Có gì tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 50 tại Davos?

Tùy Phong| 21/01/2020 05:45

Ngày 21/1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 50 đã khai mạc tại Davos, Thụy Sỹ với sự tham gia của gần 3.000 đại biểu đến từ 117 quốc gia.

Có gì tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 50 tại Davos?

Trong đó, có 53 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, chủ tịch, CEO của 1.000 công ty đối tác và thành viên nhằm hỗ trợ các chính phủ, các tổ chức quốc tế trong việc theo dõi tiến trình thực hiện Hiệp định Paris, Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận về công nghệ cũng như quản trị thương mại.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu cũng tham dự hội nghị, nhằm quảng bá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời gian qua. Trước đó một ngày Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có cuộc hội đàm với Phó Tổng thống, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin để trao đổi về quan hệ song phương Việt Nam - Thụy Sĩ.

Diễn ra từ ngày 21 – 24/1/2020, WEF năm nay sẽ xoay quanh các chủ đề "nóng" như tình hình thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa đa phương và trật tự địa chính trị cũng như tương lai của các "ông lớn" ngành công nghệ. Trong đó, biến đổi khí hậu dự kiến là chủ đề sẽ được tranh luận tích cực nhất, khi WEF cách đây 5 ngày vừa công bố Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2020 với toàn bộ 5 rủi ro hàng đầu thế giới đều là các vấn đề môi trường.

Năm rủi ro vừa nêu bao gồm: các sự kiện thời tiết cực đoan gây thiệt hại lớn về tài sản, cơ sở hạ tầng và sinh mạng con người; sự thất bại trong giảm biến đổi khí hậu cũng như sự đối ứng của các chính phủ, doanh nghiệp; thiệt hại và thảm họa môi trường do con người tạo ra; mất đa dạng sinh học và suy sụp hệ sinh thái với hậu quả không thể khắc phục; cuối cùng là những thảm họa thiên nhiên lớn như động đất, sóng thần, phun trào núi lửa, bão từ.

Đồng thời, với chủ đề WEF lần thứ 50 là "Các bên liên quan hướng tới một thế giới bền vững và gắn kết", tờ Financial Times dự báo có 4 vấn đề nữa nhiều khả năng sẽ thu hút sự chú ý của các đại biểu đến Davos năm nay.

Thứ nhất là phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt sau sự kiện căng thẳng Mỹ - Iran leo thang mạnh vài tuần qua do Mỹ tiến hành không kích giết chết tướng Qasem Soleimani của Iran tại Baghdad (Iraq) và phiên xử luận tội ông Trump dự kiến bắt đầu vào ngày 22/1. Vấn đề thứ hai sẽ là khả năng hồi phục của nền kinh tế toàn cầu sau một năm biến động với nhiều tranh chấp thương mại diễn ra trên toàn thế giới. 

Nội dung tiếp theo là khả năng thực hiện cam kết của các doanh nghiệp trong việc chú ý nhiều hơn tới nhân viên, khách hàng và môi trường, thay vì chỉ quan tâm đến lợi ích cổ đông. Cuối cùng là tương lai của các đại gia công nghệ như Facebook, Huawei hay Microsoft, khi những doanh nghiệp này đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ quyền riêng tư đến thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có gì tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 50 tại Davos?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO