Friend-shoring: Chiến lược của thời đại dịch và xung đột

Bảo Quân| 23/05/2022 00:30

Xung đột cùng Covid-19 đã phơi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng, khiến nhiều nền kinh tế theo đuổi chiến lược friend-shoring, chỉ giao thương với các quốc gia đáng tin cậy.

Friend-shoring: Chiến lược của thời đại dịch và xung đột

Người ủng hộ friend-shoring xem đây là cơ hội cải tiến chuỗi cung ứng toàn cầu, để giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước nhiều rủi ro.

Theo Wall Street Journal, friend-shoring hay chiến lược sản xuất ở các quốc gia bằng hữu, là sự chuyển dịch từ việc toàn cầu hóa nền kinh tế vài chục năm gần đây.

Ở cấp quốc gia, Mỹ cùng các đồng minh ở châu Âu, châu Á và Thái Bình Dương đang thúc đẩy sản xuất và kinh doanh hàng thiết yếu ở các nước bằng hữu, thân thiện. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp như Samsung Electronics và Gap đã theo đuổi chiến lược này sau một loạt gián đoạn gây ra bởi Covid-19, chiến sự Nga-Ukraine và thương chiến Mỹ-Trung.

Người ủng hộ friend-shoring xem đây là cơ hội cải tiến chuỗi cung ứng toàn cầu, để giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước có nhiều rủi ro, như Nga hay Trung Quốc. Theo họ, chiến lược này là sự kết hợp giữa toàn cầu hóa và cô lập, giữa sản xuất ở nước ngoài và sản xuất nội địa.

"Tạo điều kiện thuận lợi cho friend-shoring sẽ giúp giảm rủi ro cho nền kinh tế của chúng ta, cũng như cho các đối tác thương mại đáng tin cậy", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định hồi tháng 4/2022.

Theo bà Yellen, các thỏa thuận như vậy sẽ giúp Mỹ thắt chặt quan hệ với những quốc gia có chung "chuẩn mực và giá trị về cách hoạt động trong nền kinh tế toàn cầu". Và, xu hướng này thể hiện rõ nhất trong các ngành như chất bán dẫn cùng đất hiếm. Hiện, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đang nhập cuộc, chuyển sang sản xuất tại các nước được xem là có rủi ro chính trị và logistics tương đối thấp.

Link bài viết

Dù vậy, một lo ngại đi cùng xu hướng này là nó sẽ gây thiệt hại cho các nước đã hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu cởi mở vài chục năm qua, bất kể giàu nghèo.

Pierre-Olivier Gourinchas - Nhà kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói: "Thế giới sẽ phân chia thành các khối, không giao thương nhiều với nhau và có các tiêu chuẩn khác nhau. Đó sẽ là thảm họa cho kinh tế toàn cầu".

Bên cạnh đó, các nhà kinh tế nói rằng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng có khả năng tăng lạm phát. Dù vậy, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua đã thúc đẩy các chính phủ và doanh nghiệp đa dạng hóa và dịch chuyển sản xuất khỏi nước này.

Đồng thời, đại dịch Covid-19 càng phơi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng và thúc đẩy xu hướng trên. Hơn nữa, sự cấp thiết càng tăng lên sau khi chiến sự Nga – Ukraine bùng nổ, khiến việc xuất khẩu năng lượng và thực phẩm giảm sút. Các lệnh trừng phạt áp lên Nga từ phương Tây cũng làm gián đoạn dòng chảy tiền tệ và hàng hóa toàn cầu.

"Chắc bạn từng nghe câu nói các nước buôn bán với nhau không gây chiến với nhau. Nhưng 2 tháng qua, chúng ta đã thấy điều đó không phải lúc nào cũng đúng", Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai bình luận. Theo bà Tai, cần đa dạng hóa nguồn cung các mặt hàng chủ lực "để đảm bảo chúng ta không hoảng sợ và tuyệt vọng trong lần khủng hoảng tiếp theo".

Đại dịch, xung đột

Đại dịch và xung đột - 2 yếu tố phơi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu

Để giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc với các khoáng sản quan trọng, Mỹ và Australia đang làm việc cùng nhau để xây dựng các cơ sở khai thác và chế biến đất hiếm ở cả 2 nước. Theo báo cáo chuỗi cung ứng của Nhà Trắng tháng trước, Trung Quốc hiện tinh chế 60% lithium và 80% coban - 2 khoáng sản quan trọng cho pin dung lượng cao.

Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đang xem xét kế hoạch chi hàng chục tỷ USD để giúp các doanh nghiệp như Intel xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Năm 2021, 92% nguồn cung chất bán dẫn tiên tiến trên thế giới đến từ Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC). 

Ở khối doanh nghiệp, một số thậm chí đã đi trước các nhà hoạch định chính sách trong friend-shoring, khi phải đối mặt với tắc nghẽn do Covid-19 thời gian qua, khiến thời gian và chi phí vận chuyển tăng vọt. Với doanh nghiệp may mặc Mỹ, điểm đến ưa thích là các nước Trung Mỹ như Honduras, Guatemala và El Salvador. Riêng Gap đang tăng gấp đôi thị phần của khu vực này trong sản xuất toàn cầu, dự kiến lên 10% năm tới và thậm chí có ý định nâng lên mức 25%.

Dù chất lượng vải và nguồn lao động chưa thể bằng Trung Quốc, nhưng các doanh nghiệp lại hưởng lợi từ việc ở gần người tiêu dùng Mỹ, cũng như mức thuế thấp hơn theo hiệp định thương mại tự do. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang chi hàng tỷ USD nhằm phát triển kinh tế địa phương và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong khu vực. Đây là bước đi mà các quan chức hy vọng sẽ giúp giảm người di cư sang Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Friend-shoring: Chiến lược của thời đại dịch và xung đột
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO