"Căn bệnh" trì hoãn đang kiềm hãm người Việt trẻ như thế nào?

THẢO NGUYÊN| 02/09/2017 06:31

Căn bệnh trì hoãn khiến người trẻ không đủ kiên định theo đuổi giấc mơ. Và cứ thế, họ đánh mất giấc mơ của mình.

Thất bại chỉ là thành công bị trì hoãn trong lúc lòng can đảm đang rèn dũa khát vọng. Thói quen kiên định chính là thói quen chiến thắng.

Thở hắt một cái, tắt màn hình điện thoại, Linh cố gắng không để cảm xúc ghen tị len lỏi vào giấc ngủ. Thì ra ở bên kia trái đất, cô bạn cùng lớp đại học của Linh vừa up ảnh dã ngoại trước tháp Eiffel lên Facebook. Mới 2 năm trước thôi, Linh cũng từng rạo rực ước mơ đặt chân đến Paris hoa lệ, cũng lên công ty du học tư vấn, háo hức đem về nhà hàng đống giấy tờ để rồi bỏ quên phủ nơi bụi góc tủ.

Linh khá giống nhiều bạn trẻ khác đều mắc chứng bệnh từng được nhắc đến trong một cuốn sách Bestseller có tên "Hào hứng một phút". Theo đó những người trẻ này đọc một bài viết về người giỏi ngôn ngữ cũng hùng hực ý chí mở Youtube, đăng ký học online, đến trung tâm ôn luyện dù chỉ vài buổi. Đó là những người đọc một bài báo nhắc nhở về sức khỏe, cũng nhanh chóng đi mua tạ về nhà tập hoặc đến phòng tập gym nhưng cũng bỏ bẵng sau vài buổi đầu hào hứng.

Chuyện hào hứng, sống theo trào lưu của người trẻ chẳng còn lạ khi một bài hát, một cách chụp ảnh mới,… bỗng dưng ngập tràn trong giới trẻ rồi nhanh chóng thay thế bởi những hiện tượng mới nổi khác. Trào lưu cũng là cách thức để những người nhanh nhạy kinh doanh trên túi tiền người trẻ từ chè khúc bạch, mỳ cay 7 cấp độ cho tới nay là trà sữa trân châu.

Có người giải thích nguyên nhân của hiện tượng này là do ý chí không nằm sâu trong tâm khảm của người trẻ nên bị giật dây thì có chút khí thế nhưng sức ì lớn hơn. Sức ì này càng lớn khi nhà càng khá giả, học vấn càng tốt và tuổi càng cao. Thậm chí người ta còn nói vượt khó thì dễ hơn vượt sướng gấp nhiều lần.

Giữa việc ra sân tập thể dục thể thao, mồ hôi ướt đẫm áo với ngồi điều hòa mát rượi, lướt Facebook, cập nhật tình hình bạn bè hẳn nhiều người dễ chọn điều thứ 2.

Theo thống kê của chính Facebook công bố hồi tháng 6 năm 2015, mạng xã hội này hiện có tới 30 triệu người Việt dùng mỗi tháng, 27 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng trên di động, 20 triệu người dùng Facebook mỗi ngày, 17 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày trên di động. Con số này cao hơn 13% so với mức sử dụng mạng xã hội trung bình mỗi ngày trên toàn cầu.

Tính mỗi ngày người Việt dành 2,5 giờ cho Facebook. Ngoài ra ¾ người dùng mạng xã hội này có độ tuổi từ 18-34. Con số tuy cách đây 2 năm nhưng chắc hẳn bộ mặt mạng xã hội người Việt trẻ cũng không thay đổi quá nhiều.

Một con số khảo sát khác được thực hiện bởi AIA năm 2016 tại 15 quốc gia vùng lãnh thổ tại châu Á từ năm 2011 đến năm 2016 cho thấy 76% người dân Việt Nam cảm nhận sức khỏe của mình không tốt hơn 5 năm trước, có ý thức hơn trong việc ăn uống để giữ gìn sức khỏe. Cụ thể hơn là 72% người được hỏi cho biết họ uống nhiều nước hơn, 66% ăn nhiều rau quả hơn thế nhưng thói quen luyện tập thể dục thể thao, khảo sát số giờ tập luyện có chiều hướng giảm xuống.

Trong đó năm 2011 thời lượng tập thể dục là 4,1 giờ/tuần so với mức 2,8 giờ/tuần. Xu hướng này cũng khá trùng hợp với sự xuất hiện của Facebook tại Việt Nam từ năm 2009 và nhanh chóng bùng nổ sau 2-3 năm sau.

Năm 2012, một nghiên cứu của đại học Chicago cho thấy cưỡng lại thèm khát truy cập mạng xã hội còn khó khăn hơn khước từ thức ăn và tình dụng. Sự hấp dẫn của Facebook ở chỗ nó cho người ta một không gian để trình diễn.

"Mỗi cái like, chia sẻ, bình luận tán thưởng, là thêm một mơn trớn cho cái tôi của người đăng tin, một lần nữa khẳng định giá trị, trí thông minh, sự hóm hỉnh của họ, dù đó chỉ là bức ảnh chụp bát bún thang buổi trưa", tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, một chuyên gia nghiên cứu phát triển từng mổ xẻ căn bệnh nghiện Facebook.

Có người từng nói vui muốn bứt phá được ra khỏi sức ì lớn, bệnh lười người trẻ cần "unfriend" với 2 người bạn có tên Vân Nguyễn (Nguyễn Y Vân, đọc lái là Vẫn Y Nguyên) và Cẩn Vũ (Vũ Như Cẩn, đọc lái là Vẫn Như Cũ). Điều quan trọng nữa với người trẻ chính là rèn luyện ý chí quyết tâm và bền bỉ.

Năm 2013, Angela Lee Duckworth từng có có một bài chia sẻ ấn tượng trên TED Talks về lý thuyết có tên GRIT với lượng người xem lên đến 11,7 triệu lượt tính tới hiện tại. Từng chuyển qua nhiều công việc rồi dạy toán cho các học sinh lớp 7 tại một trường công lập ở New York, Angela nhận ra rằng IQ, EQ, hay may mắn không phải tác nhân dẫn đến sự thành công của các học sinh và những đối tượng cô nghiên cứu.

Theo cô "Grit" mới là nhân tố quyết định thành công. Grit có thể nôm na trong tiếng Việt là ý chí vững chãi, kiên định như đá cẩm thạch. Theo đó bạn cần hướng tới mục tiêu tương lai ngày này qua ngày khác không chỉ trong vài tuần, vài tháng mà là hàng năm trời, làm việc chăm chỉ để biến tương lai thành hiện thực. Grit biến cuộc sống thành một đường chạy marathon chứ không phải cuộc đua nước rút.

Vậy làm sao để các bạn trẻ có được tinh thần kiên định, grit? Theo Angela cần xây dựng tư duy tích cực. Một nghiên cứu của đại học Stanford cho thấy khả năng học tập không cố định, nó thay đổi phụ thuộc vào nỗ lực của bạn. Nghiên cứu cho thấy khi trẻ con được học, đọc và đối lập với thử thách, thất bại thì sẽ càng dễ tiếp thu rằng thất bại không phải là một trạng thái vĩnh viễn.

Điều này cũng trùng hợp với câu nói nổi tiếng của nhà văn người Mỹ Herbert Kaufman: "Thất bại chỉ là thành công bị trì hoãn trong lúc lòng can đảm đang rèn dũa khát vọng. Thói quen kiên định chính là thói quen chiến thắng".

Nếu soi chiếu những điều trên có thể thấy cô bạn của Linh sở dĩ đạt được giấc mơ du học bằng con đường học bổng bởi tính kiên định theo đuổi mục tiêu trong 2 năm còn Linh thì không. Và cũng bởi cô hiểu đời người, tuổi trẻ chỉ có một lần để nỗ lực cố gắng.

(Theo Trí Thức Trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Căn bệnh" trì hoãn đang kiềm hãm người Việt trẻ như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO