Cách để tập trung tốt hơn và 6 bước luyện tập thiền của Tiến sĩ Tamara Russell

26/02/2019 00:00

Tập trung sẽ giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống; và khi cuộc sống có ý nghĩa bạn sẽ có khả năng tập trung hơn.

Cách để tập trung tốt hơn và 6 bước luyện tập thiền của Tiến sĩ Tamara Russell

Bạn thường cảm thấy thời gian của mình bị phân mảnh và xáo trộn, luôn căng thẳng và choáng ngợp không biết phải làm gì hay bắt đầu từ đâu.

Tình trạng đó sẽ dẫn bạn đến chiếc bẫy cố gắng tập trung vào mọi thứ. Kết quả là bạn không thể hoàn thành bất cứ việc gì.

Theo các nhà nghiên cứu, sự đa nhiệm không chỉ làm giảm hiệu quả làm việc mà cả chỉ số IQ của bạn. Một nghiên cứu của Trường Đại học London cho thấy, những người làm việc đa nhiệm trong các nhiệm vụ về nhận thức có mức IQ sụt giảm, tương tự như khi họ hút cần sa hoặc thức đêm.

Theo tác giả Brigid Schulte - từng là phóng viên đạt giải thưởng của Báo Washington Post, Giám đốc The Better Life Lab thuộc trung tâm phi lợi nhuận New america và là mẹ của hai người con, “Không ai có thể hoàn thành đồng thời hai công việc với 100% khả năng tập trung”.

Vậy làm thế nào để có thể tập trung 100% vào một công việc trong một thời điểm, để đạt hiệu quả tốt ưu?

Hành trang và những lời khuyên giúp bạn rèn luyện khả năng tập trung và thay đổi cuộc đời có trong Real Focus. Trong cuốn sách này, ngoài phân tích lý do khiến chúng ta thường xuyên do dự và trì hoãn, nguyên nhân khiến chúng ta bị mất tập trung, các chuyên gia đưa ra những lời khuyên quý báu giúp chúng ta rèn luyện khả năng tập trung và thay đổi cuộc đời.

Nội dung dưới đây được trích từ Real Focus – Kiểm soát và bắt đầu cuộc sống bạn mong muốn (bản tiếng Việt của Thái Hà Books).

Làm sao để tập trung tốt hơn?

Làm những việc quan trọng thực sự là vấn đề then chốt của tập trung thực sự. Một cuộc sống tập trung, dễ dàng và thoải mái phải chứa đựng những điều quan trọng với chúng ta.

Điều gì quan trọng nhất với bạn?

Hiểu rõ bản thân

Tự ý thức và hiểu sâu hơn về bản thân là chìa khóa để đi tới trọng tâm của vấn đề mà chúng ta quan tâm và những điều thực sự quan trọng.

Với việc hiểu rõ bản thân, chúng ta có thể đạt được những điều có ý nghĩa hơn trong cuộc sống. Một khi có thể kiểm soát cuộc sống với ý nghĩa thực sự, khả năng tập trung của bạn sẽ được cải thiện.

Hai vấn đề song song tồn tại: tập trung sẽ giúp chúng ta tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống; và khi cuộc sống có ý nghĩa bạn sẽ có khả năng tập trung hơn.

Link bài viết

Để tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, hãy đặt ra cho bản thân 4 câu hỏi cơ bản sau, và dành thời gian trả lời chúng.

1/ Điều gì quan trọng với bạn? (Giá trị cốt lõi)

Giá trị cốt lõi xác định chúng ta là ai. Nó tạo ra các niềm tin để soi đường cho hành động, giúp chúng ta đưa ra các quyết định và thực hiện các công việc quan trọng.

Giá trị cốt lõi là động lực thúc đẩy ta thức dậy mỗi sáng, khiến cuộc sống của ta có ý nghĩa và mục đích.

Khi bạn cảm thấy đang “lạc lối”, thường vì bạn không thành thật với những giá trị cốt lõi của bản thân.

2/ Bạn giỏi việc gì nhất? (Điểm mạnh)

Mỗi người đều có thế mạnh riêng và tập trung thực sự là việc nắm bắt được các điểm mạnh và tối đa hóa chúng.

Thế mạnh có thể là tài năng như thiết kế, toán học, văn học; nhưng công bằng mà nói, đó là những phẩm chất cá nhân và đôi khi bạn rất khó tự nhận biết.

Có thể bạn có uy tín và thuộc típ người trò chuyện được với bất kỳ ai, hoặc bạn là người giỏi lắng nghe, hoặc giỏi thuyết phục.

Nếu bạn không chắc thế mạnh của mình nằm ở đâu, hãy xem người khác nhận xét gì về bạn, hoặc họ thường nhờ bạn làm việc gì nhất.

Một điều cần nhớ là thế mạnh của bạn thường là những điều bạn dễ dàng đạt được. Do vậy, một câu hỏi đáng giá là bạn thực sự hứng thú muốn làm điều gì?

3/ Điều gì thu hút và truyền cảm hứng cho bạn? (Đam mê)

Khi chúng ta làm những việc mình yêu thích, mọi thứ dường như dễ dàng hơn nhiều. Chúng ta cũng ít bị phân tâm nếu tập trung vào  những việc mình thực sự yêu thích.

Hãy dành thời gian suy nghĩ về những điều bạn thực sự yêu thích – cả về công việc, giải trí hay thư giãn – vì bạn thường muốn cả hai. Những điều mà bạn đam mê trong thời gian rảnh chỉ là phần thưởng và giúp nâng cao tinh thần, nhưng nó cũng có thể dẫn bạn tới công việc mơ ước của mình.

4/ Bạn muốn gì? (Tầm nhìn)

Tầm nhìn là những nguyện vọng bạn muốn đạt được trong tương lai, những giá trị cốt lõi và đam mê sẽ hỗ trợ cho tầm nhìn này.

Nếu có thêm 1 năm, 5 năm hay 10 năm, bạn muong muốn sẽ làm gì? Hãy viết ra cuộc đối thoại trong mơ của bạn.

Lấy lại thời gian

Bạn có thể thắc mắc, tại sao một số người có thể đạt được rất nhiều thành tựu, mặc dù về thời gian họ cũng có cùng số giờ mỗi ngày như bạn. Bí mật của họ là gì?

Sự thật là chẳng có bí mật nào cả. Đơn giản là họ có thể làm chủ vài bước cơ bản, như ưu tiên những vấn đề quan trọng và quản lý tốt thời gian. Thay vì cố gắng căng người ta và kham hết các công việc, họ chỉ làm những việc quan trọng và đúng thời gian.

Bạn hoàn toàn có thể làm được như họ, chỉ cần sử dụng các công cụ để sắp xếp công việc của mình.

Nhận biết thời gian đã đi về đâu

Bước đầu tiên để lập quỹ thời gian là bạn cần biết mình đang sử dụng thời gian vào việc gì.

Hãy lập ra một bảng excel theo dõi thời gian – 24 giờ trong ngày được chia thành các dòng, mỗi dòng tương ứng với 30 phút, điền vào đó – càng chi tiết càng tốt – những việc mà bạn đã làm trong những khung thời gian đó, rồi điều chỉnh nó như mong muốn.

Làm như vậy, không phải bạn có nhiều thời gian hơn, mà là bạn sáng tạo hơn trong việc sử dụng những gì mà mình có.

Bảo vệ thời gian của bạn

Một trong những lý do chính của việc lãng phí thời gian và năng lượng là không đảm bảo được các giới hạn cho chúng.

Đặt ra một giời hạn lành mạnh để bảo vệ năng lượng là rất quan trọng. Khi đặt ra ranh giới cho bản thân, bạn không cần quan tâm đến sự tôn trọng hay đam mê của người khác. Mọi người đều có quyền yêu cầu n.hững điều họ muốn, nhưng bạn là người quyết định liệu việc đó có đúng và phù hợp với bạn hay không.

Các tạo ra những ranh giới lành mạnh:

- Nhận biết những người đang vắt kiệt sức lực và thời gian của bạn. Khi bạn dành quá nhiều thời gian cho những người không phù hợp, điều đó có thể làm cạn kiệt sức lực và khả năng tập trung của bạn.

- Nhận thức việc bạn cảm thấy bực dọc, không hài lòng hay nhiệt tình với những việc bạn đã đồng ý xử lý. Hãy lắng nghe lòng mình: Bạn có cảm giác bực dọc, phiền não sau khi đồng ý nhận làm một việc nào đó – hãy từ chối.

- Chịu trách nhiệm củng cố những ranh giới hợp lý. Hãy nhớ, nếu những điều bạn đang làm khiến bạn cảm thấy bực bội, đó là lỗi của bạn vì đã không củng cố những ranh giới hợp lý.

Link bài viết

Sống trong thực tại

Chúng ta không thể thay đổi quá khứ và dự đoán đúng tương lai, do vậy hãy đầu tư vào những gì chúng ta có lúc này hơn là dồn sức suy nghĩ về những vấn đề không kiểm soát được.

Khi bắt đầu làm việc như vậy, chúng ta sẽ thấy cuộc sống nhiều màu sắc và đầy sức sống hơn; chúng ta sẽ thấy bình tĩnh, biết ơn về những gì đã đạt được, và quan trọng là tập trung hơn.

Một thuật ngữ mô tả việc thực hành sống trong thực tại là thiền. Để hiểu rõ thiền là gì và cách luyện tập, chúng ta cần hiểu con người có 2 trạng thái tâm lý cơ bản:

Trạng thái mặc định: Chúng ta dành nhiều thời gian trong trạng thái này. Đây là trạng thái suy nghĩ miên man. Lúc này chúng ta không còn ở thực tại hay tập trung vào công việc ngay trước mắt. Trạng thái này cũng mang đến những tác động tích cực lên sự tập trung nếu chúng ta biết tận dụng chúng. Những suy nghĩ miên man, ước mơ hay hồi tưởng quá khứ có thể dẫn chúng ta tới sự sáng tạo kỳ diệu khi bạn kết hợp chúng với sự tập trung trong thực tại.

Trạng thái có ý thức: Trạng thái này xuất hiện khi chúng ta quyết định chú ý vào từng khoảnh khắc – chỉ tập trung duy nhất vào thứ mà mình đang làm. Đó là khi chúng ta thực sự “ở đó”.

Khi luyện tập thiền, chúng ta thay đổi giữa hai trạng thái này.

Nắm bắt hệ thống

Có mục tiêu là một phần quan trọng để đạt được sự tập trung thực sự. Mục tiêu cho chúng ta lý do để đi theo định hướng nhất định trong cuộc sống và khích lệ chúng ta. Tuy nhiên, mục tiêu sẽ không hữu ích nếu bạn không có hệ thống để đạt được.

Mục tiêu như một điểm đến. Còn hệ thống là nền tảng những điều bạn làm. Hệ thống cho chúng ta sự tự do để làm việc tốt nhất và tránh được các sai lầm liên tiếp. Khi tạo ra hệ thống tốt, bạn sẽ không phải nghĩ về nó nữa.

Nếu chúng ta nghĩ về hệ thống như là những thói quen, mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Thói quen là những việc chúng ta làm thường xuyên. Những thói quen tốt có thể tạo ra khác biệt lớn trong cuộc sống. Hãy nghĩ về hệ thống như một chất bôi trơn giữ bánh xe cuộc đời của bạn vận hành tốt.

Thường thì chúng ta tạo ra một hệ thống không hiệu quả, nhưng không thay đổi mà vẫn lặp đi lặp lại. Vì dụ, bạn thường phải lục tung đồ đạc để tìm chìa khóa vào mỗi sáng vì không để cố định một chỗ. Tại sao bạn vẫn tiếp tục làm vậy? Hiểu rõ tại sao, và hiểu rõ những động cơ, chính xác là những gì chúng ta cần làm để dừng lại, và bắt đầu tạo ra hệ thống để cuộc sống dễ dàng hơn.

Dành thời gian tạo lập hệ thống tốt cho công việc và cuộc sống gia đình, bạn sẽ thu về những phần thưởng lớn: Mọi việc sẽ trở nên suôn sẻ hơn, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, làm việc hiệu quả hơn và cuối cùng là tận hưởng mọi thứ tốt hơn.

Tập trung thực sự không phải là kỹ năng quản lý thời gian nhất thời, học cách tập trung trong nhiều giờ, hay hoàn thành được nhiều việc hơn. Tập trung thực sự đơn giản là sống cuộc đời mà bạn muốn, có nhiều thời gian để phân loại những việc thực sự mang lại hạnh phúc và đủ đầy cho bạn.

6 bước luyện tập thiền của Tiến sĩ Tamara Russell
nhà tâm lý học lâm sàng, người hướng dẫn thiền, võ sĩ

1. Tập trung: Chúng ta bắt đầu tập trung vào một thứ gì đó, cố gắng đưa trọng tâm suy nghĩ vào việc chúng ta đang làm. Điều này cần một lựa chọn thận trọng.

2. Kiểm soát: Chúng ta nhận ra ý thức bắt đầu miên man. Bằng cách thực hành thiền chúng ta sẽ bắt đầu trở nên nhạy cảm với trạng thái biến đổi giữa “tôi đang tập trung, tôi không tập trung”.

3. Lựa chọn: Sau đó chúng ta nhận ra mình có một lựa chọn: duy trì trạng thái mặc định (được tạo ra khi đầu óc suy nghĩ miên man) hoặc trở về trạng thái có ý thức (xuất hiện khi tập trung vào một việc nào đó). Khi làm được điều này, chúng ta sẽ dành ít thời gian hơn cho trạng thái suy nghĩ miên man, hoặc chúng ta sẽ kiểm soát để khai thác khả năng của trạng thái mặc định vào trí tưởng tượng và sáng tạo (phụ thuộc vào công việc mà chúng ta đang làm). Hãy nhớ, đây không phải việc không suy nghĩ miên man mà là sử dụng bộ não hiệu quả nhất.

4. Chuyển đổi trạng thái: Bạn lấy lại sự chú ý mà không suy xét. Điều này thúc đẩy “tính tự chủ” – trong đó bạn bắt đầu chú ý và nhận thức được tình cảm, suy nghĩ và cách tư duy, và từ đó “làm chủ” được khả năng tập trung. Có rất nhiều cách để làm điều này: Tập trung vào hơi thở hoặc đưa sự chú ý trở lại cơ thể - cơ thể bạn cảm thấy thế nào? Bạn có cảm giác gì ngay lúc này? Cơ thể sẽ mang bạn trở lại. Cơ thể và hơi thở là hai thứ giúp bạn ở lại với thực tại và luôn song hành cùng bạn. Chuyển sự chú ý của bạn sang dạng này thường xuyên trong ngày, thì bạn sẽ có một dạng “thiền không chính thức”.

5. Mục đích: Để duy trì trạng thái có chủ đích và lấy lại khả năng tập trung vào đối tượng mà bạn đã chọn, bạn cần nỗ lực. Nó giúp bạn hiểu được lý do ẩn chứa đằng sau những hành động. Tại sao điều này lại có ý nghĩa với bạn? Hãy tự hỏi bản thân điều gì quan trọng hơn ngay lúc này? Ví dụ như suy nghĩ về thư điện tử mà bạn cần gút, hay lắng nghe con gái đang kể chuyện ở trường? Khi tìm ra ý nghĩa và có mục đích rõ ràng, mạnh mẽ, chúng ta sẽ dễ dàng tập trung hơn.

6. Động lực: Chúng ta nhận thấy mình không thể có được trạng thái tập trung có chủ đích bằng cách “dán mặt” với công việc và ép buộc mình “Tôi sẽ tập trung, tôi sẽ tập trung”. Chúng ta chỉ có được trạng thái đó thông qua những nỗ lực và nguyên tắc về tập trung. Khi bắt đầu có những lần thành công, chúng ta sẽ có thêm động lực để tiếp tục hoặc cố gắng sử dụng những trạng thái có ý thức này vào các tình huống cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách để tập trung tốt hơn và 6 bước luyện tập thiền của Tiến sĩ Tamara Russell
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO