Mất việc: Làm gì để bước tiếp?

YẾN NHI| 16/07/2009 00:33

Khủng hoảng kinh tế khiến người thất nghiệp ngày một gia tăng và nhiều người trong số đó trở nên bất an, bi quan.

Mất việc: Làm gì để bước tiếp?

Khủng hoảng kinh tế khiến người thất nghiệp ngày một gia tăng và nhiều người trong số đó trở nên bất an, bi quan. Hội thảo “Tự tin để khác biệt” do VietnamWorks.com tổ chức sẽ phần nào giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn ấy.

Tham dự hội thảo hầu hết là những người vừa bị mất việc do các công ty cắt giảm nhân sự trong giai đoạn khó khăn, nên những chia sẻ tại hội thảo cũng xoay quanh các kỹ năng cần thiết để họ có cơ hội tìm việc trong thời điểm đầy thử thách. Ông Chris Harvey - Tổng giám đốc điều hành Vietnamworks.com chia sẻ: “Mất việc không có nghĩa là mất tất cả nếu bạn vẫn giữ ý chí và nhìn vấn đề một cách lạc quan. Nên xem khoảng thời gian thất nghiệp như thời gian để học hỏi thêm kiến thức mới và trang bị thêm nhiều kỹ năng để bước tiếp trên con đường sự nghiệp”.

Sự hòa nhập của ứng viên được nhà tuyển dụng đặc biệt coi trọng -

Dưới góc nhìn của một nhà tuyển dụng, anh Trần Bằng Việt - Phó Ban Phát triển kinh doanh Tập đoàn Mai Linh góp lời: “Những ứng viên trung thực luôn được đánh giá cao. Việc bạn bị mất việc vì một lý do nào đó, đừng ngại nói thật trong thư xin việc hay trong buổi phỏng vấn. Giữa những ứng viên học thuộc lòng “lý do a, b, c, d”, sự trung thực của bạn sẽ làm nhà tuyển dụng yên tâm. Đừng cố gắng tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo với những câu trả lời phỏng vấn như “trả bài”. Nhà tuyển dụng có thể phát hiện ra sự thật chỉ với một vài câu hỏi. Không chỉ bị đánh giá là thiếu trung thực, bạn còn đánh mất “nét riêng” của mình.

Chỉ khi là chính mình, bạn mới thật sự khác biệt. Tuy nhiên, trung thực không có nghĩa là bạn than phiền hay chỉ trích công ty cũ. Thực tế khi được hỏi “Tại sao bạn nghỉ việc?”, khá nhiều người đã nhanh chóng đổ lỗi cho công ty và khẳng định “Tôi mất việc làm là do công ty khó khăn và đó không phải là lỗi của tôi”. Không một nhà tuyển dụng nào muốn mở cửa cho những ứng viên không sẵn sàng đón nhận cơ hội, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn. Thực tế ở Mai Linh, hơn 63% số người nghỉ việc là những người không còn động lực làm việc và do khó kết nối với công việc”.

Một trong những điểm được nhà tuyển dụng đặc biệt coi trọng là sự hòa nhập của ứng viên. Một người có thể có nhiều ưu điểm: biết nhiều kỹ năng, kiến thức rộng, chuyên môn giỏi nhưng nếu anh ta không cởi mở để chấp nhận sự khác biệt của người khác thì rất khó hòa nhập với mọi người, dẫn đến hiệu quả công việc kém. Anh Việt dẫn giải: “Tôi đã từng làm việc với một tiến sĩ từ nước ngoài về, nhưng trong quá trình làm việc, anh ta luôn tách rời mọi người vì cho rằng họ khác biệt với mình. Kết quả là chỉ một thời gian ngắn sau đó, chính anh ta phải đứng ra ngoài guồng máy”.

Anh Tăng Trị Trọng - giám đốc kinh doanh toàn quốc của VietnamWorks.com chia sẻ: “Nên xem mất việc chỉ là những khó khăn nhất thời để tiếp tục bổ sung kiến thức và kỹ năng, nạp thêm năng lượng và sau đó bước tiếp, tìm một công việc khác phù hợp hơn, yêu thích hơn và quan trọng là phải đam mê công việc đó thì mới tạo ra hiệu quả. Và nếu những việc bạn làm mang lại lợi ích cho nhà tuyển dụng thì không có lý do gì nhà tuyển dụng không sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho bạn”.

Một thực tế khiến các ứng viên bị “mất điểm” là khi xin việc, họ thường đòi hỏi mức lương khá cao. Theo anh Việt: “Điều này cũng là bình thường trong một xã hội có mức sống cao như hiện nay, nhưng sẽ không phù hợp trong điều kiện hàng loạt công ty đang phải thu hẹp quy mô hoạt động, hoặc “chết lâm sàng”.

Do vậy, điều đầu tiên bạn cần nghĩ tới khi muốn xin việc là dám thay đổi lợi ích cá nhân để chấp nhận công việc mới và hãy nghĩ cách làm sao để giá trị mình đem lại cho công ty phải lớn hơn 3 - 5 lần mức lương bạn được nhận. Làm được điều này, bạn đã thực sự thay đổi mình, tạo ra được sự khác biệt để có việc làm ổn định, vững vàng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mất việc: Làm gì để bước tiếp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO