 sẽ mở rộng ra tất cả các nước nội khối”.

Liên kết khu vực nhỏ

Việt Nam tham gia vào lưới điện ASEAN từ rất lâu, song mới chủ yếu nối lưới với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Triển khai Hiệp định chung về phát triển năng lượng giữa hai nước Việt- Lào. Tháng 12/2009, Điện lực Quảng Nam (Việt Nam) và Điện lực Sê Kông (Lào) đã đóng điện đường dây 22 KV cung ứng điện cho huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông- Lào. Đây là cơ sở ban đầu để các công trình thủy điện do Việt Nam đầu tư xây dựng tại tỉnh Sê Kông (Thủy điện Sekaman 3) bán lại điện lại cho Việt Nam.

Chương trình hành động ASEAN về hợp tác năng lượng (APAEC) giai đoạn 2010- 2015 đã được Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 27 thông qua ngày 27/7/2009, tại Myanmar.

APAEC gồm 7 nội dung: Lưới điện ASEAN; Đường ống gas xuyên ASEAN; Than và công nghệ sạch; Bảo tồn và hiệu quả năng lượng; Năng lượng tái tạo; Chính sách và kế hoạch năng lượng khu vực; Năng lượng hạt nhân dân sự.

“Đây vẫn sẽ là một trong những nội dung chính được bàn thảo trong các chương trình nghị sự AMEM 28, dù có một số lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa các nước ASEAN đã thực hiện từ trước đến nay có mức độ kết quả khác nhau”- Thứ trưởng Hào nói.

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cho biết: “Hiện Thái Lan đã nối lưới 220 kV dẫn điện bán sang Lào. Việt Nam cũng đang chuẩn bị xây dựng đường dây 500 kV từ Lào về bản Sắt. Khi đường dây này hoàn thành, sẽ nối lưới điện Việt Nam- Lào đồng thời tiếp lưới với Thái Lan, Myanmar và sau nữa là nối các nước ASEAN với nhau.

Từ lâu, sự hợp tác điện lực giữa Trung Quốc và Việt Nam đã hình thành cơ chế liên hệ thường xuyên, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định. Tuy nhiên, hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điện Trung Quốc ở mức cao, trung bình khoảng 17 triệu kWh/ngày.

Ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)- cho hay: “Trong 6 tháng đầu năm 2010, EVN mua của Trung Quốc hơn 2,4 tỷ kWh, tăng 31,19% so với cùng kỳ”. Riêng qua đường cửa khẩu Thiên Bảo (Vân Nam), Trung Quốc đã tải sang Việt Nam 1,08 tỷ kWh điện, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ký với Chính phủ Campuchia Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Năm 2002, VN bắt đầu bán điện cho Campuchia, chủ yếu là một số địa phương gần biên giới hai nước. Đến cuối tháng 11/2005, Việt Nam đã bán sang Campuchia 45,162 triệu kWh, trị giá hơn 3,1 triệu USD. 

Từ 2010, EVN sẽ bán điện cho Tổng công ty Điện lực Campuchia (EDC) qua đường dây 220kV Châu Đốc (Việt Nam)- Takeo (Campuchia), kéo đến Thủ đô Phnom Penh, với công suất tối đa đến 200MW, sản lượng trung bình năm từ 900 triệu kWh đến 1,4 tỷ kWh. Hiện EDC nhận điện từ Việt Nam với công suất tối đa 24MW, sản lượng bình quân ngày đạt khoảng 400.000 kWh.

Campuchia có tiềm năng thủy điện, ước tính hơn 10.000 MW, tập trung ở vùng Đông Bắc. Theo chương trình hợp tác đầu tư và trao đổi năng lượng điện giữa hai Chính phủ Việt Nam và Campuchia, các dự án Thủy điện Nattarat Kiri và Thủy điện Hạ SêSan 2, công suất 400MW tại huyện Sê San tỉnh Stung Treng (Campuchia) đang được xây dựng. Dự kiến, năm 2014, khi các nhà máy này hoàn thành, EVN sẽ triển khai đấu nối lưới điện 220kV, để Campuchia bán điện từ các máy này cho Việt Nam.

Theo dự báo, sau năm 2017, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng, trong đó có việc nhập khẩu điện năng từ Campuchia, Lào, Trung Quốc. Việc liên kết lưới điện vùng hiện nay và toàn ASEAN trong tương lai sẽ giúp Việt Nam bảo đảm tốt an ninh năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết lưới điện ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO