Chọn việc mình yêu

HUỲNH NGỌC ÁNH- Tổng giám đốc Career Vision| 07/07/2011 00:56

Rất nhiều người đang băn khoăn: Không biết công việc nào sẽ là công việc phù hợp nhất? Công việc nào mình có thể làm tốt nhất? Công việc nào sẽ giúp mình nhanh chóng thành công và tìm thấy niềm vui trong công việc? Câu trả lời thật đơn giản: Công việc mình yêu thích.

Chọn việc mình yêu

Rất nhiều người đang băn khoăn: Không biết công việc nào sẽ là công việc phù hợp nhất? Công việc nào mình có thể làm tốt nhất? Công việc nào sẽ giúp mình nhanh chóng thành công và tìm thấy niềm vui trong công việc? Câu trả lời thật đơn giản: Công việc mình yêu thích.

Xác suất thành công

Sự yêu thích và kết quả công việc thật sự có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Điều đó đã được công ty Harrison Assessment nghiên cứu hơn 20 năm qua và chứng minh được rằng những ai yêu thích công việc của họ từ 75% trở lên thì có xác suất thành công đối với công việc đó gấp 3 lần so với những người có mức yêu thích công việc dưới 75%.

Đó là do khi một người đam mê, yêu thích làm một việc gì đó, họ có xu hướng muốn tiếp tục làm điều đó nhiều hơn, có nhiều động lực để tìm tòi học hỏi để am hiểu râu rộng hơn về lĩnh vực đó, để làm việc mỗi lúc một tốt hơn.

Chính nhờ cọ xát với công việc càng nhiều thì càng nhận được nhiều phản hồi để có thể rút kinh nghiệm, tiếp tục cải tiến giúp họ càng trở nên sắc sảo, uyên thâm hơn trong lĩnh vực đó. Và một khi họ làm việc có kết quả tốt, họ thường được khen ngợi và đánh giá cao, điều đó lại càng khuyến khích họ tiếp tục làm tốt hơn nữa.

Sự tự tin về năng lực và niềm đam mê, tự hào đối với những việc mình làm ngày càng được củng cố mạnh mẽ hơn. Như vậy chính việc yêu thích ban đầu đã giúp con người ta tiến nhanh và cảm thấy thỏa mãn nhiều nhất trong suốt quá trình làm việc, điều đó lại tiếp tục gia tăng niềm đam mê, phấn khởi trong công việc, nó tạo thành một vòng xoay cộng hưởng khép kín được mô phỏng như hình vẽ dưới đây.

Ngược lại, nếu một người không có năng khiếu hoặc không thích làm một công việc nào đó, họ sẽ có xu hướng tránh né, nếu bị bắt buộc phải làm thì làm cho xong việc chứ không cảm thấy thích thú nên không tìm hiểu thêm hay muốn làm đi làm lại nhiều lần. Những gì liên quan đến vấn đề đó thường khó làm cho họ nhập tâm được.

Nếu gặp khó khăn trở ngại thì họ dễ dàng nản lòng bỏ cuộc. Do đó, họ lại càng ít cơ hội trải nghiệm để tiếp thu thêm nhiều điều mới, cải thiện năng lực. Và dĩ nhiên là kết quả công việc sẽ không như mong muốn, từ đó sẽ có những phản hồi không tốt, lại càng làm cho họ chán nản, mất động lực phấn đấu, càng trở nên “dị ứng” với công việc đó.

Một phần ba hữu ích

Có một câu chuyện điển hình từ ứng viên của chúng tôi. Cô ấy thích làm việc với con người và rất sợ làm việc với số liệu. Ban đầu, sau khi tốt nghiệp trung học, vì không được tư vấn nghề nghiệp, cô nghe theo bạn bè rằng học ngành kế toán sẽ dễ tìm việc, nhưng do không thích tính toán nên dù cố gắng mấy, cô cũng chỉ tốt nghiệp được loại trung bình.

Khi được nhận vào công việc kế toán theo đúng chuyên ngành đã học, cô cũng cố gắng làm việc hoàn tất công việc được giao, nhưng không tìm thấy niềm vui trong công việc, chẳng bao lâu cô chán công việc hiện tại muốn tìm việc mới nhưng cô lại cảm thấy mất tự tin đối với bản thân vì đã có một khởi đầu không được khả quan.

Sau một thời gian xem xét lại bản thân, cô đã tìm ra được thế mạnh và sở thích thật sự của mình và mạnh dạn tìm kiếm một công việc mới trong lĩnh vực nhân sự.

Mặc dù phải bắt đầu lại từ đầu, nhưng khi được làm công việc phù hợp với sở thích của mình, cô cảm thấy rất vui, công việc nhân sự cũng gặp rất nhiều thách thức nhưng cô vẫn chấp nhận được và cảm thấy thú vị khi được trải nghiệm nhiều vấn đề nhạy cảm khi làm việc với con người.

Cô liên tục học hỏi để bổ sung kiến thức về nhân sự, mọi vấn đề về nhân sự đều khiến cô quan tâm tìm hiểu đến nơi đến chốn. Chỉ trong vòng hai năm, ứng viên ấy đã tự trang bị cho mình nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự.

Cô nhanh chóng khẳng định năng lực ở vị trí giám đốc nhân sự. Tâm sự với chúng tôi, cô cho biết, khi đặt mình vào công việc đúng sở trường, cô cảm thấy như “cá gặp nước”, làm việc đúng sở thích thật thú vị, mọi việc không còn nặng nề như trước nữa.

Mỗi người chúng ta đều có chung một quỹ thời gian 24 giờ/ngày, trong đó thời gian chúng ta tham gia làm việc (để tìm nguồn thu nhập chính) thông thường chiếm ít nhất 8/mỗi ngày, tương đương với 1/3 quỹ thời gian sống, cũng đồng nghĩa với “một phần ba cuộc đời”.

Chính vì lẽ đó, chúng ta nên chọn một công việc thật sự khiến mình cảm thấy vui thích, để có thể chủ động quyết định được 30% hạnh phúc trong cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chọn việc mình yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO