“Đơn hàng” nhân sự

15/07/2011 01:10

Doanh nghiệp (DN) lúng túng với vấn đề đào tạo lại sinh viên mới tốt nghiệp để đáp ứng được nhu cầu công việc. Để giải bài toán nhân sự này, đã có khá nhiều sáng kiến về mối liên kết giữa nhà trường và DN.

“Đơn hàng”  nhân sự

Doanh nghiệp (DN) lúng túng với vấn đề đào tạo lại sinh viên mới tốt nghiệp để đáp ứng được nhu cầu công việc. Để giải bài toán nhân sự này, đã có khá nhiều sáng kiến về mối liên kết giữa nhà trường và DN.

Nghịch lý... đào tạo lại

Dù số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm không phải là ít nhưng các DN vẫn than không có đủ lao động cho sản xuất. Đã vậy, số sinh viên được tuyển vào phải đào tạo lại mới có thể thích ứng với môi trường làm việc.

Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May Thêu Giày An Phước, từng than rằng, mỗi dịp Tết là DN lâm vào tình cảnh mất lao động.

Để đáp ứng đơn hàng cho khách, bà phải tuyển lao động mới và mất không ít thời gian để đào tạo những nhân viên này. Công ty May Nhà Bè cũng trong tình trạng tương tự. Tất cả các lao động ở đây đều phải qua đào tạo lại mới tiếp nhận được công việc...

Với sinh viên tốt nghiệp ra trường, công ty phải đào tạo lại từ 3 - 6 tháng mới dám giao những công việc phụ. “Nhưng có những sinh viên sau 3 tháng đào tạo vẫn không làm việc được”, đại diện May Nhà Bè nói.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, có đến 50% các công ty may mặc, hóa chất cho rằng lao động được đào tạo không đáp ứng nhu cầu. Khoảng 60% lao động trẻ tốt nghiệp từ các trường dạy nghề và trường cao đẳng cần được đào tạo lại ngay sau khi tuyển dụng.

Riêng ngành công nghệ thông tin thì có đến 80 - 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng phải trải qua ít nhất một năm đào tạo lại tại các DN.

Làm sao để các sinh viên rút ngắn thời gian thích ứng công việc? Giải pháp nào để nhà trường có những sản phẩm đào tạo và nghiên cứu đáp ứng ngày một tốt hơn với nhu cầu của DN?

Trong các hội thảo về vấn đề đào tạo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học đã từng đặt vấn đề: Các DN có thể hỗ trợ nhà trường gián tiếp bằng cách nhận sinh viên thực tập; có những phản hồi về chất lượng đào tạo để nhà trường có những điều chỉnh tốt hơn cho chương trình; cung cấp những thông tin về nhu cầu lao động trên thị trường để các trường cùng nắm và có hướng đào tạo đúng với nhu cầu...

Tuy nhiên, trên thực tế, những cơ hội “ngồi lại với nhau” giữa nhà trường và DN là rất ít. Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, cho rằng, hiện nay, không có nhiều DN hợp tác chặt chẽ với các trường đại học. Chỉ một số ít các DN lớn, có nhu cầu nhân viên nhiều và chuyên nghiệp mới chú ý đến việc này.

Đào tạo theo đơn đặt hàng

Theo các chuyên gia, ở nhiều nước trên thế giới, DN phải trả phí đào tạo nếu muốn có được nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu của chính mình. Còn ở Việt Nam, DN chỉ dừng lại ở việc nhận sinh viên thực tập (nhưng rất hạn chế); giao lưu với sinh viên; hỗ trợ một phần trang thiết bị nếu có ký kết đào tạo...

Cũng có một số DN đầu tư vào lĩnh vực đào tạo với mong muốn sẽ có lực lượng lao động đáp ứng được công việc ngay tại DN. Chẳng hạn, Tập đoàn FPT lập ra Đại học FPT; Tập đoàn CMC, Viettel đầu tư vào trường Đại học Quốc tế Bắc Hà, Tổng công ty VTC đầu tư vào Đại học Văn Hiến tại TP.HCM... Tuy nhiên, việc đầu tư “đường dài” không phải là điều dễ dàng mà DN nào cũng có thể làm được.

Mấy năm gần đây, các công ty lớn như P&G, Coca - Cola, Prudential, PepsiCo, Frieslandcapina, Unilever, Nestle... tổ chức các chương trình quản trị viên tập sự. Đây là một cách để đào tạo những lao động theo yêu cầu DN ở cấp quản lý. Một số DN khác thì tặng học bổng, hỗ trợ kinh phí cho trường, tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp...

Tuy là cũng tuyển dụng lao động sau khi tốt nghiệp đại học nhưng cách làm của Big C thì thiết thực hơn, cụ thể hơn. DN này đã liên kết với các trường đại học, đặt ra chương trình học cụ thể theo yêu cầu của mình và đài thọ chi phí học tập cho sinh viên. Không chỉ được học lý thuyết tại trường, sinh viên còn được thực hành tại Big C để có kinh nghiệm thực tiễn và thu nhận họ sau khi tốt nghiệp.

Cách làm này đã được Big C thực hiện nhiều năm nay và mới đây nhất, ngày 6/7, DN này đã ký kết với Đại học Hoa Sen chương trình liên kết nghề bán lẻ hiện đại. Theo hợp tác này, Big C sẽ đài thọ 3,5 tỷ đồng để đào tạo 40 học viên (20 sinh viên Đại học Hoa Sen và 20 nhân viên bán hàng Big C) thành những nhà quản lý bán lẻ cấp trung.

Học viên của chương trình sẽ được tài trợ từ 75 - 100 triệu đồng cho toàn bộ kinh phí học tập, lương thực tập, trợ cấp ăn trưa, bảo hiểm tai nạn...

Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống siêu thị Big C. Ông Pascal Billaud, Tổng giám đốc Big C Việt Nam, cho biết, đây là chương trình khởi đầu cho một lọat các chương trình liên kết đào tạo tiếp theo trong thời gian tới.

“Bởi vì, từ nay đến năm 2013, chúng tôi sẽ tuyển 1.300 quản lý trong đó có 750 trưởng quầy nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản lý hiện tại để phục vụ khách hàng tốt hơn. Lực lượng này sẽ thay thế nhân sự được điều động luân chuyển, thăng tiến lên các vị trí cao hơn và đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống Big C trong tương lai”, ông Pascal Billaud nói.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Đơn hàng” nhân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO