12 tuyệt chiêu đối phó với kẻ "không chơi được"

TRẦN ĐẮC LUÂN| 06/04/2015 05:03

Công sở nào cũng có người "khó chịu". Điều đáng nói, đôi khi bản thân những người đó không biết mình đang trở thành nỗi phiền hà, gây căng thẳng cho người khác do họ tạo ra những mâu thuẫn không đáng có.

12 tuyệt chiêu đối phó với kẻ

Vậy cần giải quyết thế nào với những người này?

Trong một nghiên cứu gần đây của Đại học Friedrich Schiller (Đức), người ta nhận thấy việc đương đầu với những xung đột gây cảm xúc tiêu cực hệt như khi phải đối mặt với những "người khó chịu". Nói cách khác, trong cả hai trường hợp, não sẽ bị stress như nhau.

Dưới đây là 12 cách hiệu quả nhất có thể vận dụng để đối phó với những kẻ được xem là "khó chơi" tại công sở.

1. Đặt ra các giới hạn

Những người hay phàn nàn, than phiền là những người luôn chăm chăm vào các trục trặc của bản thân thay vì tìm giải pháp khắc phục. Họ bao giờ cũng muốn mọi người phải lắng nghe.

Người ta thường bị sức ép khi phải nghe những lời than vãn quá mức bởi không muốn bị cho là mình thô lỗ hay vô tâm. Tuy nhiên, có ranh giới mỏng manh giữa sự lắng nghe, cảm thông với việc bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc tiêu cực.

Bạn có thể tránh được điều này bằng cách đặt ra giới hạn và tự tránh xa người hay càm ràm, nếu thấy cần. Một cách rất hay là hãy hỏi người than phiền xem họ định xử lý vấn đề theo cách nào. Hoặc là họ sẽ im không nói nữa, hoặc lái câu chuyện theo hướng có ích.

2. Không tranh cãi

Những người thành công hiểu rằng việc tiếp tục sống và làm việc trong những ngày tiếp theo là rất quan trọng, dù bên cạnh mình có một đồng nghiệp là "người khó chịu". Nếu để xảy ra cãi vã với người khó cảm tình ấy trong khi không kiểm soát được bản thân sẽ khiến bạn bị stress.

3. Không để bị lôi kéo

Kẻ "không chơi được" khiến bạn dễ nổi khùng vì thái độ khiêu khích của họ? Hãy bình tĩnh, đừng phản ứng và cũng đừng để bị lôi kéo vào chuyện của họ.

Kẻ "khó chơi" làm những việc càng vô lý thì bạn càng phải nhủ mình thoát ra khỏi "cái bẫy" của họ. Đừng cố gắng đánh bại họ ngay trong trò chơi họ bày ra. Hãy tách bạn khỏi và nhìn họ như thể họ là một người không việc gì mình phải quan tâm.

4. Hiểu rõ cảm xúc của mình

Duy trì khoảng cách với "người xấu chơi" cần sự tỉnh táo. Bạn không thể ngăn người khác khiêu khích bạn nếu bạn không nhận ra họ đang khiêu khích. Đôi khi bạn lâm vào tình huống phải tự kìm mình và tìm cách tốt nhất để vượt qua.

5. Thiết lập ranh giới

Nếu luôn phải "thiết lập ranh giới" với đồng nghiệp "không dễ chơi" là bạn tự đánh giá thấp mình. Một khi đã tìm ra cách hiểu người mình không muốn giao tiếp, trừ những khi quá cần thiết do công việc chẳng hạn, bạn sẽ dễ đoán định và dễ hiểu những hành xử của người ấy. Từ đó bạn sẽ nhận ra khi nào và ở đâu bạn có thể chịu đựng được họ và khi nào không thể.

Chẳng hạn ngay cả khi bạn làm việc chung với ai đó trong cùng một dự án, không có nghĩa bạn phải duy trì mức độ giao tiếp 1 - 1 với tất cả mọi thành viên.

Có thể bạn phải "thiết lập ranh giới" với người mà bạn và cả người ấy không hề ưa nhau, nhưng hãy làm điều đó một cách tỉnh táo và chủ động thì bạn biết khi nào, ở đâu sẽ kiểm soát tình hình tốt hơn.

6. Không để mất tự tin

Những người tỉnh táo thường rất vui vẻ về việc gì đó đã làm được và không để bị những lời bình phẩm có dụng ý xấu của "người luôn muốn gây sự" trong công sở cướp mất niềm vui đó.

Link bài viết

Mặc dù không thể ngăn được sự bực dọc lộ trên nét mặt, cử chỉ một khi "người xấu chơi" nói xấu về mình, bạn hãy cứ xem ý kiến ấy chỉ là quan điểm cá nhân.

Bằng cách đó, cho dù "kẻ độc hại" kia nói gì, bạn cứ tự tin giá trị của bản thân và mình sẽ không bao giờ xấu đi trong mắt bạn bè, đồng nghiệp khác.

7. Hãy tìm giải pháp trong công việc

Nếu cứ loay hoay trong những vấn đề khó chịu đang gặp phải, bạn sẽ tự tạo tâm lý tiêu cực và áp lực kéo dài. Khi tập trung vào những hành động giúp bản thân tốt hơn, bạn sẽ giảm bớt căng thẳng và tạo nên xúc cảm tích cực.

Đối phó với những "kẻ khó chịu" cũng vậy. Nếu cứ bực bội về việc họ khiến bạn phát điên, bạn sẽ mệt mỏi và căng thẳng. Hãy quên đi những rắc rối, khó chịu đó để tập trung vào công việc.

8. Không quên

Những người điềm tĩnh sẽ dễ dàng tha thứ sự "khiêu khích" của "kẻ khó chịu", nhưng điều đó không có nghĩa họ nhanh quên. Tha thứ để bỏ qua những gì đã xảy ra và bước tiếp. Nhưng nó không có nghĩa cho "kẻ xấu" một cơ hội khác để lặp lại hành vi xấu.

9. Tránh làm khổ mình

Đôi khi bạn cũng bị nhiễm suy nghĩ tiêu cực của người khác. Không có gì sai khi bạn cảm thấy tồi tệ về cách ai đó đối xử với mình, nhưng cứ tự nhủ điều đó không có ích gì.

"Tự làm khổ mình" là không cần thiết vì nó chỉ có hại. Điều đó sẽ đẩy bạn vào vòng xoáy tâm lý tiêu cực khó thoát ra.

10. Hạn chế cà phê

Uống nhiều cà phê sẽ kích thích sản xuất adrenaline. Adrenaline là nguồn gốc của phản ứng "sẵn sàng chiến đấu" - một cơ chế để tồn tại, buộc bạn phải "đứng lên" hoặc chạy thật nhanh khi bị đe dọa.

Cơ chế chiến đấu là tư duy hợp lý khi cần phải phản ứng nhanh. Điều này thật tuyệt nếu bị con gấu đuổi theo, nhưng chẳng ra sao nếu bạn đang phải đối diện với một đồng nghiệp nổi nóng.

11. Ngủ đủ

Thật khó nói hết tầm quan trọng của giấc ngủ với việc tăng trí tuệ và kiểm soát căng thẳng. Khi ngủ, não được "sạc lại năng lượng", xới xáo lại ký ức trong ngày và sắp xếp hay loại bỏ chúng (điều này tạo nên các giấc mơ), để sau đó thức dậy tỉnh táo và minh mẫn.

Do đó, nếu ngủ không đủ, khả năng tự kiểm soát, độ tập trung và trí nhớ đều bị giảm sút. Một đêm ngủ ngon sẽ giúp bạn tích cực, sáng tạo và chủ động trong hành xử với những "kẻ làm hại" ở công sở.

12. Nhờ trợ giúp

Đúng là sẽ rất tuyệt nếu có thể giải quyết tất cả mọi thứ một mình. Nhưng khi phải đối phó với những "kẻ khó chịu", bạn cần nhận ra những điểm yếu của bản thân.

Từ đó, bạn cần sự giúp đỡ từ những người khác. Ai cũng có một người nào đó, một nhóm người nào đó thuộc cùng cơ quan hay bên ngoài cơ quan để ủng hộ và giúp đỡ khi cần.

Đôi khi cách đơn giản nhất là chia sẻ hay giải thích cách phản ứng của bạn với "người thích gây sự". Trong phần lớn trường hợp, những người ngoài cuộc thường có cái nhìn tỉnh táo và họ sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
12 tuyệt chiêu đối phó với kẻ "không chơi được"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO