Kinh tế Việt Nam sẽ “trật đường ray phát triển" nếu chậm trễ

15/06/2015 06:23

Theo báo cáo đánh giá quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2014 nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn hiện hữu do quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực chất.

Kinh tế Việt Nam sẽ “trật đường ray phát triển

Theo báo cáo đánh giá quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2014 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn hiện hữu do quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực chất.

Nguy cơ này đến từ sự gia tăng nhanh chóng của nợ công, cùng với hàng loạt vấn đề của nền kinh tế như cổ phần hóa chậm, xử lý nợ xấu kéo dài khiến nhiều chuyên gia kinh tế cảm thấy lo ngại.

“Chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa, nếu không sẽ trật đường ray phát triển,” ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM cảnh báo.

Theo tiến sỹ Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Việt Nam mới đi “mon men” vào tái cơ cấu, chưa thực chất đi vào guồng tái cơ cấu. Tái cơ cấu vẫn trên nền tư duy cũ và chưa rõ mô hình tăng trưởng đã thay đổi được gì.

“Môi trường kinh doanh đúng là đã có sự cải thiện, nhất là vừa qua Chính phủ đề ra chương trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhưng chúng ta đừng chủ quan. Thủ tướng đặt ra mục tiêu năm 2016 môi trường kinh doanh Việt Nam phải bằng top 4 trong ASEAN. Đây là điều dứt khoát phải làm,” ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện về quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2014, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Trưởng Ban chính sách kinh tế vĩ mô - CIEM cho rằng thành tựu lớn nhất là chặn đứng đà lạm phát và bất ổn vĩ mô. Thành tựu này có thể nhìn thấy trong từng chỉ số, đó là lạm phát từ mức đỉnh điểm lên đến 28,32% (tháng 8/2008) đã dần trở về mức bình thường kể từ tháng 7/2012 đến nay.

Lãi suất cho vay được kiểm soát sau khi giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm 2012. Từ mức 23% vào tháng 8/2011, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động thể hiện xu hướng giảm rõ rệt từ tháng 2/2012 và cơ bản ổn định từ khoảng tháng 6/2013.

Ông Tú Anh đánh giá sự ổn định của lãi suất, giải cứu được tình hình thiếu thanh khoản nghiêm trọng của hệ thống ngân hàng thương mại được xem là thành công chính của quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Điều đáng nói là, quá trình tái cơ cấu đã không để xảy ra đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô liên tục được giữ vững; chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao; môi trường kinh doanh có sự cải thiện; hiệu quả đầu tư, năng suất lao động đã được cải thiện đáng kể... “Đây là nền tảng quan trọng, củng cố niềm tin thị trường, quyết tâm chính trị để đẩy mạnh hơn nữa quá trình đổi mới, đặc biệt là đổi mới thể chế,” ông Tú Anh phân tích.

Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn hiện hữu do quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam chưa thực chất. Theo ông Nguyễn Tú Anh, tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư.

Ngoài ra, tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, những ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước vẫn đang là yếu tố làm méo mó thị trường. Quá trình xử lý nợ xấu kéo dài và chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn cao... Những rủi ro này là bao trùm, cho dù kinh tế vĩ mô liên tục được giữ vững và môi trường kinh doanh có sự cải thiện gần đây.

Đồng quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng tái cơ cấu kinh tế về bản chất là thay đổi thể chế, cơ chế, công cụ phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia, nhất là vốn đầu tư nhằm hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, hiệu quả hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, cần phân bổ lại nguồn lực nhưng không phải là nhà nước mà phải do thị trường phân bổ. Khi các yếu tố phụ thuộc nhà nước ít đi, thị trường tăng lên thì nguồn lực sẽ được phân bổ đúng hơn, theo đó chất lượng và hiệu quả sẽ tăng lên.

Ông Nguyễn Tú Anh nhắc lại trong thời kỳ đầu phát triển, khi nguồn lực còn khan hiếm, lao động dư thừa, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đã rất hiệu quả, tốc độ tăng trưởng cao liên tục, đời sống người dân nhanh chóng được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh. Tuy nhiên, để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao, vốn đầu tư ngày càng phải lớn hơn.

Chi phí đầu tư lớn trong bối cảnh dòng vốn liên tục được bơm vào nền kinh tế làm cho hiệu quả đầu tư sản xuất thực giảm, lợi nhuận trong khu vực tài chính và đầu cơ tăng lên.

Kết quả là các nguồn lực khan hiếm như vốn, đất đai, nhân lực có kỹ năng đều bị hút vào khu vực tài chính, các hoạt động đầu cơ và hoạt động thương mại. Khu vực sản xuất thực ngày càng thu hẹp và phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Xuân Bá cho rằng muốn tái cơ cấu kinh tế thành công cũng cần phải trả giá, chấp nhận tăng tưởng thấp chỉ 4-5% trong ngắn hạn để có tăng trưởng cao 8-10% trong trung hạn.

Để đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đề xuất, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh; hình thành và phát triển đồng bộ thể chế kinh tế thị trường hiện đại, thiết lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch với chi phí, mức độ rủi ro thấp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

>Vị trí của tầng lớp DN trong kinh tế thị trường

>Kinh tế thế giới: Chưa dừng các biện pháp kích cầu

>Thoát khỏi suy giảm, nhưng kinh tế phải tăng trưởng cao hơn

>Kinh tế có bị “bốc thuốc quá liều”?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam sẽ “trật đường ray phát triển" nếu chậm trễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO