![]() |
Chia sẻ với CNBC, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva hôm thứ Sáu cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn suy thoái, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh mẽ và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Hiện, IMF vẫn đang xem xét các dự báo để có thể đưa ra đánh giá về mức độ nghiêm trọng của suy thoái; song theo bà Georgieva, thiệt hại sẽ là "khá lớn". Vị nữ giám đốc đồng thời bày tỏ sự lạc quan khi thấy lãnh đạo nhiều quốc gia rốt cục cũng nhận ra rằng, chỉ có nỗ lực chung tay cùng chống dịch, thì sự lây lan của SARS-CoV-2 mới có thể được dập tắt.
"Tôi khá chắc chắn với những gì mình đang trông thấy. Tôi có thể cảm nhận được sự đồng thuận rõ nét hơn [giữa lãnh đạo của các quốc gia] rằng, nếu chúng ta không cùng dập dịch ở tất cả mọi nơi, chúng ta sẽ không thể nào thắng được nó", bà Georgieva nói.
"Nền kinh tế thế giới hiện đang trong cơn suy thoái; và độ dài lẫn độ lớn của nó sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: việc ngăn chặn virus và một phương án phối hợp hiệu quả để ứng phó với khủng hoảng", Tổng Giám đốc IMF nhận định. Theo đó, nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi vào năm 2021 một cách tuần tự, với điều kiện SARS-CoV-2 được kiểm soát.
Do đó, IMF trong những tuần qua đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, nhằm giải quyết thiệt hại gây ra bởi Covid-19. Tổ chức này hôm 16/3 tuyên bố "đã sẵn sàng" huy động toàn bộ năng lực cho vay 1.000 tỷ USD để giúp các nước thành viên đang chật vật ứng phó với dịch bệnh khắc phục hậu quả và vượt qua khủng hoảng.
"Chúng tôi không thể lựa chọn các biện pháp... nhỏ giọt vào lúc này, khi đã biết đó là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Từ trước đến nay, chúng tôi chưa bao giờ thấy nền kinh tế thế giới đứng yên, nhưng giờ thì đã thấy", bà Georgieva nói.
Tổng giám đốc IMF cũng kêu gọi các quốc gia cần quyết liệt hơn trong việc đưa ra phương án ứng phó với Covid-19, và đồng thời cho biết rất nhiều nơi đã đề nghị IMF hỗ trợ tài chính khẩn cấp. Bên cạnh đó, tổ chức này cho biết đã nhận được một số khoản hỗ trợ nhằm "kiểm soát thảm hoạ và cứu trợ tín dụng" từ một số quốc gia như Anh, Nhật và Trung Quốc dành cho những nước nghèo nhất.
Theo bà Georgieva, số tiền cần thiết để hỗ trợ các thị trường mới nổi sẽ vào khoảng 2.500 tỷ USD và đó chỉ là "mức tối thiểu". Theo Tổng giám đốc IMF, dù chính phủ tại các thị trường mới nổi có thể tự xoay xở được phần lớn trong khoản ngân sách đó, song "rõ ràng nguồn lực trong nước là không đủ" và nhiều nước cũng đã có mức nợ công rất cao.
Ý KIẾN CỦA BẠN