Hàng loạt hãng bay 'gục ngã', Boeing và Airbus gấp rút tìm giải pháp chống lây lan Covid-19

Bảo Quân| 27/05/2020 04:00

Nối gót LATAM Airlines, Avianca, Virgin Australia và Flybe, Thai Airways là cái tên mới nhất trong số những hãng hàng không nộp đơn xin phá sản từ đầu năm nay.

Hàng loạt hãng bay 'gục ngã', Boeing và Airbus gấp rút tìm giải pháp chống lây lan Covid-19

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), so với năm 2019, ngành hàng không thế giới sẽ hứng chịu mức sụt giảm lên tới 48% về nhu cầu bay và 55% về lợi nhuận trong năm nay.

Cụ thể, Thai Airways (THAI) hôm 26/5/2020 đã chính thức nộp đơn xin phá sản tại Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan,sau nghị quyết của nội các Thái Lan một tuần trước đó rằng THAI phải trải qua quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của tòa án để có thể tiếp tục kinh doanh.

Trước đó, vào ngày 23/5, Bộ Tài chính Thái Lan đã bán hết 3,17% cổ phần của hãng hàng không này cho Quỹ Vayupak 1, khiến THAI mất tư cách doanh nghiệp nhà nước. Được biết, các khoản nợ tồn đọng của THAI lên tới 200 tỷ baht, với 30% là nợ trong nước. Dự kiến, Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan sẽ phê duyệt đơn xin phá sản của hãng hàng không này vào hôm nay, sau khi hoàn tất kiểm tra các tài liệu có liên quan.

Ở một diễn biến khác, LATAM Airlines Group (LATAM) - hãng hàng không lớn nhất khu vực Mỹ Latin, cũng đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Bộ luật phá sản lên tòa án Southern District tại New York cùng ngày 26/5. Theo hồ sơ gửi lên Tòa án, tài sản và nợ phải trả của LATAM vào khoảng 10 - 50 tỷ USD.

"Trong phạm vi được pháp luật cho phép, tập đoàn kêu gọi các cổ đông quan tâm tham gia vào tiến trình này để hỗ trợ về mặt tài chính", đại diện hãng hàng không này cho biết. Theo CEO của LATAM Roberto Alvo, các quy định hạn chế đi lại để phòng chống Covid-19 là nguyên nhân chính khiến cho hãng hàng không này rơi vào 'đường cùng'. 

"Chúng tôi đang hướng đến một tương lai hậu Covid-19 và tập trung vào việc thay đổi tập đoàn để thích ứng tốt hơn với một văn hóa hàng không mới, liên tục biến đổi với tiêu chí an toàn và sức khỏe của hành khách cũng như nhân viên được đặt lên trên hết", ông Alvo nói với CNN.

Năm khó khăn cho hàng không thế giới

Được biết, THAI và LATAM là 2 cái tên mới nhất trong số nhiều hàng không bị buộc phải 'hạ cánh cứng' từ đầu năm nay, do sức ép khủng khiếp của đại dịch Covid-19. 

Link bài viết

Trước THAI và LATAM, hãng hàng không hơn 100 năm tuổi của Columbia là Avianca, Virgin Australia của Australia và Flybe của Anh cũng đã nộp đơn xin phá sản, sau khi thất bại trong việc kêu gọi hỗ trợ từ chính phủ.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), so với năm 2019, ngành hàng không thế giới sẽ hứng chịu mức sụt giảm lên tới 48% về nhu cầu bay và 55% về lợi nhuận vào năm nay, trong bối cảnh hàng loạt quốc gia trên toàn cầu buộc phải áp lệnh phong toả cũng như hạn chế đi lại vì Covid-19.

Joe Brancatelli - chủ nhân của trang web tư vấn du lịch dành cho doanh nhân JoeSentMe.com, nói với Fortune: "Làm sao chúng ta có thể tái cơ cấu lại một ngành công nghiệp vốn chiếm tới 40% lưu lượng di chuyển vào năm ngoái, và được dự báo sẽ giữ tỷ trọng ở mức như thế trong năm nay đây? Chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với một làn sóng phá sản hoặc thậm chí tái cấu trúc hàng loạt. Trạng thái 'bình thường mới' là không thể nào dự đoán được".

Trong khi đó, ông Peter Harbison - một quan chức của Công ty nghiên cứu hàng không CAPA, cho rằng số lượng chuyến bay trên toàn cầu sẽ giảm đáng kể trong vài năm, và việc áp dụng các biện pháp mới để bảo vệ sức khỏe của hành khách cùng phi hành đoàn sẽ đội giá vé máy bay lên cao. Theo ông Harbison, lượng hành khách trên các chuyến bay sẽ giảm khoảng 50% trong thời gian tới.

Sau nhiều năm thua lỗ, Covid-19 đã trở thành cây đinh cuối cùng đóng trên cỗ quan tài của Thai Airways.

Sau nhiều năm thua lỗ, Covid-19 đã trở thành 'cây đinh cuối cùng đóng' trên cỗ quan tài của Thai Airways.

Gấp rút tìm giải pháp

Ứng phó với sự lây lan của SARS-CoV-2, một số hãng hàng không trên thế giới đã và đang đưa ra các giải pháp tạm thời, như để trống ghế giữa, nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn giữa hành khách trong khoang, cũng như ngăn chặn sự phát tán của virus qua giọt bắn.

Link bài viết

Đồng thời, các hãng hàng không trên toàn châu Á cũng đang giới thiệu nhiều sơ đồ chỗ ngồi trên chuyến bay theo kiểu giãn cách xã hội, thực hiện kiểm tra thân nhiệt, giảm hoặc loại bỏ các dịch vụ trong khoang bay để hạn chế tiếp xúc, qua đó góp phần củng cố niềm tin cho các nhà quản lý và hành khách. 

Tuy vậy, theo giới phân tích, những biện pháp được các hãng hàng không áp dụng ở thời điểm hiện tại để làm giảm sự lo lắng của hành khách chỉ ở mức thấp. Theo một khẳng định của IATA vào đầu tháng 5, việc để trống ghế giữa trong khoang hành khách không giúp làm giảm sự lây lan của SARS-CoV-2 trên máy bay

Bên cạnh đó, việc sắp đặt lại chỗ ngồi trên chuyến bay vẫn chưa giải quyết được vấn đề quan trọng về an toàn sức khỏe khi bay là lưu thông không khí. Cụ thể, không khí trên máy bay liên tục lưu thông mỗi 6 giây, nhưng chỉ 50% được làm mới; đồng nghĩa, một nửa lượng hành khách hít vào là không khí cũ. Vì vậy, dù có tiếp xúc trực tiếp với người hắt hơi hay không, những giọt bắn vẫn có nguy cơ tiếp xúc với hành khách khi lơ lửng trong bầu không khí.

Boeing và Airbus vào cuộc

Trước tình trạng trên, hãng sản xuất máy bay Boeing cho biết đang gấp rút xây dựng các mô hình mô phỏng môi trường trong khoang máy bay trên máy tính, để sớm tìm ra giải pháp ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan. Theo phát ngôn viên của Boeing, hãng sản xuất máy bay này đang tìm hiểu kỹ hơn về các nguy cơ tiềm ẩn của virus.

Thiết kế Glassafe

Avio Interiors - một công ty nội thất tại Ý đã giới thiệu 2 mô hình thiết kế lại chỗ ngồi trên khoang bay, để giảm thiểu tối đa sự lây lan của virus qua giọt bắn trong không gian nhỏ hẹp. Ảnh: Thiết kế chỗ ngồi trên khoang hành khách máy bay kiểu Glassafe của Avio Interiors.

Boeing cũng dự kiến chi một khoản tài trợ cho các chuyên gia nghiên cứu vấn đề kiểm soát SARS-CoV-2 trong khoang hành khách, đồng thời tự nghiên cứu công nghệ mới để gia tăng độ an toàn khi bay, đơn cử như dùng tia cực tím để khử trùng bề mặt thường xuyên có tiếp xúc.

Trong khi đó, thông qua trao đổi thông tin với các trường đại học của Mỹ và một số nước khác, các kỹ sư của Airbus đang hướng đến việc sử dụng các chất liệu tự làm sạch - một loại chất khử trùng có tác dụng tới 5 ngày, và lắp đặt các thiết bị cảm ứng, không yêu cầu tiếp xúc bằng tay trong khoang vệ sinh trên máy bay.

Hiện, Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã phối hợp với cả Boeing lẫn Airbus cùng các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) để đánh giá nguy cơ lây nhiễm của SARS-CoV-2 đối với khách bay, cũng như tìm kiếm phương án giảm thiểu các nguy cơ này.

Vấn đề kiểm soát sự lây lan của SARS-CoV-2 trong khoang hành khách ngày càng trở nên cấp thiết, khi số khách đặt vé đã 'rục rịch' tăng sau nhiều tuần không có ai bay. Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng, giải pháp ngừa SARS-CoV-2 trong khoang hành khách hiện vẫn là một thách thức đối với cả các hãng hàng không lẫn sản xuất máy bay. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, trước mắt, việc yêu cầu khách đi máy bay bắt buộc đeo khẩu trang sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh qua hắt hơi, ho và nói chuyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng loạt hãng bay 'gục ngã', Boeing và Airbus gấp rút tìm giải pháp chống lây lan Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO