Bạn vừa được thăng chức? Làm tốt lắm, bạn đã giành được vị trí mà rất nhiều người cùng mong muốn! Cùng gia đình và bạn bè tiệc tùng một chút chứ nhỉ, và rồi cùng bắt đầu công việc ở vị trí mới thôi nào.
Nhưng bạn có thể cũng đã biết rằng, chẳng có con đường nào ngay từ đầu đã trải hoa hồng, hoặc nói một cách thẳng thắn thì, vị trí mới vốn chẳng phải là một miếng bánh dễ ăn. Nếu cứ mãi tận hưởng chiến thắng, chúng ta rất có thể sẽ đẩy mình vào một trong số những chiếc bẫy ngọt ngào vô hình luôn quẩn quanh cái danh ‘thăng chức’.
Nhìn chung, do tâm lý chung của những người mới được đề bạt, con người ta thường có một số suy nghĩ không đúng hướng sẽ dẫn họ vào những ‘cái bẫy’ vô hình trong sự nghiệp của mình. Cùng tìm hiểu một số những suy nghĩ đôi khi sẽ khiến chúng ta mắc sai lầm và điều chỉnh ngay trước khi chúng khiến ta ‘tự mình hại mình’ nhé!
"Tôi không cần phải làm những việc như trước kia nữa"
Thật không may là sẽ chẳng có điều gì thay đổi hoàn toàn chỉ sau một đêm cả, và bạn sẽ cần thời gian để thích nghi với vị trí mới cùng những nhiệm vụ mới, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ làm những việc hoàn toàn khác với trước kia mình từng làm. Hãy nhớ rằng rất có thể có hiệu ứng domino giữa những dự án gần hoàn thiện và những khách hàng sắp tới, và việc này sẽ khiến bạn không thể thoát ly hoàn toàn khỏi những vòng quay này. Đó chính là lí do khiến cho công việc của bạn không khác hẳn so với trước khi bạn thăng chức, sự khác biệt ở đây chỉ là mức độ bạn tiếp cận với công việc mà thôi, nếu trước đây bạn phải tự mình liên lạc với khách hàng chẳng hạn, thì giờ đây, đó đã là công việc của cấp dưới rồi. Thay vì mong chờ công việc của mình có điều gì đó đột phá, bạn có thể tự tạo ra điều đột phá trong vai trò mới để gây ấn tượng với mọi người, nhưng nhớ, hãy có chừng mực.
"Tôi là người quan trọng nhất ở đây!"
Điều này thì…thật sự là hơi quá ngạo mạn rồi đấy. Bạn nghĩ mình là người quan trọng mà công ty không thể thiếu và mong rằng tất cả sẽ phải cung phụng mình?
Suy nghĩ như thế chỉ khiến bạn đôi khi trông thật nực cười trong mắt tất cả mọi người. Và thật sự thì chẳng ai muốn nghe lời một kẻ hợm hĩnh coi mình là nhất cả. Chưa kể, việc cứ để bản thân lên tận mây xanh sẽ khiến bạn khó mà nhận thức được thực tế và là con đường nhanh nhất hủy hoại sự nghiệp vừa chớm nở không bao lâu của bạn. Hãy giữ thái độ khiêm tốn và ham học hỏi, chú ý đến lợi ích nhóm hơn lợi ích cá nhân, và mọi người sẽ công nhận bạn.
"Bỗng dưng có thật nhiều người vây quanh, cũng thú vị đấy!"
Việc bỗng dưng được ‘nườm nượp’ người tới hỏi thăm, làm quen, kết thân khi bạn được thăng chức quả thực không phải là điều gì lạ lẫm. Điều này có thể thỏa mãn lòng tự tôn và hư vinh của bạn, nhưng hãy luôn cẩn thận và tỉnh táo.
Trong số những người đang cố lấy lòng bạn kia, có bao nhiêu người từng thật lòng đối xử tốt với bạn, có bao nhiêu người trước đây chống đối bỗng quay ngoắt nịnh nọt, và bao nhiêu đối thủ cạnh tranh chỉ chờ bạn sơ hở để cướp lấy vị trí?
Việc nhìn nhận con người lúc này vô cùng quan trọng. Hãy giữ thái độ đúng mực với tất cả mọi người và tập trung vào công việc để cho sếp của bạn thấy rằng quyết định ‘cất nhắc’ bạn là không sai, còn ‘bè lũ’ trong công việc sẽ sớm lộ bản chất chỉ sau vài sự việc và khi đó bạn biết phải làm gì rồi đấy.
Quá mải mê hưởng thụ
Những cơ hội thăng chức thường đến cùng với tăng lương hoặc tiền thưởng. Và tất nhiên, việc nuông chiều bản thân một chút trong dịp này là hoàn toàn bình thường và hợp lý.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc từ nay trở đi bạn có thể thoải mái vung tay tiêu tiền vô tội vạ. Những tiệc mừng nên được hạn chế, bạn cũng cần quy hoạch lại chi tiêu và mức thu của mình một cách hợp lý để tránh ‘vung tay quá trán’. Được thăng chức là tăng lương là điều đáng mừng, tuy nhiên, hãy biết thế nào là hợp lý và coi trọng công việc hơn những thứ phù phiếm xung quanh.
(Theo Nhịp Sống Kinh Tế)