Tiềm ẩn nỗi lo về khủng hoảng thực phẩm

Lê Phan| 29/10/2021 07:00

Đại dịch Covid-19 kéo dài trong hơn một năm rưỡi qua không chỉ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trầm trọng nhất trong hơn một thập niên qua, mà còn khiến thế giới đứng trước một cuộc khủng hoảng thực phẩm, kéo theo đó sẽ là những xung đột về quân sự và bất ổn chính trị.

Đói nghèo gia tăng

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), trong năm 2021, nạn đói đã trở nên trầm trọng hơn tại một số quốc gia, trong đó có thể kể đến Afghanistan, Angola, Cộng hòa Trung Phi, Ethiopia, Haiti, Kenya, Lebanon, Somalia, Syria, Yemen... Trong số này, Ethiopia đứng hàng đầu với số người phải đối mặt với nạn đói dẫn đến tử vong dự báo có thể tăng lên 401.000 người - con số cao nhất kể từ nạn đói năm 2011 ở Somalia.

Tại Afghanistan - đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau khi Taliban giành lại quyền kiểm soát đất nước, dự báo đến cuối năm 2021 sẽ có tới 3,5 triệu người dân phải đối mặt với nạn đói dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính và tử vong. Trong khi đó, các nước như Lebanon, Nigeria, Sudan, Venezuela cũng đứng bên bờ vực mất an ninh lương thực do chịu ảnh hưởng bởi đồng tiền mất giá và lạm phát tăng cao. Mất mùa liên tiếp ở Zambia, Zimbabwe, Mozambique và Angola do hạn hán liên tục gây thiệt hại to lớn đối với sản xuất nông nghiệp, khiến giá lương thực tăng vọt. 

Chỉ số giá thực phẩm (FPI) của FAO đang ở mức cao nhất trong 10 năm qua

Chỉ số giá thực phẩm (FPI) của FAO đang ở mức cao nhất trong 10 năm qua

Không chỉ các nước nghèo, các nước phát triển cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lương thực cùng với sự tăng giá của nhiều mặt hàng thực phẩm. Vào thời kỳ đầu của đại dịch, người Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng hóa, bao gồm cả các loại thịt. Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ Mỹ, giá thịt, cá và trứng tăng 5,9% so với năm ngoái và tăng 15,7% so với tháng 8/2019.

Trong báo cáo tháng 10 được phát hành mới đây của FAO cũng cho thấy, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu (FPI) đã tăng 130 điểm trong tháng 9, mức cao nhất trong 10 năm qua. Chỉ số này tiếp tục tăng 1,2% so với tháng trước và tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2020, trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa khác cũng leo thang.

Đơn cử như lúa mì đã tăng gần 4% và đang ở mức cao hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung xuất khẩu bị hạn chế, vì tình trạng hạn hán và thời tiết xấu tại các quốc gia xuất khẩu hàng đầu như Mỹ hay Nga. FAO cho biết, sản lượng ngũ cốc toàn cầu đạt mức kỷ lục 2,8 tỷ tấn trong năm 2021 nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Hay như giá dầu thực vật đã tăng 60%, giá đường tăng 54%, giá thịt tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2020. 

Cuộc khủng hoảng kế tiếp?

Ngoài ảnh hưởng về biến đổi khí hậu tác động lên nguồn cung lương thực, thực phẩm, đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, cộng thêm những bất ổn về chính trị, xung đột quân sự tại một số quốc gia đã khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh nghèo đói, khi họ mất sinh kế, khả năng tiếp cận thực phẩm và dịch vụ cơ bản bị hạn chế. Ngược lại, FAO cũng ước tính 1/3 các loại thực thẩm được sản xuất ra, tương đương 1,3 tỷ tấn cuối cùng lại bị thất thoát hoặc bị vứt bỏ.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng trên toàn cầu càng gây thêm sức ép tăng giá thực phẩm, khi nhà sản xuất phân bón nông nghiệp và các công ty vận tải chứng kiến chi phí leo thang. FAO cũng cảnh báo đà tăng giá của năng lượng có thể khiến một phần sản lượng nông sản như mía, bắp được chuyển sang sản xuất nhiên liệu sinh học, càng khiến nguồn cung lương thực bị thắt chặt. 

Với 1/4 dân số toàn cầu đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 gần đây đã khiến cho mục tiêu không còn người bị đói - một trong những mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hiệp Quốc càng trở nên khó thành hiện thức.

Chẳng những vậy, việc thiếu thực phẩm có thể là nguyên nhân dẫn đến xung đột tăng lên trong những thập kỷ tới. Các nghiên cứu cho thấy, khi sự cạnh tranh về nguồn tài nguyên trở nên gay gắt, xung đột có nhiều khả năng xảy ra ở các dòng tộc và tôn giáo. Những người đói khát có nhiều khả năng tham gia vào xung đột vũ trang hơn, có thể là do tuyệt vọng hay là một cách để kiếm sống.

Trước thực trạng ấy, Liên Hiệp Quốc kêu gọi thế giới cùng chung tay đóng góp và thực hiện hoạt động nhân đạo khẩn cấp để cứu trợ những điểm nóng về an ninh lương thực. Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên Hiệp Quốc gần đây cũng đã thảo luận về mục tiêu phát triển bền vững số 2: “Chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng cũng như thúc đẩy nông nghiệp bền vững”. 

Còn tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra hồi tháng trước, lãnh đạo nhóm này khẳng định cam kết phát triển hệ thống lương thực bền vững, có khả năng phục hồi nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho mọi người dân, đồng thời góp phần quản lý tài nguyên, bảo tồn hệ sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiềm ẩn nỗi lo về khủng hoảng thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO