Áp thuế hàng hoá EU, Mỹ mở thêm mặt trận thương chiến mới?

Khởi Vũ| 03/10/2019 09:00

Mức thuế lên đến 25% sẽ được Mỹ áp trên một loạt sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của liên minh châu Âu (EU) từ ngày 18/10/2019 - động thái nhiều khả năng châm ngòi hành động "ăn miếng trả miếng" từ cả hai bên.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu chiến tranh thương mại quy mô lớn giữa Mỹ và châu Âu xảy ra, hậu quả với Mỹ sẽ tai hại hơn nhiều nếu so với ảnh hưởng từ những đòn thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu chiến tranh thương mại quy mô lớn giữa Mỹ và châu Âu xảy ra, hậu quả với Mỹ sẽ tai hại hơn nhiều nếu so với ảnh hưởng từ những đòn thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc

Theo hãng tin RT, danh sách các mặt hàng bị Mỹ áp thuế bao gồm rượu whisky Scotland, rượu vang Pháp, phô mai Ý, bên cạnh một số mặt hàng khác từ Đức, Vương quốc Anh và Tây Ban Nha.

Đồng thời, hàng rào thuế quan mới của Mỹ sẽ đánh vào các mặt hàng áo len, len, len cashmere và nhiều sản phẩm quần áo khác được sản xuất tại Anh, cũng như ô liu Tây Ban Nha, Pháp và Đức. Bên cạnh đó, mức thuế 10% sẽ được áp dụng đối với máy bay dân dụng cỡ lớn.

Link bài viết

Hàng rào thuế quan mới này sẽ chính thức có hiệu lực từ 18/10/2019. Tuy nhiên, một số sản phẩm cụ thể, bao gồm rượu vang Ý, không nằm trong danh sách nói trên.

Mức thuế mới này được Mỹ đưa ra sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) "bật đèn xanh" hôm 2/10/2019 cho nền kinh tế lớn nhất thế giới đánh thuế trả đũa EU. 

Cụ thể, tòa trọng tài WTO ra phán quyết Mỹ đã chịu thiệt hại tương đương gần 7,5 tỷ USD/năm từ các khoản cho vay ưu đãi của Chính phủ các nước châu Âu dành cho máy bay A350 và A380 của Airbus. Trước đó, Washington đã yêu cầu được phép đánh thuế tới 100% trên lượng hàng hóa châu Âu có giá trị 11,2 tỷ USD. 

Trong một tuyên bố do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đưa ra hôm thứ tư, Washington cho rằng "có thẩm quyền tăng thuế bất cứ lúc nào" - kể cả mức thuế lên tới 100% - "hoặc thay đổi danh sách các sản phẩm bị hàng rào thuế quan ảnh hưởng". Tuy nhiên, tuyên bố cho biết, danh sách các mặt hàng chịu thuế sẽ được giữ ở mức giới hạn "trong thời điểm này".

Ở chiều ngược lại, Airbus đã đệ đơn khiếu kiện tương tự với Boeing và vẫn đang chờ WTO ra quyết định về quyền trả đũa. Phía WTO cho rằng, cả Airbus lẫn Boeing đều đã nhận được hàng tỷ USD trợ cấp trong vụ tranh cãi thương mại lớn nhất thế giới ở cấp độ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Washington được phép đánh thuế trước vì vụ kiện của nước này diễn ra trước 9 tháng. 

Bộ trưởng Tài chính Pháp Pháp Bruno Le Maire hồi tháng 9/2019 cũng cảnh báo, châu Âu đã "sẵn sàng để phản ứng" với các mức thuế của riêng mình nếu Washington lấn tới với bất kỳ hàng rào thuế nào, song bày tỏ hy vọng về "một thỏa thuận thân thiện" của Pháp với các đại diện thương mại Mỹ.

Link bài viết

Năm ngoái, Mỹ đã áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu, dẫn tới việc EU đánh thuế trả đũa trên 2,8 tỷ USD hàng Mỹ. Tuy nhiên, đối với cả Mỹ lẫn châu Âu, một cuộc thương chiến, nếu xảy ra, sẽ khiến nền kinh tế cả hai khó lòng "trụ" nổi vào thời điểm này.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu chiến tranh thương mại quy mô lớn giữa Mỹ và châu Âu xảy ra, hậu quả với Mỹ sẽ tai hại hơn nhiều nếu so với ảnh hưởng từ những đòn thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Nếu xét kim ngạch thương mại cả hàng hóa và dịch vụ, thì thương mại Mỹ - EU năm 2018 lớn hơn 70% so với giá trị thương mại song phương Mỹ - Trung", chuyên gia kinh tế Florian Hense thuộc Brenberg Hense nhận định.

Theo USTR, Mỹ nhập khẩu 683,9 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ EU, và 557,9 tỷ USD từ Trung Quốc trong năm 2018. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang EU đạt 574,5 tỷ USD, còn sang Trung Quốc chỉ đạt 179,2 tỷ USD.

"Trong 2018, xuất khẩu của Mỹ sang EU lớn gấp ba lần so với xuất khẩu sang Trung Quốc". Do đó, sự trả đũa thương mại từ châu Âu có thể khiến Mỹ "choáng" hơn nhiều lần so với sự đáp trả của Trung Quốc, ông Hense giải thích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp thuế hàng hoá EU, Mỹ mở thêm mặt trận thương chiến mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO