Sắp có đồng nhân dân tệ điện tử, không cần Internet vẫn giao dịch được

Bảo Quân| 28/05/2020 01:30

Nếu Chính phủ hài lòng với kết quả của các đợt thử nghiệm năm nay, đồng nhân dân tệ điện tử sẽ ra mắt vào năm tới, một quan chức Quốc Vụ viện Trung Quốc cho biết.

Sắp có đồng nhân dân tệ điện tử, không cần Internet vẫn giao dịch được

Tờ Nikkei Asian Review cho biết, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang lên kế hoạch ra mắt đồng nhân dân tệ (CNY) điện tử vào Olympic mùa Đông 2022 được tổ chức tại Bắc Kinh. Tuyên bố này xuất hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi từ sử dụng tiền giấy sang tiền điện tử của nền kinh tế số 2 thế giới.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Tiền tệ Hồng Kông Eddie Yue, việc sử dụng và phổ biến các công nghệ thanh toán mới đã và đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, kể từ khi nỗi lo ngày một lớn về virus corona khiến mọi người muốn sử dụng tiền điện tử hơn là tiền giấy.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành thí điểm sử dụng CNY điện tử có giới hạn hồi đầu tháng 5 tại thành phố Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu, và khu vực Tân Bảo Định thuộc tỉnh Hồ Bắc. Cụ thể, nhân viên nhà nước tại các địa điểm vừa nêu đã được nhận lương bằng tiền điện tử.

Được biết, PBoC đã công bố hồ sơ bằng sáng chế tiền điện tử từ 2 năm trước; trong đó nêu rõ về một đồng tiền điện tử yêu cầu các ngân hàng thương mại nhập thông tin chi tiết về người vay, lãi suất trước khi chuyển tiền, giúp ngân hàng trung ương chủ động quản lý hoạt động cho vay và trực tiếp cấp tiền cho những trường hợp phù hợp khi cần thiết.

Link bài viết

Hiện, quy trình hoạt động của CNY điện tử diễn ra như sau: Người dùng và doanh nghiệp có tài khoản ngân hàng tại các ngân hàng lớn như Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) sẽ mở ví điện tử dành cho CNY điện tử trên ứng dụng của ngân hàng, và nạp tiền vào ví điện tử từ tài khoản ngân hàng.

Sau khi hoàn tất nạp tiền là đã có thể thực hiện giao dịch với bất cứ ai cũng có ví điện tử, giống như việc sử dụng tiền mặt thông thường. Theo đó, CNY điện tử sở hữu giá trị tương đương tiền giấy thông thường, và được PBoC công nhận; khác biệt chỉ nằm ở chỗ nó tồn tại dưới dạng mã trong ví điện tử.

Ông Mu Changchun - một quan chức PBoC đảm nhiệm giám sát nghiên cứu về tiền điện tử, cho biết hạn mức giao dịch với CNY điện tử sẽ phụ thuộc vào việc xác minh danh tính người sử dụng. Chẳng hạn, chỉ đăng ký bằng số điện thoại sẽ chỉ có thể giao dịch số tiền nhỏ, nhưng khi cung cấp danh tính hay ảnh chụp thẻ ghi nợ thì hạn mức giao dịch sẽ được nâng lên. Nếu có đại diện ngân hàng giới thiệu, người dùng thậm chí còn không bị giới hạn trần giao dịch.

Liên kết với số điện thoại của người sử dụng, các giao dịch thanh toán, nhận, chuyển tiền bằng CNY điện tử diễn ra trên ứng dụng ví điện tử không khác mấy so với các nền tảng thanh toán trực tuyến hiện có tại Trung QuốcẢnh chụp màn hình ứng dụng xuất hiện trên mạng từ tháng 4/2020 cho thấy ví CNY điện tử khá giống với Alipay của Alibaba.

Giao diện

Giao diện ứng dụng xuất hiện trên mạng từ tháng 4/2020 cho thấy ví CNY điện tử khá giống với Alipay của Alibaba. Ảnh: Abacus

Tuy nhiên, ứng dụng dành cho CNY điện tử lại có chức năng mà Alipay không có, là cho phép người sử dụng chuyển tiền giữa các tài khoản bằng cách chạm điện thoại vào nhau. Hơn nữa, giao dịch với CNY điện tử có thể được thực hiện mà không cần tới Internet hay mạng di động. Đồng thời, vì là đồng tiền pháp định, nên CNY điện tử có thể giao dịch mà không cần tới ngân hàng trung gian - yếu tố được kỳ vọng sẽ giúp hệ thống kinh tế của Trung Quốc linh hoạt hơn.

Như vậy, có thể thấy nguyên lý phát hành và quản lý của CNY điện tử không giống với các đồng tiền ảo phi tập trung, sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) như Bitcoin. Hiện, các đồng tiền ảo như Bitcoin hay Ethereum đều hỗ trợ chuyển khoản ẩn danh mà không cần người trung gian hoặc ngân hàng trung ương.

Link bài viết

Tuy nhiên, do số lượng phát hành thường có hạn, lại không có tài sản để neo vào, nên giá trị của các đồng tiền ảo thường biến động rất mạnh; do đó không thực sự phù hợp để làm phương tiện thanh toán. Ngược lại, việc giao dịch bằng CNY điện tử sẽ không ẩn danh hoàn toàn và giá trị của CNY điện tử sẽ ổn định như tiền giấy đang lưu thông.

Trước mắt, đồng CNY điện tử được dùng để thanh toán cho các phương tiện giao thông công cộng, mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn, sau đó sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khác. 

Thống đốc PBoC Yi Gang mới đây cho biết, Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ thí điểm CNY điện tử tại các địa điểm thi đấu Olympics song chưa có khung thời gian chính thức. 

Theo Nikkei Asian Review, một quan chức giấu tên của Quốc Vụ viện Trung Quốc cho biết, nếu Chính phủ hài lòng với kết quả thí điểm sử dụng giới hạn trong năm nay, CNY điện tử "sẽ được phát hành vào năm tới". Còn nếu không, "sẽ có nhiều chương trình thử nghiệm nữa được thực hiện vào năm sau".

Dự kiến, khi CNY điện tử chính thức được lưu hành rộng rãi sẽ cạnh tranh trực tiếp với Alipay và WeChat Pay. Song, CNY điện tử rõ ràng có lợi thế hơn hẳn các đối thủ tư nhân; vì là đồng tiền pháp định nên chắc chắn hầu như toàn bộ cửa hàng tại Trung Quốc sẽ phải chấp nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sắp có đồng nhân dân tệ điện tử, không cần Internet vẫn giao dịch được
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO