Làm ăn ở Việt Nam - nơi nhịp sống chậm?

KHẢI LY| 31/07/2016 00:30

Tôi mời cơm một ông bạn Việt kiều chuyên kinh doanh nhà hàng ở Thái Lan. Bữa cơm 6 món Việt dân dã trong một resort 4 sao.

Làm ăn ở Việt Nam - nơi nhịp sống chậm?

Tôi mời cơm một ông bạn Việt kiều chuyên kinh doanh nhà hàng ở Thái Lan. Bữa cơm 6 món Việt dân dã trong một resort 4 sao.  

Đọc E-paper

Hóa đơn thanh toán 460 nghìn đồng. Tôi khen rẻ. Ông bạn cầm hóa đơn đọc, rồi kết luận: "Không rẻ, chỉ đúng giá. Chất lượng nấu ăn đạt đến đó thì chỉ tính được giá đó thôi". Tôi không cãi người có chuyên môn. Ông bạn giải thích: "Muốn bán giá cao hơn, phải ngon hơn, tức là kéo theo một chuỗi đầu vào, từ tay nghề đầu bếp đến thực phẩm đảm bảo chất lượng. Nhà hàng này bằng lòng với mức độ ấy, chấp nhận đón khách đại chúng thì như vậy thôi, đó là con đường dễ nhất".

Chúng tôi chuyển sang một đề tài khác, bàn về một nhà thiết kế nước ngoài đã trụ được ở Việt Nam 10 năm, và ngày càng có tên tuổi trong giới tiêu dùng thời trang. Hàng chục bài báo viết về nhà thiết kế này vì ông đã thành công khi đưa văn hóa Việt vào các mẫu thiết kế.

Trang phục của nhà thiết kế này giá khá "chát" so với mặt bằng thị trường Việt, chẳng hạn mỗi bộ trang phục nữ giá khoảng 6 - 7 triệu đồng. Ông cũng tạo ra cách giới thiệu bộ sưu tập tại quán cà phê nghệ thuật và sử dụng truyền thông mạng. Trong con mắt của người Việt, đó là một nhà thiết kế độc đáo, cá tính.

Vậy mà ông bạn tôi thẳng tay gạt bỏ thành quả này. Với tư cách một người lang bạt làm ăn trong nghề mở nhà hàng, buôn tơ lụa nhiều nơi trên thế giới, từ Mỹ qua châu Âu, về Thái Lan và chuẩn bị về mở nhà hàng ở Việt Nam, ông nhận xét: "Người nước ngoài, dù là Âu, Mỹ hay Nhật, nếu chọn cuộc sống và làm việc tại Việt Nam là đã chọn một nơi "sống chậm", không sức ép.

Chỉ ví dụ đơn giản, một người sống tại châu Âu, nếu mỗi tháng không có 2.000 bảng Anh thì có thể thiếu hụt (theo tiêu chuẩn mức sống người châu Âu). Để có mức thu nhập ổn định, họ phải nỗ lực rất nhiều. Ngược lại, một người châu Âu sống tại Việt Nam chi tiêu khoảng 1.000 Mỹ kim đã khá ổn. Đa số những chàng trai nước ngoài đến Việt Nam tìm việc chỉ cần khoảng 500 USD chi tiêu mỗi tháng".

Với kinh nghiệm của một người làm ăn tìm chỗ sống tốt, ông cho rằng động lực đến Việt Nam làm việc là để "dễ thở" hơn. Điều đó cũng có nghĩa là sự nỗ lực trong công việc cũng giảm đi.

Bạn sẽ giật mình, giống như tôi đã giật mình, khi nghe những trải nghiệm của người bạn già này.

>>Tiềm năng thời trang Việt Nam

Trở lại chuyện nhà thiết kế thời trang, nếu để các mẫu quần áo ấy đứng được trên thị trường châu Âu, được báo chí nhắc đến như ở Việt Nam, thì có lẽ phải nỗ lực gấp hàng chục lần để đáp ứng được tiêu chuẩn của một thị trường chịu sự cạnh tranh của cả thế giới - một sự nỗ lực từ giá trị của chất xám, của chất lượng, của tài năng trong làm thương hiệu và phân phối đều cao hơn rất nhiều.

Tôi không đánh giá năng lực của một con người sáng tạo. Sự lựa chọn nơi sống và làm việc của ông cũng cần được tôn trọng. Tôi chỉ muốn nhìn rõ chân giá trị sống và sáng tạo ở Việt Nam đang ở mức độ nào của thế giới và nhìn nhận những thành công đúng với giá trị thật để mong hiểu rõ con đường phải đi khó khăn ra sao.

Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu mỗi năm để có được niềm tự hào hàng Việt đang có mặt trên thế giới. Nhưng phải nhìn rõ đa phần những sản phẩm xuất khẩu đó dựa vào những hợp đồng gia công, bắt buộc theo công nghệ và tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài chứ không phải sự sáng tạo riêng để chinh phục được thị trường thế giới.

Tôi nhớ những người làm nghề mây tre xuất khẩu đã phải theo yêu cầu của các chuyên gia nước ngoài về mẫu mã và đặc biệt về quy trình kỹ thuật xử lý nguyên liệu. Và tôi bỗng nhớ, một hôm gặp một người nước ngoài sống ở châu Phi, khi được giới thiệu tôi ở Việt Nam, người bạn kia reo lên: "Tôi biết Việt Nam, tôi đang sử dụng phần mềm Android và điện thoại Samsung, nó sản xuất ở Việt Nam".

Nghe vừa buồn cười vừa bực. Cả hai thứ, phần mềm và điện thoại, đều là thành tựu của người nước ngoài. Nói vậy để ngẫm lại chúng ta cần một nền giáo dục để tạo ra thế hệ sáng tạo, chịu sức ép vươn lên như bất cứ nơi nào trên thế giới, chứ đừng tạo ra một thế hệ chỉ chuyên đi "gia công" và "sống chậm", tức là chỉ làm rập khuôn.

>>Nhường hàng lưu niệm cho Trung Quốc?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm ăn ở Việt Nam - nơi nhịp sống chậm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO