Nữ CEO lãnh đạo ra sao trong khủng hoảng Covid-19?

Ngọc Thoại| 03/06/2021 09:00

Các nữ CEO thể hiện phong cách lãnh đạo nghiêng về sự đồng cảm, trách nhiệm và đa dạng, theo một cuộc khảo sát gần 5.000 công ty ở nhiều quốc gia trong giai đoạn Covid-19.

Nữ CEO lãnh đạo ra sao trong khủng hoảng Covid-19?

Kết quả này dựa trên phân tích tâm lý các nhà lãnh đạo của gần 5.000 công ty trong bộ Chỉ số thị trường mở rộng toàn cầu của S&P (S&P Global Broad Market Index - S&P Global BMI) được thực hiện từ ngày 1/1/2019 đến 31/12/2020.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng các nữ CEO thể hiện phong cách giao tiếp tích cực hơn vào tâm điểm đại dịch. Các nữ CEO biết dùng từ ngữ thể hiện sự tin tưởng và mong đợi đối với nhân viên. Cuộc khảo sát cũng cho thấy nữ CEO vẫn chiếm tỷ lệ thấp hơn đáng kể so với nam giới tại các công ty. Các quốc gia có tỷ lệ nữ CEO cao hơn có xu hướng tham gia lực lượng lao động cân bằng giới hơn.

Nữ CEO dùng ngôn ngữ giàu tình cảm, tích cực

Theo William Watson, nhà khoa học dữ liệu trực thuộc tổ chức Xếp hạng toàn cầu của S&P, để nắm bắt phong cách giao tiếp của CEO trong cuộc khủng hoảng Covid-19, họ đã thu thập và phân tích cuộc gọi thu thập từ 4.958 công ty.

Tỷ lệ phụ nữ so với nam giới ở các vị trí lãnh đạo cấp cao thường thấp hơn. Tổng số nữ CEO trong số được khảo sát là 256 (5,16%) trong khi tổng số nam CEO là 4.702 (94,84%). “Theo các bài kiểm tra thống kê, chúng tôi thấy rằng, trung bình, các nữ CEO có điểm số cao hơn cho cảm xúc tích cực và các hạng mục bày tỏ sự tin tưởng và mong đợi” ông Watson cho biết.

nu-ceo-toan-cau-1-1622198484-2139-162219

Các nữ CEO có điểm số cao hơn cho cảm xúc tích cực và các hạng mục tin tưởng và mong đợi. Cột bên trên là các từ thiên về tính tích cực, cột bên phải là các từ thiên về tính tiêu cực (Nữ CEO có đường biểu diễn màu hồng, nam CEO màu xanh)

Các nam CEO có điểm cao hơn về ngôn ngữ trong các hạng mục như sự ngạc nhiên, tức giận và buồn bã. Một số từ phổ biến nhất được sử dụng để mô tả sự tiêu cực, buồn bã và sợ hãi là “đại dịch”, “khủng hoảng” và “bệnh tật”, những ám chỉ rõ ràng về đại dịch Covid-19. 

Các CEO nữ và nam giới đã sử dụng các thuật ngữ thể hiện sự tức giận, bao gồm “mất mát” và “thách thức”, với tần suất giống nhau. Mặt khác, trong danh mục tích cực cho cả hai giới, xuất hiện các thuật ngữ “tăng trưởng” và “cơ hội”. 

nu-CEO-toan-cau-2-7940-1622198498.jpg

Đối với hai từ "Joy" (niềm vui) và "Trust" (sự tin tưởng), nữ CEO dùng nhiều hơn nam CEO.

Nữ CEO coi trọng sự đồng cảm, khả năng thích ứng, tính trách nhiệm và sự đa dạng

Các thành phần của phong cách lãnh đạo mà nhóm nghiên cứu xem xét tiếp theo là sự phát triển, khả năng thích ứng, giao tiếp, tính linh hoạt, trách nhiệm, sự đồng cảm, hiệu suất, sự đa dạng, giao dịch, chuyển đổi và văn hóa - tất cả đều dựa trên lý thuyết và phong cách lãnh đạo (biểu đồ 3).

nu-CEO-toan-cau-5-2713-1622198498.jpg

Trong khi nam CEO bàn nhiều về tiền bạc và lợi nhuận, nữ CEO bàn nhiều về khách hàng, nhân viên (Nữ CEO có cột màu hồng, còn nam CEO  cột màu xanh)

Nghiên cứu chỉ ra rằng các nữ CEO thiên về sự đồng cảm, khả năng thích ứng, trách nhiệm và sự đa dạng. Các CEO nam tập trung hơn vào các từ liên quan đến giao dịch. Nhưng cả hai giới đều quan tâm đến hiệu suất và tăng trưởng.

Trong bối cảnh linh hoạt, nữ CEO nói về sự nhanh nhẹn, thoải mái và linh hoạt về tài chính (xem bảng 4), trong khi các nam CEO đề cập đến khả năng dự đoán, dự phòng, ổn định và khả năng mở rộng. Trong việc chuyển đổi phong cách lãnh đạo, các nữ CEO nói nhiều hơn về tái tạo, đơn giản hóa, hiện đại hóa và sự xuất sắc trong hoạt động, trong khi các nam CEO nói nhiều hơn về tái tổ chức, hội nhập và chuyển đổi văn hóa.

Về các chỉ số đo lường, nam CEO thường xuyên sử dụng các thuật ngữ liên quan đến chỉ số như “EBITDA” và “lợi nhuận”, trong khi các nữ CEO nghiêng về các thuật ngữ liên quan đến khách hàng.

nu-CEO-toan-cau-4-6914-1622198499.jpg

 Nam CEO bàn về lương, tình trạng thất nghiệp, trong khi nữ CEO bàn về chuyện đời sống gia đình nhân viên (Nữ CEO có cột màu hồng, còn nam CEO  cột màu xanh)

Cuối cùng, liên quan đến gia đình và lao động, các từ như “state_of_emergency” (tình trạng khẩn cấp) và “thất nghiệp” liên quan nhiều đến nam CEO, trái ngược với các khái niệm như “quan hệ cha con” và “thai sản” đối với nữ CEO.

Đường đến mục tiêu bình đẳng giới ở cấp CEO còn rất xa 

Katie Darden, Giám đốc Nghiên cứu định chế Tài chính trực thuộc Bộ phận Thông tin thị trường toàn cầu (S&P Global Market Intelligence) cho biết số lượng các nữ CEO tiếp tục bị nam giới áp đảo trên toàn cầu. Trên thực tế, tính đến tháng 1/2021, chỉ có 5% trong số hơn 8.000 CEO của S&P Global BMI là phụ nữ.

nu-ceo-toan-cau-6-1622197515-4184-162219

Số lượng nữ CEO nhích nhẹ trong thời kì khủng hoảng, từ 4,9% lên 5%


Điều này cho thấy, cần có nhiều tiến bộ hơn trên toàn thế giới để thu hẹp khoảng cách giới ở cấp lãnh đạo, và qua đó cũng nói lên rằng, một số quốc gia đang dẫn trước những quốc gia khác về sự đa dạng ở cấp CEO. Nhìn vào chỉ số BMI toàn cầu của S&P, Na Uy và Singapore đạt điểm số cao nhất với phụ nữ chiếm lần lượt là 14% và 12% là nữ CEO. Ngược lại, Nhật Bản và Brazil có tỷ lệ nữ CEO thấp nhất, lần lượt là 0,8% và 0%.

nu-CEO-toan-cau-7-8009-1622198499.jpg

Na Uy và Singapore đạt điểm số cao nhất với nữ CEO chiếm lần lượt là 14% và 12% là nữ CEO. Ngược lại, Nhật Bản và Brazil có tỷ lệ nữ CEO thấp nhất, chỉ lần lượt là 0,8% và 0%

Thành phần của lực lượng lao động có thể giải thích một phần của những khác biệt này. Các quốc gia có tỷ lệ nữ CEO tương đối cao hơn cũng có xu hướng có lực lượng lao động cân bằng giới hơn, tức là tỷ lệ tham gia thị trường lao động của nam và nữ tương đương nhau. 

Để thu hẹp khoảng cách đó, hoạch định chính sách có thể đóng một vai trò nào đó. Ví dụ, các quốc gia có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em tốt hơn có nhiều khả năng thu hút và giữ được tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động cao hơn. Chỉ khi đó, số lượng lớn phụ nữ mới có thể bắt đầu sự nghiệp, có cơ hội phát huy tài năng và một ngày nào đó, trở thành nhà lãnh đạo.

Xem xét từng lĩnh vực cụ thể hơn về khoảng cách giới tính của CEO, dữ liệu cho thấy một số ngành dường như có nhiều nữ CEO hơn những ngành khác. Ví dụ: trong S&P Global BMI, các công ty bất động sản và chăm sóc sức khỏe có khả năng có CEO là nữ cao hơn khoảng 4 lần so với các công ty trong lĩnh vực năng lượng.

nu-CEO-toan-cau-8-9404-1622198499.jpg

Trong S&P Global BMI, các công ty bất động sản và chăm sóc sức khỏe có khả năng có CEO là nữ cao hơn khoảng 4 lần so với các công ty trong lĩnh vực năng lượng. Các lĩnh vực có nhiều nữ CEO nhất bao gồm: bất động sản, chăm sóc sức khỏe, cung cấp điện-nước-gas, hàng tiêu dùng - mỹ phẩm, dịch vụ thông tin-liên lạc.

Trong phần tổng kết, S&P cho rằng việc hiểu các nhà lãnh đạo nữ là hình mẫu và giá trị mà họ mang lại cho xã hội là một phần của tầm nhìn đang thay đổi về một thế giới cần đa dạng hơn, công bằng và bền vững hơn. 

“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng các quốc gia và công ty vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo tầm nhìn như vậy trong tương lai. Trước hết, họ cần sự tham gia bình đẳng hơn vào lực lượng lao động, mà nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có liên quan đến tỷ lệ CEO là phụ nữ cao hơn. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nhưng xảy ra vào thời điểm phụ nữ được cho là rút lui hoặc rời khỏi lực lượng lao động với số lượng lớn hơn để chăm sóc người khác nhằm đáp ứng các nhu cầu liên quan đến Covid-19 về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em hoặc giáo dục,” S&P cho biết.

“Điều này cho thấy một tổn thất kinh tế to lớn và những cơ hội bị bỏ lỡ khi các công ty và quốc gia bỏ qua tiềm năng của phụ nữ. Các nữ CEO, mặc dù số lượng ít, nhưng có tầm nhìn rộng mở về lãnh đạo, họ chú trọng nhiều hơn đến vai trò lãnh đạo của các bên liên quan trong thời hiện đại khi ngày càng xuất hiện nhiều công ty đại chúng với lợi ích chia sẻ cho rất nhiều cổ đông. Theo nghĩa này, các nữ CEO dường như luôn đi tiên phong trong vai trò dẫn dắt các công ty đại chúng,” S&P kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nữ CEO lãnh đạo ra sao trong khủng hoảng Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO