The Beguiled (tạm dịch: Oan tình) là một trong số 19 phim truyện được chọn dự tranh giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 70, diễn ra từ 17 - 28/5/2017. Nữ đạo diễn phim là một người tuổi trẻ tài cao, rất nổi tiếng: Sofia Coppola.
"Chúng mày đã làm gì tao, đồ những con đ. đầy thù hận?!", tiếng thét kinh khủng đầy tuyệt vọng vang lên trong màn đêm trong ngôi biệt thự ở một nơi nào đó thuộc miền Nam nước Mỹ vào thời cao điểm nội chiến 1860 - 1865. Người kinh hãi hét to là John McBurney - một lính Bắc quân. Trước đó, anh ta bị thương và may mắn được cô hiệu trưởng trường nữ nội trú Martha Farnsworth cùng đám nữ sinh của cô cứu sống. Cô hiệu trưởng, cô giáo và các nữ sinh lớn lên ở miền Nam nên xem như thuộc phe Nam quân.
Khi anh lính dần hồi phục thì trật tự và sự bình an vốn có lâu nay trong biệt thự, giữa cô giáo và các nữ sinh cũng dần biến mất, thay vào đó là cám dỗ, nhục dục, hờn ghen, phản bội, âm mưu và trả thù. Biệt thự an bình trở thành ngôi nhà kinh dị.
Đây là nội dung phim The Beguiled. Điều cần nói, The Beguiled phiên bản 2017 có giống hoàn toàn với The Beguiled phiên bản 1971 mà đạo diễn Don Siegel chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết A painted devil của Thomas P. Cullinan xuất bản năm 1966 hay không? Chắc là không, hồi những năm 70, khái niệm "macho" trọng nam khinh nữ còn thống trị trong tư duy và thói quen hành nghề của giới làm phim Mỹ, nên trong The Beguiled năm xưa, Clint Eastwood trong vai người lính Bắc quân bị thương là nhân vật chủ đạo bên cạnh người đẹp cứu sống anh do Geraldine Page thủ diễn.
Còn ngày nay, thời của "nữ quyền", nữ đạo diễn Sofia Coppola soi rọi The Beguiled theo suy tính và hành xử của các cô, các em gái.
"Chống chọi" với những Nicole Kidman, Kirsten Dunst và Elle Fanning trong các vai hiệu trưởng, cô giáo và nữ sinh lớn tuổi, chàng lính Bắc quân (tài tử người Ailen Colin Farrell thủ vai) cuối cùng phải la hoảng: "Chúng mày đã làm gì tao, đồ những con đ. đầy thù hận?!". Bạn thử đoán xem tai họa kinh khủng nào đã ập xuống anh khi cô hiệu trưởng ra lệnh cho các nữ sinh đem đến cho mình sách giải phẫu cơ thể, cưa và thuốc mê?
Sofia Coppola chính là con gái rượu của Francis Ford Coppola - đạo diễn Mỹ tài hoa, tên tuổi vang khắp thế giới với Apocalypse now (Ngày tận thế). Từ khi còn bé, cô đã được bố đưa lên màn ảnh trong phim The Godfather hồi năm 1972. Rồi tiếp tục trong The Godfather II, năm 1974. Và từ 1983 - 1990, cô lần lượt nhận những vai khiêm tốn trong các phim của bố như The Outsiders, Rumble Fish, Peggy Sue got married, Tucker: The Man and his dream và The Godfather III (vai Mary, con gái duy nhất của bố già Michael Corlone).
Lớn lên, Sofia Coppola đã không làm bố thất vọng khi chứng tỏ mình không phải là một nghệ sĩ của dòng phim "mì ăn liền". Ngay sau khi thử tài đạo diễn với phim ngắn Lick the star, cô đã khiến giới phê bình chú ý vào năm 1999 với The Virgin Suicides, một phim bi thương chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Jeffrey Eugenides.
Nữ đạo diễn Sofia Coppola |
Còn với Lost in translation (Lạc lõng trong dịch thuật) hồi năm 2003, Sofia đã trở thành người phụ nữ Mỹ thứ 3 được đề cử giải Oscar trong vai trò đạo diễn, còn tác phẩm của cô thì tranh giải Oscar Phim xuất sắc nhất. Tượng vàng của 2 hạng mục này đã thuộc về Peter Jackson và phim The Lord of the rings: The return of the King, nhưng cô cũng được vinh danh với giải Oscar kịch bản nguyên thủy xuất sắc nhất.
Có lẽ chính nhờ phim tâm lý xã hội nhẹ nhàng mà rất hay này với diễn xuất của Scarlett Johansson còn trẻ măng cạnh Bill Murray đã ở tuổi xế chiều mà tên tuổi của Sofia được yêu mến và nể trọng trong làng điện ảnh thế giới.
Với Somewhere (Một chốn nào đó) - một phim bi mô tả quan hệ chồng - vợ, tình cha con và những phiền muộn, buồn chán của giới showbiz Hollywood, cô đã được vinh danh với tượng Sư tử vàng Phim xuất sắc nhất, giải cao quý nhất của Liên hoan phim quốc tế Venice năm 2010. Cô là phụ nữ Mỹ đầu tiên có được vinh dự lớn này tại Liên hoan phim quốc tế Venice.
Nhưng khi xuất hiện tại Cannes năm 2006 để giới thiệu phim tiểu sử vợ vua Pháp Louis XVI Marie Antoinette, cô đã phải nhận những lời chê bai, chỉ trích của đám đông.
Có lẽ chuyện ấy sẽ không thể tái diễn khi màn ảnh trong nhà hát Lumière sáng lên với The Beguiled - phim được chọn dự tranh giải Cành cọ vàng.
>Cannes 69: Người cười nụ, kẻ khóc thầm
>Liên hoan phim châu Âu: Tính cá nhân được coi trọng