9 điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội thế giới 2020

Khởi Vũ| 30/12/2020 04:00

2020 - một năm thế giới đầy biến động với thiên tai, dịch bệnh hoành hành, và sự leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Xin mời quý độc giả cùng Doanh nhân Sài Gòn nhìn lại 9 điểm nhấn đáng chú ý, gây ảnh hưởng sâu rộng trong bức tranh kinh tế - xã hội 2020

1. Đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới

Kể từ khi các ca viêm phổi lạ ở Vũ Hán được ghi nhận lần đầu vào tháng 11/2019, Covid-19 đã nhanh chóng lây lan ra toàn thế giới, trở thành thảm hoạ y tế tồi tệ nhất 100 năm qua. Cập nhật đến 30/12/2020, toàn thế giới ghi nhận hơn 82 triệu ca nhiễm, với gần 1,8 triệu người tử vong, và hai con số này hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thay vì tăng 3%, nền kinh tế thế giới sẽ giảm khoảng 5% GDP - mức lớn nhất kể từ sau Thế chiến II dưới tác động của Covid-19

Thay vì tăng 3%, nền kinh tế thế giới sẽ giảm khoảng 5% GDP - mức lớn nhất kể từ sau Thế chiến II dưới tác động của Covid-19

Trước năm 2020, mô hình dự báo tinh vi nhất cho thấy một đại dịch tương tự cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 có thể sẽ giết chết 71 triệu người trên thế giới, và làm GDP toàn cầu giảm 5%. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 6 dự báo, đến cuối năm 2020, GDP toàn cầu nhiều khả năng sẽ thấp hơn khoảng 8% so với khi không có đại dịch. Thay vì tăng 3%, nền kinh tế thế giới sẽ giảm khoảng 5% GDP - mức giảm lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. 

Trong báo cáo của hai nhà kinh tế học thuộc Đại học Harvard là David Cutler và Lawrence Summers, SARS-CoV-2 được gọi là virus 16.000 tỷ USD. Đây là thiệt hại kinh tế ước tính của đại dịch đối với riêng nước Mỹ, và con số này lớn hơn cả GDP 14.300 tỷ USD của Trung Quốc. Hiện, để ứng phó với dịch bệnh, nhiều quốc gia đã thực hiện tiêm chủng trên diện rộng. Theo dữ liệu của Bloomberg, hơn 2 triệu người ở 6 quốc gia trên thế giới được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

2. Vương quốc Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU)

Sau 47 năm là thành viên, Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi EU vào ngày 1/2/2020, với 621 phiếu thuận cùng 49 phiếu chống, và bước vào giai đoạn chuyển tiếp đến hết ngày 31/12/2020. Cuộc "chia tay" này, còn gọi là Brexit, là một trong những thay đổi kinh tế - chính trị lớn nhất châu Âu thời hiện đại, khi được dự báo sẽ làm thay đổi các mối quan hệ vốn đã ổn định của Anh với các nước EU về mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, an ninh...

Trong giai đoạn chuyển tiếp, nước Anh vẫn được hưởng quyền lợi từ các thỏa thuận thương mại giữa EU với các nền kinh tế khác, nhưng không có tiếng nói quyết định nữa. Sau khi rời EU, về thương mại, Anh có thể đàm phán với các nước khác để tự thiết lập quy tắc mới trong mua bán hàng hóa, dịch vụ - việc vốn bị cấm khi còn là thành viên EU. 

Brexit, là một trong những thay đổi kinh tế - chính trị lớn nhất châu Âu thời hiện đại, khi được dự báo sẽ làm thay đổi các mối quan hệ vốn đã ổn định của Anh với các nước EU về mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, an ninh...

Brexit được xem là một trong những thay đổi kinh tế - chính trị lớn nhất châu Âu thời hiện đại, khi sẽ làm thay đổi mối quan hệ của Anh với các nước EU về mọi lĩnh vực.

Hiện, Anh đã có FTA đầu tiên thời hậu Brexit với Nhật Bản, ký thỏa thuận thương mại tạm thời với Canada, ký FTA với Singapore và Việt Nam, đồng thời ký thỏa thuận nhằm bảo đảm tính liên tục của trao đổi thương mại song phương với Mexico. Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, Brexit không phải là một sự kết thúc, mà là một khởi đầu. Ông Johnson nhấn mạnh, đây là thời điểm để nước Anh đoàn kết lại, là lúc hòa giải đất nước vốn bị chia rẽ gần 4 năm qua vì Brexit và hiện vẫn còn đang bị chia rẽ nặng nề.

3. Biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan hoành hành

Các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục hoành hành trong năm nay, và 2011 - 2020 sẽ là thập niên có nhiệt độ cao nhất, với 6 năm nóng nhất đều được ghi nhận sau năm 2015, theo báo cáo sơ bộ về Khí hậu Toàn cầu năm 2020 vừa công bố vào đầu tháng 12 qua.

"Không may thay, 2020 lại là một năm biến động nữa với khí hậu của chúng ta. Chúng ta đã ghi nhận các mức nhiệt độ cực đoan mới trên đất liền, trên biển và nhất là ở Bắc Cực. Cháy rừng thiêu rụi các khu vực lớn ở Australia, Siberia, Bờ Tây và Nam Mỹ, tạo ra các đám khói bay vòng quanh trái đất", Giáo sư Petteri Taalas - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới, nói.

"Chúng ta đã chứng kiến một lượng kỷ lục các cơn bão ở Đại Tây Dương, gồm cả loạt bão cấp 4 xuất hiện dồn dập chưa từng có ở Trung Mỹ vào tháng 11. Lũ lụt ở châu Phi và Đông Nam Á đã khiến một lượng lớn dân số phải di dời và làm suy yếu an ninh lương thực cho hàng triệu người", ông Taalas bổ sung.

2011 - 2020 sẽ là thập niên có nhiệt độ cao nhất, với 6 năm nóng nhất đều được ghi nhận sau năm 2015

Các thiên tai tốn kém nhất toàn cầu trong năm qua là sự phản ánh cho các tác động lâu dài của tình trạng trái đất nóng lên.

Bên cạnh đó, báo cáo Count the cost of 2020: a year of climate breakdown của tổ chức phi chính phủ Christian Aid cũng cho biết, từ cháy rừng mất kiểm soát tại Australia vào đầu năm cho đến lũ lụt ở châu Á, châu Phi hay bão ở châu Âu cùng châu Mỹ, biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục hoành hành trong năm nay. Và, các thiên tai tốn kém nhất toàn cầu trong năm qua, với số tiền bồi thường bảo hiểm ước đạt 150 tỷ USD, là sự phản ánh cho các tác động lâu dài của tình trạng trái đất nóng lên. Trong các thiên tai này, có bão lũ tháng 10 - 11 tại châu Á.

Cần biết rằng, chi phí để khắc phục hậu quả của thảm họa do khí hậu trên thực tế cao gấp nhiều lần thống kê, vì hầu hết thiệt hại không được bảo hiểm. Cụ thể, chỉ 4% thiệt hại kinh tế do tác động của thời tiết cực đoan ở các nước thu nhập thấp được bảo hiểm, trong khi tỷ lệ này ở các nền kinh tế có thu nhập cao là 60%. Được biết, các thiên tai đã làm 3.500 người chết và khiến hơn 13,5 triệu người phải di cư, sơ tán trong năm qua.

4. Quan hệ Mỹ - Trung bên bờ vực 'chiến tranh lạnh'

Trong bối cảnh đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington không có nhiều tiến triển, dù hai bên đã đạt thoả thuận giai đoạn 1 vào đầu năm, đại dịch Covid-19 bùng phát càng làm chuỗi cung ứng toàn cầu lẫn quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, thậm chí là bên bờ vực "Chiến tranh Lạnh mới".

Theo nguyên chuyên gia kinh tế cấp cao về quan hệ quốc tế thuộc Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng dưới thời chính quyền Clinton - Giáo sư Nouriel Roubini, dường như cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đang rơi vào chiếc bẫy Thucydides - khái niệm được đặt theo tên vị sử gia Hy Lạp đã ghi lại nỗi sợ về một cuộc chiến không thể tránh khỏi giữa một thế lực đang thống trị và một thế lực đang lên. Và, dù viễn cảnh về một cuộc xung đột vũ trang giữa hai cường quốc này có lẽ vẫn còn khá xa, song nguy cơ của một cuộc chiến tranh lạnh đang ngày càng rõ nét.

Dù viễn cảnh về một cuộc xung đột vũ trang giữa hai cường quốc này có lẽ vẫn còn khá xa, song nguy cơ của một cuộc chiến tranh lạnh đang ngày càng rõ nét.

Dù viễn cảnh về một cuộc xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc có lẽ vẫn còn khá xa, song nguy cơ của một cuộc chiến tranh lạnh ngày càng rõ nét.

Đồng thời, lập trường cứng rắn với Trung Quốc cũng được ông Trump nhiều lần sử dụng trong năm qua như "chiêu bài tranh cử", khi nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh xử lý sai đại dịch, dọa trừng phạt, thậm chí cắt quan hệ. Đáp lại, Bắc Kinh cáo buộc Washington chính trị hóa cuộc khủng hoảng y tế nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi cách kiểm soát dịch yếu kém của chính quyền Trump.

Đến giữa năm, khi Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia cho đặc khu Hồng Kông, Mỹ tiếp tục phản ứng quyết liệt và tước ưu đãi thương mại, cũng như áp nhiều lệnh trừng phạt lãnh đạo lẫn quan chức nơi này. Các vấn đề gặp phải xung đột khác có thể kể đến như Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương hay công nghệ… Căng thẳng lên cao trào khi hai bên ra lệnh đóng cửa tổng lãnh sự quán của nhau ở Houston và Thành Đô vào tháng 7.

Link bài viết

Theo giới phân tích, căng thẳng Mỹ - Trung dưới thời ông Biden sẽ không suy giảm, mà chỉ chuyển từ thương chiến sang xung đột chính trị, khiến sự bất ổn và khó lường trở thành tính chất chủ đạo trong mối quan hệ giữa hai nước thời gian tới. Mỹ - Trung sẽ tăng cường kéo các nước vào vòng ảnh hưởng của mình, và áp lực phải chọn phe đối với các nước sẽ ngày càng lớn.

5. Hàng không thế giới trong 'cơn tắm máu'

Suốt 20 năm trước khi Covid-19, ngành hàng không thế giới đã có thời kỳ tăng trưởng hoàng kim. Năm 1998, các hãng bay trên thế giới bán được 1,46 tỷ vé; đến năm 2019, con số này lên đến 4,54 tỷ. Song, Covid-19 đã chấm dứt tất cả. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Thế giới (IATA), "về mặt tài chính, 2020 là năm tồi tệ nhất lịch sử ngành hàng không dân dụng thế giới". 

"Các hãng hàng không đã cắt giảm 45,8% chi phí, nhưng doanh thu vẫn giảm 60,9%. Với mỗi khách bay trong năm nay, các hãng hàng không sẽ mất 66 USD, dẫn đến tổng mức lỗ ròng khoảng 118,5 tỷ USD. Khoản lỗ này sẽ giảm 80 tỷ USD vào năm 2021. Nhưng kịch bản lỗ ròng 38,7 tỷ USD vào năm tới cũng chẳng có gì đáng để ăn mừng", Tổng giám đốc IATA nói.

Trong bối cảnh này, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã phải tuyên bố phá sản. Virgin Australia trở thành hãng hàng không lớn nhất sụp đổ do Covid-19, tiếp đó là Avianca - hãng hàng không lớn thứ hai Mỹ Latinh; rồi đến AirAsia Nhật Bản. Riêng hãng hàng không quốc gia đầu tiên là Thai Airways International cũng đang bên bờ vực phá sản nếu không được cứu.

Covid-19 đã chấm dứt tất cả

Covid-19 đã chấm dứt thời kỳ tăng trưởng hoàng kim của ngành hàng không thế giới

Hiện, một số quốc gia như Pháp, Hà Lan, Singapore…đã tung các gói hỗ trợ hãng hàng không, trong khi chính phủ bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay. Dù vậy, một số hãng đã tuyên bố phá sản, hoặc đang làm thủ tục phá sản. Nhận định về triển vọng ngành hàng không năm sau, các chuyên gia cho rằng 2021 vẫn sẽ là một năm đầy khó khăn. Làm cách nào để duy trì bộ máy là bài toán đặt ra với các hãng hàng không trong cuộc chiến "sinh tử" để tồn tại, phát triển hậu Covid-19.

6. Xu hướng giảm lãi suất về 0 của ngân hàng trung ương các nước

Trước sự công phá của Covid-19, từ giữa tháng 1/2020, các ngân hàng trung ương (NHTW) hàng đầu đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, tái khởi động các gói kích thích định lượng (QE), tăng cường hỗ trợ với quy mô lớn hơn nhiều so với thời kỳ hậu khủng hoảng. Trong năm qua, để hỗ trợ và vực dậy nền kinh tế, lần đầu tiên trong lịch sử, NHTW tại 60% nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy chính sách giảm lãi suất xuống dưới 1%, với nhiều trong số đó thậm chí áp dụng lãi suất âm.

Riêng trong tháng 3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 2 lần hạ lãi suất khẩn cấp. Các NHTW châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Australia... cũng hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục. Kể từ đầu năm đến hết quý III/2020, đã có 90 lượt điều chỉnh giảm lãi suất của NHTW các nước, và nhiều trong số đó đã điều chỉnh trên 2 lần. Do các NHTW đua nhau cắt giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ, thị trường tài chính quốc tế có khả năng sẽ dư thừa thanh khoản.

Trước sự công phá của Covid-19, NHTW các nước đã sớm

Trước sự công phá của Covid-19, NHTW các nước đã sớm thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, tái khởi động các gói kích thích định lượng (QE), tăng cường hỗ trợ với quy mô lớn.

Do hệ quả của đại dịch còn kéo dài, các gói kích thích tài khóa, tiền tệ hiện không nhằm mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế, mà để giảm bớt khó khăn cho người dân trong thời gian nghỉ việc. Dù vậy, các gói kích thích được cho là không đủ để hỗ trợ cho doanh nghiệp cận kề sụp đổ.

Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước sẽ phải cứu nền kinh tế bằng cách tăng vay vốn, nhất là tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp và người dân. Do kinh tế trầm lắng và người dân dè dặt trong chi tiêu hàng ngày, lạm phát khó có thể tăng, dù mặt bằng lãi suất thấp, và đây là điều kiện thuận lợi để các chính phủ có thể vay vốn với lãi suất được cho là rất ưu đãi, thậm chí gần như bằng không.

7. Công nghệ hội họp, mua sắm và chăm sóc y tế từ xa tăng tốc

2020 có thể xem là năm công nghệ chăm sóc y tế, hội họp từ xa lên ngôi, bên cạnh sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT). Xu hướng chuyển sang làm việc, học tập tại nhà do Covid-19 đã dẫn tới sự bùng nổ của các ứng dụng liên lạc như Zoom - yếu tố đã giúp nhà sáng lập Zoom Eric Yuan được tạp chí Time bình chọn là "doanh nhân của năm".

Nhà sáng lập Zoom Eric Yuan - người được tạp chí Time bình chọn là "doanh nhân của năm"

Nhà sáng lập Zoom Eric Yuan - người được tạp chí Time bình chọn là "doanh nhân của năm"

Bên cạnh đó, lệnh phong toả khiến người dân các nước không thể ra ngoài cũng tạo điều kiện cho TMĐT bùng nổ và làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, doanh thu TMĐT toàn cầu dự báo đạt 3.900 tỷ USD trong năm 2020; riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 2.450 tỷ USD. Song song với đó, các chuỗi bán lẻ và chuỗi cung ứng cũng nhanh chóng đổi mới mô hình kinh doanh, ứng dụng các công cụ tài chính số hóa để thích ứng, từ đó thúc đẩy hoạt động TMĐT.

Đồng thời, Covid-19 cũng thúc đẩy nhu cầu chăm sóc sức khỏe qua nền tảng số tăng cao, từ điều trị bệnh chuyên khoa tới trị liệu. Tại nhiều quốc gia, hiện đã có nhiều ứng dụng tư vấn sức khỏe trực tuyến hoặc các nền tảng phục vụ bệnh nhân từ xa.

"Các dịch vụ chăm sóc từ xa có vai trò quan trọng trong ứng phó Covid-19, đồng thời đảm bảo khả năng điều trị không gián đoạn cho khoảng 100 triệu người Mỹ có những bệnh mãn tính. Vấn đề hiện nay là cách sử dụng dịch vụ này sau khi đại dịch kết thúc, không ai muốn nó đột ngột chấm dứt", bác sĩ Susan Bailey - Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ, nhận xét.

8. Hỗn loạn bầu cử Tổng thống Mỹ

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay giữa ông Trump và ông Biden diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc vì khủng hoảng sắc tộc, suy thoái kinh tế và Covid-19. Hơn 150 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu ngày 3/11, nhưng phải đến 7/11, truyền thông mới "xướng tên" ông Biden là người chiến thắng, do các bang mất nhiều thời gian kiểm đếm phiếu bầu qua thư cao chưa từng có. Cả hai ứng viên đều lập kỷ lục về số phiếu phổ thông; ông Biden giành hơn 81 triệu phiếu, trong khi Trump có hơn 74 triệu phiếu.

Dù vậy, ông Trump cùng ban chiến dịch tranh cử phủ nhận thất bại, và đã nhanh chóng triển khai cuộc chiến pháp lý quy mô lớn sau đó, cáo buộc có gian lận cuộc bầu cử trên diện rộng dù không thành công. Thậm chí, kể cả khi đại cử tri đoàn bỏ phiếu bầu với chiến thắng thuộc về ông Biden, Tổng thống Mỹ đương nhiệm vẫn ủng hộ nỗ lực "lật kèo" ở Quốc hội nhằm đảo ngược kết quả.

Thái độ quyết không nhận thua của ông Trump đã khiến nước Mỹ thêm phần chia rẽ, đặt Tổng thống đắc cử Joe Biden trước vô số thách thức trong việc hàn gắn tinh thần đoàn kết của quốc gia, xử lý khủng hoảng Covid-19 và kinh tế.

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden có thể được xem là một không hai trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ.

9. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết

Ngày 15/11/2020, RCEP đã được 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand ký kết sau 8 năm đàm phán. Đây là liên minh thương mại lớn nhất thế giới, với thị trường 2,2 tỷ dân và tổng GDP đạt 26.200 tỷ USD, tương đương khoảng 30% thế giới. Quy mô của RCEP còn lớn hơn Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) và Liên minh châu Âu (EU).

Theo giới phân tích, lợi ích kinh tế từ RCEP chỉ vừa phải, và cần nhiều năm để hiện thực hóa. Tuy nhiên, đây vẫn là chiến thắng địa chính trị cho Trung Quốc vào thời điểm Mỹ dường như đang rút khỏi châu Á - Thái Bình Dương theo chính sách đối ngoại "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.

Hiện, chưa rõ Mỹ có thương lượng siêu thỏa thuận thương mại nào với các nền kinh tế khu vực dưới thời Joe Biden hay không. Ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%.

với thị trường 2,2 tỷ dân và tổng GDP đạt 26.200 tỷ USD, tương đương khoảng 30% thế giới. Quy mô của RCEP còn lớn hơn Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) và Liên minh châu Âu (EU).

Với thị trường 2,2 tỷ dân và tổng GDP đạt 26.200 tỷ USD, tương đương khoảng 30% thế giới, quy mô của RCEP còn lớn hơn Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) và Liên minh châu Âu (EU).

Việc ký kết RCEP được coi là động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế, bảo vệ hệ thống thương mại đa phương vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng và tăng trưởng toàn cầu suy giảm. Không chỉ riêng ASEAN, RCEP còn góp phần đem lại sự thịnh vượng chung và an ninh chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương bằng cách xây dựng sự chắc chắn và tin cậy chính trị, khiến châu Á trở thành nền kinh tế năng động, cởi mở, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia, cùng hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
9 điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội thế giới 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO