CEO TikTok từ chức sau chưa đầy 3 tháng làm việc

Tuỳ Phong| 27/08/2020 03:30

Tôi cho rằng, vai trò mà mình đã ứng tuyển, trong đó bao gồm việc điều hành TikTok trên toàn cầu, sẽ trở nên rất khác biệt khi bị Chính phủ Mỹ buộc bán mảng kinh doanh tại đây", Kevin Mayer - cựu CEO TikTok nói.

CEO TikTok từ chức sau chưa đầy 3 tháng làm việc

TikTok cùng nhiều công ty Trung Quốc khác đang lọt vào "tầm ngắm" của chính quyền Trump, khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng căng thẳng do Covid-19, vấn đề Đài Loan, luật an ninh Hồng Kông và Biển Đông.

Trong một tuyên bố qua email, TikTok cũng đã xác nhận thông tin này, đồng thời cho biết các yếu tố chính trị trong vài tháng qua đã "thay đổi đáng kể" vai trò của Mayer trong tương lai và "hoàn toàn tôn trọng quyết định của ông ấy".

Như vậy, Kevin Mayer đã ra đi sau chưa đầy 3 tháng làm việc tại TikTok. Trong thư gửi nhân viên, vị cựu CEO bày tỏ bản thân rất buồn khi phải rời công ty.

"Trong nhiều tuần gần đây, khi môi trường chính trị thay đổi mạnh mẽ, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc doanh nghiệp sẽ phải thay đổi về mặt cấu trúc như thế nào, và tác động của nó đến vai trò quản lý toàn cầu mà tôi đang đảm nhiệm sẽ ra sao. Trước hoàn cảnh này, và trong lúc tất cả chúng ta đều mong sớm đạt được hướng giải quyết, tôi đành phải thông báo rằng, mình đã quyết định rời công ty", Mayer viết.

"Tôi cho rằng, vai trò mà mình đã ứng tuyển, trong đó bao gồm việc điều hành TikTok trên toàn cầu, sẽ trở nên rất khác biệt khi bị Chính phủ Mỹ buộc bán mảng kinh doanh tại đây", cựu CEO TikTok nói thêm.

Thay thế cho Mayer, bà Vanessa Pappas - Tổng giám đốc TikTok tại Mỹ, sẽ tạm giữ vị trí CEO toàn cầu của công ty.

Cựu CEO TikTok Kevin Mayer

Cựu CEO TikTok Kevin Mayer

Được biết, trước khi gia nhập TikTok, Mayer từng đứng đầu mảng video trực tuyến của Disney và là ứng viên sáng giá cho vị trí CEO của công ty nàyTuy nhiên, sau khi Disney bổ nhiệm Bob Chapek vào vị trí CEO, Mayer đã đầu quân cho TikTok vào đầu tháng 6/2020.

Động thái bổ nhiệm Mayer vào vị trí CEO được xem như một bước đi nhằm củng cố và cải thiện quan hệ giữa TikTok với Washington. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, TikTok vẫn liên tục chịu sức ép từ chính quyền Mỹ; thậm chí Tổng thống Trump còn đe doạ cấm ứng dụng này.

Nguyên nhân là vì TikTok đang vướng phải các nghi vấn về việc công ty mẹ ByteDance có liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Song, phía ByteDance phủ nhận cáo buộc này, và cho biết TikTok hiện không có mặt ở Trung Quốc, mà thay vào đó là một phiên bản riêng với tên gọi Douyin. 

Đồng thời, ByteDance khẳng định công ty này không tuân thủ bất kỳ yêu cầu nào của Trung Quốc về kiểm duyệt nội dung hoặc truy cập dữ liệu người dùng, và cho biết đang từng bước rời quê nhà để hướng đến thị trường toàn cầu.

Dù vậy, đến đầu tháng 8 qua, ông Trump đã ký sắc lệnh chặn hoạt động của TikTok tại Mỹ, và yêu cầu ByteDancephải bán lại mảng kinh doanh tại Mỹ trước ngày 15/9/2020, nếu không muốn bị cấm hoạt động tại đây. Hiện, Microsoft và Oracle đang cạnh tranh để mua lại TikTok.

Đầu tuần qua, TikTok cũng đã kiện Chính phủ Mỹ vì lệnh cấm ứng dụng video này hoạt động ở Mỹ. Theo CNBC, vụ kiện có thể giúp ByteDance trì hoãn lệnh cấm và có thêm thời gian để đàm phán đạt thoả thuận tốt hơn cho thương vụ bán TikTok.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CEO TikTok từ chức sau chưa đầy 3 tháng làm việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO