Quản tài viên - nghề mới ở Việt Nam

12/07/2015 06:39

Quản tài viên là những cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

Quản tài viên - nghề mới ở Việt Nam

Sự ra đời của đội ngũ quản tài viên sẽ giúp quá trình thanh lý, xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản nhanh gọn hơn.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền cho biết, trong nỗ lực đưa Luật phá sản (2014) vào cuộc sống, bộ này vừa cấp chứng chỉ cho 96 quản tài viên đầu tiên hành nghề.

Theo Luật Phá sản mới, quản tài viên là một nghề hoàn toàn mới. Đó là những cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Trên thế giới, nghề quản tài viên đã hình thành và phát triển lâu đời nhưng ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên xuất hiện.

Theo đó, quản tài viên có nhiệm vụ quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán (và được hưởng thù lao cho việc này).

>>Nếm, một nghề mới?

Để các thủ tục phá sản được nhanh gọn, luật "giao nhiệm vụ" cho quản tài viên xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã; lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ; bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản…

Quản tài viên được đề xuất với thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản; tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản; gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.

Quản tài viên còn đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật; báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán…

>>Những nghề thú vị nhất thế giới

Ngoài ra, quản tài viên cũng có quyền đề nghị thẩm phán tiến hành các công việc như thu thập tài liệu, chứng cứ; tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo pháp luật hiện hành, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên là luật sư, kiểm toán viên; người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 5 năm trở lên trong lĩnh vực được đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản tài viên - nghề mới ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO