Vì đâu chứng khoán Trung Quốc bứt phá?

Gia Lê| 30/10/2020 06:00

Sau kỳ nghỉ lễ dài từ cuối tháng 9, chứng khoán Trung Quốc đã bất ngờ đi lên mạnh mẽ kể từ đầu tháng 10 đến nay, đưa tổng mức vốn hóa của thị trường vượt ngưỡng 10.000 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2015. Động lực nào đã thúc đẩy thị trường?

Chỉ số chứng khoán Shanghai của sàn Thượng Hải tính từ đầu tháng 10 đến ngày 21/10/2020 đã tăng xấp xỉ 3,5% và tăng hơn 25% kể từ mức đáy thiết lập vào giữa tháng 3 đến nay. Tương tự, chỉ số CSI 300, bao gồm những cổ phiếu vốn hóa lớn tại Thượng Hải và Thâm Quyến, cũng tăng đến 5% trong cùng khoảng thời gian trên. Tính từ mức đáy quanh 3.650 vào giữa tháng 3, chỉ số CSI 300 cũng đã tăng hơn 31%, hiện nằm quanh mốc 4.800 điểm tính đến phiên giao dịch ngày 21/10/2020. 

bai-3-chung-khoan-TQ-8520-1603769143.jpg

Sự bứt phá mạnh mẽ kể trên đã đưa tổng vốn hóa thị trường của chứng khoán Trung Quốc đạt mức hơn 10.000 tỷ USD trong những ngày giữa tháng 10 vừa qua, và rất gần với cột mốc cao nhất mọi thời đại. Con số này chỉ xếp sau mức vốn hóa cao nhất thế giới của chứng khoán Mỹ là 38.300 tỷ USD. Trước đó vào tháng 7, vốn hóa chứng khoán Trung Quốc cũng đã tiến sát mốc 10.000 tỷ, nhưng Chính phủ Trung Quốc khi đó đã can thiệp để kìm hãm đà tăng do đầu cơ, vốn khiến chỉ số theo dõi các mã vốn hóa lớn tiến gần đỉnh 12 năm.

Giới phân tích dự báo có khả năng vốn hóa thị trường của Trung Quốc có thể còn mở rộng nhanh hơn khi các cải tổ về thị trường như hệ thống giao dịch niêm yết lần đầu (IPO) mới được triển khai, mà có thể thu hút thêm nhiều thương vụ IPO mới. Được biết vào tháng 7/2018, Trung Quốc đã bắt đầu khởi động một sàn giao dịch chứng khoán mới tại Thượng Hải có mô hình hoạt động tương tự như sàn Nasdaq (Mỹ), với tên gọi là STAR Market. Hiện nay, các nhà điều hành đang nới lỏng quy định về mức định giá và giới hạn giá chào sàn đối với những công ty niêm yết trên sàn STAR.

Thống kê cho thấy hơn 130 doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu tại Star đã huy động được hơn 30 tỷ USD từ thị trường trong hơn 12 tháng qua. Đáng chú ý, các doanh nghiệp công nghệ tên tuổi hàng đầu, bao gồm Ant Group của tỷ phú Jack Ma và các nhà sản xuất chip lớn đều thể hiện sự quan tâm trong việc đưa cổ phiếu lên sàn này, bỏ qua sàn Nasdaq của Mỹ. Giới chức Trung Quốc cho biết, những quy định nới lỏng đang được áp dụng với sàn Star cũng sẽ sớm được áp dụng tại sàn giao dịch lớn hơn là ChiNext tại Thẩm Quyến.

Đây được xem là chất xúc tác quan trọng thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư đổ vào chứng khoán Trung Quốc trong những tuần qua. Ngoài ra, nhờ những chính sách khuyến khích giao dịch của Bắc Kinh, xu hướng đồng nhân dân tệ tiếp tục mạnh lên và các số liệu kinh tế vĩ mô được cải thiện và ngày càng khởi sắc cũng là bệ đỡ quan trọng cho thị trường.

Nhà đầu tư cũng lạc quan hơn với dự đoán Chính phủ sẽ đưa ra cải cách để biến khu vực xoay quanh Thâm Quyến trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu và tung thêm chính sách để kích thích nhu cầu khi sắp tổ chức Đại hội Đảng vào cuối tháng này. Thị trường cổ phiếu nhảy vọt khi nợ margin tăng nhanh nhất kể từ năm 2015 và khối lượng giao dịch cũng bật tăng.

335445445-1607-1603769143.jpg

Đặc biệt, với việc đồng Nhân dân tệ ngày càng mạnh cũng góp phần thúc đẩy giá cổ phiếu, nhờ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào khi rủi ro tỷ giá đã giảm xuống. Thống kê cho thấy đồng Nhân dân tệ đã tăng 3,9% trong quý vừa qua, đánh dấu quý leo dốc mạnh nhất trong 12 năm.

Mới đây, Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố tăng trưởng quý III của kinh tế nước này tăng trưởng đạt 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng 3,2% của quý II. Cũng theo NBS, trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vẫn đạt mức tăng trưởng dương 0,7% so với cùng kỳ năm 2019, dù chịu thiệt hại không nhỏ bởi đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay.

Giới hoạch định chính sách toàn cầu đang đặt hy vọng vào một sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc để kích thích nhu cầu, trong bối cảnh các nền kinh tế còn chật vật xoay sở với các biện pháp giãn cách xã hội và làn sóng nhiễm Covid-19 thứ hai. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới tăng trưởng trong năm 2020, với mức tăng 1,9%. 

Với sự lạc quan trên, chứng khoán Trung Quốc - với vai trò là phong vũ biểu của nền kinh tế, đã bứt phá trước cũng không có gì lạ. Dù thị trường đang trong giai đoạn củng cố trở lại, nhưng giới đầu tư vẫn thể hiện sự lạc quan trong dài hạn cho chứng khoán của nước này, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì đâu chứng khoán Trung Quốc bứt phá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO