Nhân sự ngành ngân hàng: Cung - cầu lệch pha

09/05/2014 00:25

Các ngân hàng muốn tìm người có kinh nghiệm, trong khi những vị trí tuyển dụng lại chỉ "vừa mắt" các ứng viên mới ra trường.

Nhân sự ngành ngân hàng: Cung - cầu lệch pha

Sau đợt cắt giảm mạnh vài năm trước, các ông chủ nhà băng lại đang triển khai kế hoạch tuyển hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, trong đó có cả nhân viên kinh doanh thời vụ, bán hàng...

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tuyên bố sẽ tuyển mới 1.000 nhân sự trong năm nay. Ông Nghiêm Xuân Thành - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2014 đơn vị này dự kiến mở thêm tới 15 chi nhánh (năm 2013 Vietcombank chỉ mở một chi nhánh).

Năm 2014 Vietcombank dự kiến mở thêm tới 15 chi nhánh

Ngoài ra, một trong những chiến lược của Vietcombank - đơn vị vốn mạnh về bán buôn - năm 2014 là mở rộng bán lẻ, phát triển nhiều khách hàng mới. "Tỷ trọng tín dụng cho cá nhân tăng trưởng mạnh trong 2013 nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng", ông Thành nói. Do đó, việc tuyển dụng thêm là cần thiết và hợp lý.

Nhiều nhà băng cổ phần cũng cho biết sẽ tuyển nhiều lao động hơn. Như Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) tuyên bố dự kiến thêm hơn 700 người. Trong khi đó, năm 2012 và 2013, chính đơn vị này mỗi năm đã mạnh tay cắt giảm khoảng 1.000 nhân sự.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) năm ngoái đã gia tăng hàng nghìn lao động cũng cho biết sẽ tiếp tục tuyển nữa. Dù từ chối tiết lộ kế hoạch dài hạn và con số tuyển mới trong cả năm, nhưng đơn vị này cho biết thời gian này vẫn đang tuyển vào hàng trăm người, phần lớn ở khối nhân viên - cán bộ kinh doanh.

Số liệu mới nhất trong quý I năm nay từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, hơn một phần ba tổ chức tín dụng đang kêu thiếu lao động và sẵn sàng tuyển thêm để phục vụ mục đích kinh doanh. Ngoài ra, chỉ có 7% các ngân hàng giảm người trong 3 tháng đầu năm, phần còn lại đều khẳng định không có kế hoạch này trong cả năm 2014.

Thừa nhận xu hướng tuyển nhân viên trở lại đang diễn ra nhưng các đơn vị "săn đầu người" lại cho rằng, những đợt tuyển dụng ồ ạt gần đây chủ yếu rơi vào các vị trí nhân viên kinh doanh (bán hàng), quan hệ khách hàng... và đối tượng này lại thường mang tính mùa vụ.

Giám đốc một công ty nhân sự nói: "Chỉ có ngân hàng nào đã tính toán mở thêm chi nhánh, mạng lưới hoặc đang cần tìm một số vị trí át chủ bài mới có chỉ tiêu full-time". Riêng với khối thu hồi nợ, nhu cầu tuyển, theo bà là có nhưng không quá mạnh. "Từ trước đến nay, khối này đã vốn khó tuyển người rồi", bà giải thích.

Trong khi đó, nhiều đơn vị tuyển dụng rất khó tìm ứng viên, bất chấp nhiều nhân viên ngân hàng còn than thở thất nghiệp trên các diễn đàn. Thành viên ban điều hành của một ngân hàng cổ phần cho biết, ngân hàng ông liên tục đăng báo tuyển rất nhiều người nhưng vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Ông cũng cho biết đang rất thiếu nhân viên bán hàng.

Ở góc độ cung ứng nhân sự cho các ngân hàng hiện nay, bà Đào Chân Phương - Tổng giám đốc Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) - cũng chia sẻ nỗi chật vật của các nhà băng. "Ngay những vị trí yêu cầu thấp như sales cũng không dễ tuyển. Lấy ví dụ không xa, ngay 3 ngân hàng thuộc top 5 có hợp tác với BTCI để tuyển dụng cũng chưa tìm được đủ người. Có những ngân hàng còn hạ tiêu chuẩn, chỉ cần "tốt nghiệp cao đẳng, có hiểu biết về tài chính ngân hàng là một lợi thế" mà vẫn không tuyển nổi", bà kể.

Về nghịch lý này, bà Phương cho biết, nguyên nhân là các ngân hàng dù chỉ tìm người cho các vị trí bán hàng, mở rộng quan hệ khách hàng nhưng vẫn muốn phải là người có kinh nghiệm. Trong khi đó, những vị trí này lại chỉ "vừa mắt" với các ứng viên mới ra trường. "Đó là câu chuyện con gà, quả trứng. Ngân hàng muốn tuyển vào làm được luôn nhưng đối tượng đó rất thiếu, cung không đủ cầu", bà Phương ví von.

>Doanh nghiệp Nhật "khát" nhân sự cấp cao Việt Nam
>[Infographic] Phỏng vấn nhiều, sao vẫn thất nghiệp?
>3 yếu tố giúp nhà tuyển dụng nhận diện nhân tài
>Minh Long 1 tuyển dụng và đào tạo nhân sự ra sao?
>[Infographic] Bí quyết phỏng vấn xin việc thành công

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhân sự ngành ngân hàng: Cung - cầu lệch pha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO