Phát triển khả năng đổi mới và sáng tạo từ giáo dục

PHAN ĐÌNH MẠNH| 23/02/2017 06:53

Trong thời đại của "cuộc cách mạng 4.0", để nâng cao tính cạnh tranh, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng sáng tạo và đổi mới.

Phát triển khả năng đổi mới và sáng tạo từ giáo dục

Trong thời đại của "Cuộc cách mạng 4.0", để nâng cao tính cạnh tranh, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng sáng tạo và đổi mới. Với lĩnh vực giáo dục, mục tiêu cần hướng đến là phát triển những cá nhân có khả năng đổi mới, sáng tạo. 

Đọc E-paper

Có 2 dạng sáng tạo cơ bản: sáng tạo dưới dạng cải tiến dần (incremental innovation) làm cho sản phẩm có khả năng thích nghi với nhu cầu hiện tại của thị trường. Sáng tạo dạng này nhằm áp dụng những thiết kế sản phẩm đang có sẵn và nâng cao khả năng cạnh tranh nhờ chi phí, thời gian sản phẩm tung ra thị trường và khả năng vận hành của sản phẩm.

Dạng sáng tạo này không đòi hỏi những sáng kiến cao siêu nhưng đòi hỏi những kỹ năng nghề nghiệp thành thục và khả năng quản lý tốt. Việc Apple thường xuyên cải tiến tính năng sản phẩm iPhone để tung ra những phiên bản nối tiếp nhau là một ví dụ.

Loại sáng tạo thứ hai là sáng tạo mang tính căn bản (radical innovation), gồm cả việc tạo ra những linh kiện mới và những thay đổi trong cấu trúc sản phẩm mang tính đột phá.

Phương thức sáng tạo này đòi hỏi một sự tương tác thường xuyên với những phát kiến khoa học đỉnh cao. Loại sáng tạo này có thể thấy qua việc Apple tung ra điện thoại thông minh để cạnh tranh với điện thoại có bàn phím truyền thống. Hoặc việc TV màn hình OLED đang dần thay thế TV LCD.

Sáng tạo cơ bản khá tốn kém do phải đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và cũng chứa đựng nhiều rủi ro do sản phẩm tung ra gần như mới hoàn toàn và có thể không được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sản phẩm tạo ra được nguồn khách hàng riêng thì công ty sẽ trở thành người dẫn đầu trong phân khúc sản phẩm này.

>>Căn cơ và sáng tạo - Mô hình vượt khủng hoảng của thế giới

Trong thời kỳ phát triển và hội nhập, hai loại hình sáng tạo trên đều quan trọng. Loại hình đầu tiên là để có thể cạnh tranh và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, loại hình thứ hai là để dẫn đầu trong một vài phân khúc sản phẩm.

Sản phẩm mang tính sáng tạo bắt nguồn từ con người sáng tạo. Do vậy đội ngũ kỹ sư, doanh nhân, nhà khoa học... cần được đào tạo theo hướng mở nhằm phát triển khả năng sáng tạo tối đa đáp ứng (và ngay cả tạo ra) nhu cầu thị trường.

Theo đó, sinh viên đại học cả khoa học tư nhiên, xã hội và nhân văn cần được tạo điều kiện học tập nhằm kết nối khối kiến thức của mình vào môi trường thực tế trong công việc cũng như xu hướng mới.

Đối với loại sáng tạo đầu tiên, sinh viên cao đẳng và các lớp trung cấp nghề sẽ là những người giữ vai trò trọng trách. Theo đó, lớp này sẽ hướng đến việc tạo ra những con người "mì ăn liền" cho doanh nghiệp nhằm tạo ra nguồn thu cho xã hội và đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Đối với loại sáng tạo thứ hai, một đội ngũ sinh viên đại học, nhà khoa học, và chuyên gia sẽ là những người đảm nhận trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất những ý tưởng mới. Những ý tưởng này kết hợp với tinh thần khởi nghiệp và nguồn vốn cần thiết sẽ tạo ra những startup hoặc loại hình kinh doanh, sản phẩm mới.

Do vậy, khối kiến thức sẽ không dừng lại ở những kinh nghiệm từ sách giáo khoa và kỹ thuật hiện hữu mà cần có thêm khả năng phát triển ý tưởng mới, sự kết hợp tất cả môn học lại với nhau chứ không đơn thuần chỉ là "học gì biết đó” và "học sao làm vậy".

Ngày càng có những sản phẩm mới được tung ra với việc sử dụng phương thức mô phỏng thiên nhiên và kết hợp nhiều nguồn kiến thức lại với nhau. Ví dụ, để sản xuất ra một chiếc máy nông nghiệp thì ngoài kiến thức cơ khí vật lý thì người kỹ sư cũng cần kiến thức về sinh học, bảo vệ môi trường, thậm chí là mẫu mã bắt mắt (tính thời trang)...

>>5 cấp độ tư duy sáng tạo

Cấp giáo dục này đòi hỏi tư duy phản biện, phân tích và khả năng tự học hay tự nghiên cứu cũng như khả năng ngoại ngữ tốt. Hình thức kiểm tra kiến thức cũng sẽ chuyển sang khả năng suy lập luận và thuyết phục hơn là khối kiến thức chuyên ngành (vì khối kiến thức này sẽ được bổ sung trong qua trình làm việc và tự học tập).

Một ví dụ nhỏ cho khối sinh viên kinh tế như việc các sinh viên khối ngành này có thể đọc các tác phẩm kinh tế kinh điển (chẳng hạn như các bài báo quốc tế hàng đầu của Michael Porter hay Joseph Stiglitz và thậm chí là các kiệt tác đạt giải Nobel Kinh tế) để từ đó sinh viên có khát khao cống hiến, khả năng phân tích và hình thành ý tưởng.

Với khối kiến thức tổng quan và mang tính triết học này, sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể sẽ gặp tình trạng thất nghiệp trong ngắn hạn và thậm chí cần phải đào tạo lại theo mô hình của công ty. Nhưng nếu nền giáo dục đi theo đúng quỹ đạo và tạo ra những cá nhân có khả năng tự học và sáng tạo thì vấn đề việc làm sẽ được giải quyết trong trung hạn và dài hạn.

Trong giai đoạn đầu phát triển, Hàn Quốc cũng đối mặt với tình trạng sinh viên đại học ra trường không thể tìm việc làm. Nhưng tình hình đã thay đổi khi nền kinh tế phát triển hơn, những kỹ sư thất nghiệp này đã tạo thành lực lượng lao động rất quan trọng cho Hàn Quốc bên cạnh các Hàn kiều trở về từ Mỹ.

Vì vậy, giáo dục có thể đi theo hướng thiên về kỹ năng cho khối tiểu học (như kỹ năng tự học, kỹ năng tư duy, suy luận... để tạo nền tảng cho việc học ở các khối tiếp theo), tăng lên phần kiến thức (bao gồm cả kỹ năng làm một nghề cụ thể như thao tác lắp ráp máy móc) cho khối trung học cơ sở và phổ thông cũng như trung cấp nghề (để tạo nên khối kiến thức cần thiết cho cuộc sống và lao động) và sau đó là tăng lên phần tư duy, lập luận và tính sáng tạo cho các bậc đại học và sau đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển khả năng đổi mới và sáng tạo từ giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO