Pháp: Đã 'thắng trận đầu' trước Covid-19, nhưng cần rút ra nhiều bài học

Khởi Vũ| 15/06/2020 04:45

Dù cuộc chiến chống Covid-19 chưa kết thúc, song Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông rất vui vì nước Pháp đã giành được "chiến thắng đầu tiên" trước đại dịch này.

Pháp: Đã 'thắng trận đầu' trước Covid-19, nhưng cần rút ra nhiều bài học

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: "Thử thách lần này đã cho thấy những thiếu sót và yếu kém của chúng ta. Đó là sự lệ thuộc vào các châu lục khác để có được một số mặt hàng, sự cồng kềnh của tổ chức, và sự bất bình đẳng trong xã hội lẫn lãnh thổ".

Phát biểu trước người dân cả nước trên sóng truyền hình hôm Chủ nhật, ông Macron cho biết, toàn bộ lãnh thổ Pháp tại châu Âu, bao gồm cả những khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất, sẽ chuyển thành 'vùng xanh' từ ngày 15/6/2020. Đồng nghĩa, các quán cà phê, nhà hàng tại Paris sẽ được phép hoạt động trở lại, trễ hơn gần 2 tuần so với các khu vực khác của đất nước.

"Cuộc chiến chống dịch chưa đến hồi kết, nhưng tôi rất vui vì chiến thắng đầu tiên trước virus này", Tổng thống Pháp bày tỏ.

Dù vậy, các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp hiện vẫn được duy trì cảnh báo ở mức 'màu da cam', trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh cao tiếp tục gây áp lực lên hệ thống y tế vốn đã quá tải.

Ông Macron cũng cho biết, trường học cả nước, trừ trung học phổ thông, sẽ hoạt động lại từ thứ Hai tuần tới, và người dân sẽ được phép đến thăm thân nhân tại các viện dưỡng lão - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 tại Pháp, từ ngày 15/6.

Link bài viết

Biên giới giữa Pháp và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ được mở cửa lại từ thứ Hai, trong khi biên giới với các nước không thuộc EU mà "đã kiểm soát được dịch bệnh" sẽ được mở lại vào 1/7 tới.

Song, du khách đến từ Tây Ban Nha hoặc Vương quốc Anh sẽ phải tự cách ly 14 ngày. Ngoài ra, để tránh dịch bệnh tái bùng phát, các sự kiện tập trung đông người vẫn cần được "kiểm soát chặt chẽ", Tổng thống Pháp bổ sung. 

Đồng thời, ông Macron cũng nêu rõ: "Thử thách lần này đã cho thấy những thiếu sót và yếu kém của chúng ta. Đó là sự lệ thuộc vào các châu lục khác để có được một số mặt hàng, sự cồng kềnh của tổ chức, và sự bất bình đẳng trong xã hội lẫn lãnh thổ. Tôi muốn chúng ta rút ra tất cả bài học từ những gì đã trải qua". 

Được biết, đây không phải lần đầu một quan chức cấp cao của Pháp tuyên bố sẽ giảm sự phụ thuộc vào các nơi khác, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phơi bày những yếu kém của một chuỗi cung ứng quá tập trung vào một quốc gia hay khu vực.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire vào đầu tháng 3/2020 đã cho biết: "Chúng ta phải giảm sự phụ thuộc vào một số cường quốc lớn, mà cụ thể là Trung Quốc, trong việc cung cấp một số sản phẩm và tăng cường sức mạnh quốc gia trong chuỗi giá trị chiến lược như xe hơi, hàng không vũ trụ và thuốc".

Ngày 9/6 qua, lãnh đạo 6 quốc gia thành viên EU đã kêu gọi khối này đóng vai trò lớn hơn trong việc chuẩn bị cũng như đối phó với bất kỳ đại dịch nào khác trong tương lai. Trong thư gửi tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức cùng lãnh đạo Tây Ban Nha, Ba Lan, Bỉ và Đan Mạch đều nhất trí cần có một "cách tiếp cận chung của châu Âu" đối với những thách thức trong tương lai.

Chuỗi cung ứng phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đã khiến EU gặp nhiều khó khăn khi Covid-19 bùng phát.

Chuỗi cung ứng phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đã khiến EU gặp nhiều khó khăn khi Covid-19 bùng phát.

Trước đó một tháng, bà Ursula von der Leyen cũng đã cho biết, EU sẽ thành lập một cơ chế đầu tư chiến lược mới để giữ sự tự chủ chiến lược, tránh phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, sau bài học từ Covid-19. Theo vị nữ Chủ tịch, Uỷ ban châu Âu sẽ lập ra một cơ chế hoàn toàn mới để 'dọn đường' cho dòng vốn đầu tư rót vào các lĩnh vực chiến lược, giúp EU đảm bảo sự tự chủ chiến lược trong tương lai, tránh phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Cơ chế mới này sẽ thúc đẩy đầu tư vào chuỗi giá trị then chốt mang tính sống còn cho sức bật tương lai, và sự tự chủ chiến lược của EU. Chúng ta đã chứng kiến châu Âu phụ thuộc đến mức nào vào chuỗi cung ứng toàn cầu qua cuộc khủng hoảng này; đơn cử như lĩnh vực dược phẩm. Do đó, châu Âu sau này sẽ phải có khả năng tự sản xuất các loại dược phẩm thiết yếu nhất cho mình" - bà Ursula von der Leyen nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Pháp: Đã 'thắng trận đầu' trước Covid-19, nhưng cần rút ra nhiều bài học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO