Kỳ vọng kinh tế phục hồi đẩy giá tài sản tăng vọt

Lê Phan| 15/04/2021 00:59

Cùng với kỷ nguyên tiền rẻ, những kỳ vọng về kinh tế phục hồi đang khiến giới đầu tư khắp toàn cầu mạnh tay rót tiền vào hàng loạt thị trường, từ những kênh đầu tư thực cho đến các vật phẩm ảo, đẩy nhiều loại tài sản đứng trước nguy cơ bong bóng.

Kỳ vọng kinh tế phục hồi đẩy giá tài sản tăng vọt

Tăng trưởng nhanh trở lại

Ngày 6/4/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hành báo cáo mang tên "Triển vọng kinh tế thế giới", trong đó tổ chức này một lần nữa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới lên mức 6% vào năm 2021, từ mức dự báo 5,5% đưa ra vào tháng 1/2021 và cao gần gấp đôi mức dự báo hồi tháng 10/2020. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1976, phần lớn là nhờ các chính sách chưa từng thấy của các nước nhằm ứng phó đại dịch Covid-19. 

Trong đó, GDP các nước phát triển tăng 5,1%, cao hơn con số dự báo trước đó là 4,3%, với nền kinh tế số một thế giới là Mỹ tăng đến 6,4%, tăng thêm 1,3% so với dự báo đưa ra đầu năm nay, trong khi GDP châu Âu tăng 4,4%, chỉ cao hơn 0,2% so với dự báo cũ. Các nước mới nổi và đang phát triển có thể tăng trưởng 6,7% (dự báo cũ là 6,3%), với nền kinh tế số hai thế giới là Trung Quốc tăng 8,4% (dự báo cũ là 8,1%). Bên cạnh đó, IMF cũng dự báo GDP toàn cầu cho năm 2022 sẽ tăng 4,4%, cao hơn so với ước tính trước đó vào tháng 1 là 4,2%.  

Như vậy có thể thấy dự báo cho Mỹ được điều chỉnh tăng mạnh nhất, theo đó GDP của nước này đang trên đà không chỉ quay trở lại mà còn vượt qua mức trước đại dịch Covid-19 trong năm nay, trái ngược với phần lớn thế giới có khả năng mất nhiều thời gian hơn để trở lại mức trước khủng hoảng đại dịch. Điều này được cho là nhờ vào gói giải cứu trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden có hiệu lực vào tháng 3 vừa qua sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ đi nhanh hơn.

Có thể thấy, các chính phủ đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái trên toàn thế giới, với khoảng 16.000 tỷ USD hỗ trợ tài chính và việc bơm tiền mạnh tay của các ngân hàng trung ương nhằm ngăn chặn thảm họa hoàn toàn trong năm 2020 vừa qua, tạo nền tảng cho tăng trưởng lấy đà quay trở lại trong năm nay.

Những dự báo của IMF là có cơ sở, khi hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại đang tăng mạnh trở lại khắp toàn cầu. Như tại châu Á, kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2021 của Hàn Quốc tăng mạnh nhất trong hai năm qua, lên đến 16,6% so cùng kỳ, trong khi các nhà sản xuất lớn của Nhật Bản tỏ rõ sự lạc quan lần đầu tiên kể từ mùa thu năm 2019. Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) của nhiều quốc gia cũng tăng mạnh trong những tháng gần đây, như Hàn Quốc đã có hai tháng liền PMI sản xuất đứng ở mức 55,3 điểm, cao nhất kể từ năm 2010, cho thấy các điều kiện sản xuất đang tiếp tục mở rộng rất nhanh.

Ngoài các gói kích thích, giới phân tích cho rằng các nỗ lực tiêm chủng vaccine Covid-19 ở các quốc gia phát triển đang củng cố khả năng kinh tế toàn cầu hồi phục theo hình chữ V trong năm nay. Các nhà kinh tế của Bloomberg cũng dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6,9% trong năm nay, đủ nhanh để khôi phục lại phần lớn sản lượng bị mất đi trong đại dịch, dẫn đầu là đà hồi phục của Mỹ và Trung Quốc. 

Trong khi đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây cũng nâng dự báo về tăng trưởng thương mại năm 2021 lên 8%, mạnh nhất kể từ năm 2010. Đà hồi phục đánh dấu sự cải thiện đáng kể so với năm 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bóp nghẹt thương mại toàn cầu đẩy sụt giảm đến 5,3%.

Giá tài sản leo thang

Trước triển vọng kinh tế phục hồi mạnh mẽ, giới đầu tư khắp toàn cầu tiếp tục rót tiền vào các thị trường tài sản, nhất là khi các gói kích thích kinh tế tiếp tục đương bung ra và chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn được duy trì. Trong những ngày đầu tháng 4 này, các chỉ số chứng khoán Mỹ như Dow Jones và S&P 500 liên tiếp leo lên những đỉnh cao lịch sử mới. Tại châu Á, các thị trường chứng khoán Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng đang nằm ở mức cao nhất từ trước đến nay, khi dòng tiền không ngừng chảy vào những tài sản rủi ro này.

Với lãi suất đang ở mức siêu thấp, cộng thêm các đợt phong tỏa vừa qua khiến cơ hội chi tiêu giảm mạnh, cùng với các gói hỗ trợ Covid-19 khiến những người vẫn giữ được việc làm có trong tay rất nhiều tiền mặt, và họ buộc phải tìm kiếm một kênh đầu tư để tối ưu hóa nguồn vốn trong tay. 

Không chỉ chứng khoán, thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia cũng đang đối mặt với các cơn nóng sốt thật sự, đến nỗi đã thu hút sự chú ý của các chính trị gia và các ngân hàng trung ương. Đơn cử như giá nhà ở Mỹ đã tăng 11% trong một năm trở lại đây, mạnh nhất trong 15 năm qua. Giá nhà ở Anh và Đức cũng tăng lần lượt 8% và 9%, trong khi tại New Zealand đang tăng với tốc độ 22%/năm. Tại 25 nước mà The Economist khảo sát, giá nhà thực tế đã tăng trung bình 5% trong 12 tháng gần nhất.

Theo giới phân tích, với lãi suất đang ở mức siêu thấp, cộng thêm các đợt phong tỏa vừa qua khiến cơ hội chi tiêu giảm mạnh, cùng với các gói hỗ trợ Covid-19 khiến những người vẫn giữ được việc làm có trong tay rất nhiều tiền mặt, và họ buộc phải tìm kiếm một kênh đầu tư để tối ưu hóa nguồn vốn trong tay. 

Trên thị trường hàng hóa, giá các loại nông sản, thực phẩm và nguyên nhiên liệu cũng tăng vọt từ năm ngoái cho đến những tháng đầu năm nay, trước triển vọng kinh tế phục hồi cùng với các hoạt động sản xuất mở rộng và thương mại đi lên sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ gia tăng trở lại. Chỉ số giá hàng hóa CRB Index đã tăng gần 80% trong vòng một năm qua.

Không chỉ các tài sản thực, những tài sản ảo cũng thu hút dòng tiền rót vào. Đồng tiền số Bitcoin đã tăng gấp 7 lần trong vòng một năm qua, trở thành một trong những tài sản tăng giá mạnh nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Ngoài tiền số, các tài sản ảo được xác thực bằng công nghệ Blockchain (NFT) cũng đang tạo ra các cơn sốt khắp nơi, từ các tác phẩm nghệ thuật số như bản nhạc điện tử hay các bộ sưu tập tranh, cho đến những vật phẩm “vô thưởng vô phạt” như các dòng tweet đầu tiên của những nhân vật nổi tiếng, cũng được rao bán hàng triệu USD.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ vọng kinh tế phục hồi đẩy giá tài sản tăng vọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO