Thế giới 2021: Xu hướng toàn cầu hóa sẽ quay trở lại?

Lê Phan| 13/02/2021 05:00

Nếu như nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách bảo hộ, tự co cụm và vô tình làm suy yếu vị thế dẫn dắt thế giới, thì dưới thời ông Joe Biden, quốc gia này có thể sẽ tìm cách xây dựng lại hình ảnh và thúc đẩy xu hướng toàn cầu hóa sớm quay trở lại.

trump-biden-1-860x484-4488-1612322421.jp

"Nước Mỹ trên hết" của ông Trump 

Chỉ trong 4 năm dưới nhiệm kỳ của tổng thống thứ 45 Donald Trump, nước Mỹ đã rút ra khỏi hàng loạt tổ chức, hiệp ước quốc tế, từ các thỏa thuận kinh tế, văn hóa cho đến an ninh, quân sự. Lý do, theo ông Trump là các tổ chức hoặc hiệp định, hiệp ước đó "không công bằng, bất lợi cho Mỹ", trong khi khẩu hiệu từ khi tranh cử cho đến chính sách điều hành của ông đều nhằm đến mục tiêu "Nước Mỹ trên hết" và đưa việc làm quay lại nước Mỹ.

Có thể kể đến như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ông Trump tuyên bố từ bỏ vào ngày 23/1/2017, chỉ 3 ngày sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, với nhận định đó là "thảm họa tiềm tàng" có khả năng khiến nhiều người Mỹ mất việc. Năm tháng sau, đến ngày 1/6/2017, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015 do hiệp định này làm suy yếu kinh tế Mỹ và khiến nhiều người mất việc làm. Đến ngày 28/8/2017, ông Trump cho biết sẽ khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gồm Mexico, Mỹ và Canada.

Không dừng ở các vấn đề kinh tế hay thương mại, các tổ chức văn hóa, an ninh hay quân sự cũng chứng kiến sự thoái lui khỏi vai trò dẫn dắt của nước Mỹ. Ngày 12/10/2017, Mỹ tuyên bố rời khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Đến ngày 8/5/2018, Tổng thống Trump đơn phương rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran bất chấp sự phản đối của các đồng minh phương Tây như Anh, Pháp và Đức. Ngày 19/6/2018, Mỹ cũng rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và chỉ trích đó là "cơ quan đạo đức giả và vụ lợi".

Ngày 17/10/2018, Nhà Trắng bất ngờ ra tuyên bố bắt đầu trình tự rút khỏi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) và cho biết quy định của UPU đã khiến Mỹ lâm vào tình trạng bị cạnh tranh không công bằng. Việc từ bỏ thỏa thuận quốc tế này được cho là "đòn đánh" của Tổng thống Trump nhắm thẳng vào Trung Quốc nhằm gia tăng sức ép thương mại với nước này. Ba ngày sau đó, Tổng thống Trump thông báo tiếp tục rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Liên minh các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết trước đây về việc loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

Mọi việc chưa dừng lại ở đó, vào ngày 21/5/2020, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và ngày 29/5/2020, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ "cắt đứt quan hệ" và chấm dứt việc cung cấp ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bất chấp sự phản đối của giới chức y tế. 

Tổng thống Donald Trump cũng để ngỏ khả năng chấm dứt một thỏa thuận khác là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) ký với Nga năm 2010 và cần được gia hạn vào đầu năm 2021 cùng với những lời dọa sẽ rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong tất cả trường hợp, Tổng thống Trump đều cáo buộc bên còn lại vi phạm các quy định của thỏa thuận dù không đưa ra được những cơ sở hay chứng cứ rõ ràng. Một điểm đáng lưu ý là không ít trong số những thỏa thuận này đã được theo đuổi, thiết lập hoặc ký kết dưới thời Tổng thống Barack Obama, như TPP, Thỏa thuận Paris, Hội đồng Nhân quyền... Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng dường như ông Trump đang muốn xóa sạch những thành quả của người tiền nhiệm Obama, mà ý định xóa sổ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe ObamaCare là minh chứng rõ nhất.

Nichols-BIden100-ftr-getty-img-8223-1612

Đặc biệt, không chỉ căng thẳng với các đối thủ, Tổng thống Trump cũng phai nhạt dần mối quan hệ với các đồng minh, khiến niềm tin dành cho vai trò dẫn dắt thế giới của nước Mỹ dần suy yếu. Có thể kể đến như việc cắt giảm ngân sách đóng góp cho Tổ chức Quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và buộc các đồng minh phải chia sẻ gánh nặng chung về ngân sách cho NATO, giảm hiện diện quân sự ở Afghanistan và Iraq, giảm số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức, yêu cầu Nhật Bản mua thêm vũ khí để đóng góp cho năng lực phòng vệ chung, cân nhắc phương án cắt giảm lực lượng quân đội đồn trú tại Hàn Quốc.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã luôn cho rằng các đồng minh như Đức, Mỹ, Nhật Bản đang không chi trả đầy đủ chi phí cho quân đội Mỹ đồn trú. Theo ông Trump, lực lượng quân đội Mỹ tại nước ngoài không giúp tăng cường an ninh cho nước Mỹ mà chỉ đang bảo vệ cho các nước sở tại.

Về góc độ cá nhân, Tổng thống Trump cũng thường xuyên cạnh khóe lãnh đạo của các nước đồng minh lâu năm, trong khi có xu hướng tránh chỉ trích và tích cực xây dựng quan hệ với lãnh đạo các nước đối đầu như Nga, Trung Quốc hay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Từ Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cựu Thủ tướng Anh Theresa May cho đến Thủ tướng Canada Justin Trudeau đều vướng phải không ít vấn đề với ông Trump.

Có thể thấy nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump đã làm thay đổi cách nhìn của thế giới về Mỹ - từ một đầu tàu đáng tin cậy trở thành một đất nước hướng nội và khó đoán. Chính sách co cụm và bảo hộ của Mỹ từ thương mại, kinh tế, an ninh quốc phòng cho đến thắt chặt chính sách nhập cư, không chỉ khiến nước Mỹ ngày càng chia rẽ mà còn khiến trật tự thế giới đứng trước thách thức thay đổi khó lường, trong khi xu hướng toàn cầu hóa vốn đã chững lại, càng trở nên trì trệ.

Mỹ sẽ lại thúc đẩy toàn cầu hóa?

Việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ từ đầu năm 2021 được dự báo sẽ đảo lộn những chính sách dưới thời ông Donald Trump. Từng là phó tổng thống và cũng là cánh tay đắc lực dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, khả năng ông Biden sẽ tiếp tục theo đuổi những chính sách được xây dựng dưới thời ông Obama, cũng như nối lại các hiệp định mà ông Obama đã từng ký kết là rất cao. Với ý thức hệ cấp tiến và tự do dân chủ, có lập trường bảo vệ môi trường và ủng hộ quyền bình đẳng của Đảng Dân chủ, rõ ràng ông Biden sẽ tiếp tục theo đuổi những chính sách vì các mục tiêu trên.

Nếu như ông Trump từng cười nhạo về nguy cơ biến đổi khí hậu, thì ông Biden khi tranh cử tổng thống đã cam kết khi nhậm chức sẽ tham gia trở lại ngay Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời hạn chế khai thác nhiên liệu hóa thạch như dầu đá phiến để góp phần giảm khí thải nhà kính. Nước Mỹ cũng đã cho thấy sự quan tâm trở lại đối với Hiệp định CPTPP, nhất là khi cả Anh hậu Brexit và Trung Quốc gần đây đều tỏ rõ mối quan tâm với hiệp định thương mại này. Do đó, chính quyền dưới thời ông Biden nếu gia nhập CPTPP cũng không có gì bất ngờ, nhằm đối trọng với Hiệp định RCEP mà Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy ký kết.

Xu hướng toàn cầu hóa trong tương lai là khó tránh khỏi, nhất là những sự cố có tính toàn cầu như đại dịch Covid-19 vừa qua càng chứng tỏ không thể nước nào lo cho nước đó được, mà cần phải có những hợp tác, liên minh, liên kết lâu dài trên góc độ toàn cầu.

Nước Mỹ cũng có lý do để lo ngại khi vai trò và vị thế dẫn dắt thế giới đã phần nào suy yếu. Trong khi một liên minh thương mại của ông Biden để đối phó với Trung Quốc vẫn còn nằm trong kế hoạch thì những ngày cuối năm 2020, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã đạt được hiệp định đầu tư sau nhiều năm đàm phán, mà theo giới quan sát, Bắc Kinh đã tận dụng sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với đồng minh để thúc đẩy hợp tác với châu Âu. Cùng thời điểm, giới chức Anh và EU cũng đã ký Hiệp định Thương mại và Hợp tác - một thỏa thuận hậu Brexit.

Những diễn biến trên là dấu hiệu cho thấy xu hướng toàn cầu hóa có thể sớm được phục sinh thay vì chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục giành ưu thế. Những sự kiện này cũng sẽ gây áp lực lên chính quyền của Tổng thống Biden, buộc nước Mỹ phải có nhiều hành động hơn và quyết liệt hơn để thiết lập lại vai trò của mình, trong đó việc thúc đẩy xu hướng toàn cầu hóa trở lại có lẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Trước đây, các nước phương Tây thường đề cao tầm quan trọng của toàn cầu hóa, mở đường cho các tập đoàn đa quốc gia đầu tư ồ ạt ra bên ngoài, hướng về những nền kinh tế có chi phí nhân công rẻ và thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhưng hệ quả là khiến lực lượng lao động trong nước phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là nguyên do còn đến từ việc công nghệ phát triển đã khiến robot thay thế dần sức lao động của con người, do đó đổ lỗi hoàn toàn cho xu hướng toàn cầu hóa hay thương mại tự do có lẽ hơi phiến diện.

The-gioi-2021-6-5556-1612322421.jpg

Các tập đoàn đa quốc gia đưa cơ sở sản xuất quay trở lại các nước phát triển như Mỹ gần đây là nhằm tận dụng những tiến bộ của công nghệ 4.0 với robot thay thế trong các nhà máy, khi công nghệ này chưa phổ biến ở các nước đang phát triển. Công nghệ tự động hóa sản xuất cũng giúp giảm chi phí nhân công. Do đó việc các tập đoàn quay trở lại Mỹ không chỉ đơn thuần vì lý do được giảm thuế, cũng như chưa chắc sẽ mang lại được số lượng việc làm như mong muốn cho người lao động bản địa.

Với tiềm năng đi đầu trong lĩnh vực công nghệ như điện thoại di động, mạng 5G, hệ thống điện toán đám mây, cộng thêm những nền tảng thanh toán số, thương mại điện tử là thế mạnh, Trung Quốc có thể chiếm lĩnh nền kinh tế số nhanh hơn trong môi trường toàn cầu hóa và thương mại tự do. Đó cũng là mối đe dọa đối với Mỹ, nên thời gian qua Tổng thống Trump mới tìm cách trừng phạt các công ty công nghệ của nước này. Dù vậy, xu hướng toàn cầu hóa trong tương lai là khó tránh khỏi, nhất là những sự cố có tính toàn cầu như đại dịch Covid-19 vừa qua càng chứng tỏ không thể nước nào lo cho nước đó được, mà cần phải hợp tác, liên minh, liên kết lâu dài. Về phía Mỹ, dù ông Biden vẫn cam kết mang việc làm trở lại nước Mỹ để đẩy mạnh kinh tế, nhưng một chuỗi cung ứng toàn cầu mới vẫn sẽ tiếp tục được xây dựng, đồng thời Mỹ sẽ tìm lại vai trò dẫn dắt trên trường quốc tế ở mọi lĩnh vực, với điều kiện phải lấy lại được niềm tin của các đồng minh cũng như xây dựng mối quan hệ tốt hơn, chấm dứt thế đối đầu với các nước lớn. 

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Với nền kinh tế có độ mở cao vào loại hàng đầu thế giới, giá trị tổng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP lên đến 200%, Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn khi xu thế toàn cầu hóa quay trở lại, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia ven Thái Bình Dương này đã ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mới trong hơn 2 năm trở lại đây. 

Hàng loạt tập đoàn đa quốc gia trong khoảng thời gian này cũng đã dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, thiết lập lại chuỗi cung ứng, do đó có thể sẽ cam kết gắn bó lâu hơn tại Việt Nam nếu chủ nghĩa bảo hộ suy yếu và được thay thế bởi chính sách thúc đẩy toàn cầu hóa trở lại của nước Mỹ dưới thời ông Biden.

Chi-tieu-kinh-te-xa-hoi-nam-20-3781-5881

Theo đó, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp tục đón nhận các dòng vốn đầu tư mới với chất lượng cao hơn. Điều quan trọng là cần phải tiếp tục cải cách thể thế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng cần xây dựng những nhà máy công xưởng sản xuất tương tự với các nhà máy ở các quốc gia với chất lượng, chi phí và độ rủi ro ít hơn, bên cạnh việc tháo gỡ các điểm nghẽn cố hữu ở cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics và nguồn nhân lực chất lượng cao, khi mà các nhà máy công xưởng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi người lao động có kỹ năng, tri thức, tư duy và trình độ công nghệ toàn cầu.

Ngoài ra, chiến lược chuyển đổi số để đi tắt đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn và đón nhận vận hội mới, khi mà sự phát triển mang tính đột phá của công nghệ đã biến chuyển nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, robot, công nghệ in 3 chiều, công nghệ nano, công nghệ sinh học, lưu trữ năng lượng... đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm và sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, với xu thế toàn cầu hóa sẽ giúp những nước đi sau như Việt Nam gia tăng cơ hội hợp tác, giao lưu, nhằm tìm kiếm, kế thừa, tiếp thu, sử dụng những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để phục vụ cho cuộc cách mạnh chuyển đổi số và tạo nguồn lực phát triển kinh tế trong dài hạn. 

Toàn cầu hóa làm cũng làm cho thị trường toàn cầu ngày càng rộng lớn về quy mô, hoàn thiện về cơ chế hoạt động, giúp những quốc gia như Việt Nam có điều kiện để học hỏi, tiếp thu, trao đổi, nâng cao trình độ, kinh nghiệm quản lý, nguồn vốn của thế giới, đặc biệt là những tri thức để phát triển nền kinh tế số, tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu. Từ đó tiếp tục mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, tham gia quá trình hợp tác và phân công lao động quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế giới 2021: Xu hướng toàn cầu hóa sẽ quay trở lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO