ÔngTrump đang phải đối mặt với bài thử thách đầy khó khăn, khi 3 cuộc khủng hoảng 'có một' ập đến cùng lúc là khủng hoảng y tế cộng đồng lớn nhất thế kỷ, suy thoái kinh tế tồi tệ nhất 10 năm và tình trạng bất ổn dân sự nghiêm trọng nhất từ năm 1960. |
Hơn 40 triệu người thất nghiệp
Trước tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong toả kéo theo để 'dập dịch', nền kinh tế Mỹ vừa trải qua chuỗi ngày được xem là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái 1930. Đến cuối tháng 5/2020, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số người lao động mất việc, chí ít là tạm thời, đã vượt hơn 42 triệu.
Kết thúc ngày 30/5/2020, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần tiếp tục vượt dự báo, song đã giảm 249.000 người nếu so với tuần trước đó, đồng nghĩa, tốc độ sa thải đang chậm lại. Dù vậy, theo Jared Bernstein - chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm Ngân sách và Các ưu tiên chính sách, con số vừa nêu cùng các dữ liệu khác không phải là tín hiệu cho thấy thị trường việc làm đang cải thiện, mà chỉ cho thấy tốc độ xấu đi chậm hơn.
Vị chuyên gia cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp thực tế tại Mỹ có thể lên tới 20% hoặc hơn, gấp đôi mức cao nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái, dù con số được chính phủ công bố vào tháng 4 là 14,7%. Đồng quan điểm với Bernstein, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cho rằng, thống kê của Bộ Lao động Mỹ nhiều khả năng chưa phản ánh hết tình hình hiện tại và "điều tồi tệ nhất đối với thị trường việc làm nhiều khả năng vẫn chưa đến".
Link bài viết
Kinh tế suy thoái
Về mặt vĩ mô, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) hôm 8/6 cho biết, nền kinh tế số 1 thế giới đã rơi vào suy thoái kể từ tháng 2/2020. "Mức độ suy giảm chưa từng có tiền lệ trong lao động và sản xuất, cùng tác động rộng khắp của nó trên toàn nền kinh tế cho thấy giai đoạn này chính là suy thoái, dù có vẻ nó sẽ ngắn hơn các đợt suy thoái trước", báo cáo từ NBER viết.
Theo cơ quan này, Covid-19 đã chấm dứt chuỗi ngày tăng trưởng dài kỷ lục của Mỹ, vốn bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Và, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, GDP quý II/2020 của Mỹ sẽ giảm tới 40% so với năm ngoái. "Nền kinh tế đã co lại rất nhanh trong tháng 3", NBER nói. Đến hết quý I/2020, cả GDP lẫn số liệu việc làm đều "thấp hơn đáng kể" so với quý IV/2019.
Được biết, đại dịch đã khiến hàng loạt doanh nghiệp Mỹ phải đóng cửa, làm ngưng trệ, và kéo lùi hầu hết hoạt động kinh tế, từ hàng không, du thuyền đến nhà hàng, buổi diễn Broadway, cũng như khiến xuất, nhập khẩu giảm kỷ lục. Theo Bộ Thương mại Mỹ, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong tháng 4/2020 giảm hơn 20% so với tháng 3, xuống còn 151,3 tỷ USD - mức thấp nhất trong 10 năm; trong khi nhập khẩu giảm 13,7%, xuống 200,7 tỷ USD.
Trước tình trạng này, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo, trong giai đoạn 2020-2030, tổng giá trị GDP (danh nghĩa) của Mỹ sẽ ít hơn khoảng 15.700 tỷ USD, tương đương mức sụt giảm 5,3% so với con số được chính cơ quan này đưa ra hồi tháng 1/2020 - thời điểm Covid-19 chưa bùng phát.
Đại dịch Covid-19 đã chấm dứt chuỗi ngày tăng trưởng dài kỷ lục của Mỹ, vốn bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. |
CBO cũng cho biết, triển vọng GDP thực trong cùng kỳ sẽ giảm khoảng 7.900 tỷ USD, tương đương mức giảm 3% so với trước khi đại dịch bùng phát. Đồng thời, GDP của nền kinh tế số 1 thế giới nhiều khả năng phải đến quý IV/2029, tức gần 10 năm, mới có thể trở lại mức dự báo đã được CBO công bố trước đó.
Dịch bệnh và bạo loạn hoành hành
Đã hai tuần từ khi cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc đầu tiên nổ ra sau cái chết của George Floyd, hàng nghìn người dân vẫn tập trung tuần hành tại hơn 150 thành phố tại Mỹ. Nhận được sự ủng hộ từ vô số cá nhân thuộc đủ mọi tầng lớp, các cuộc biểu tình đã dần được nâng lên thành đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, với quy mô và mức độ chưa từng thấy kể từ năm 1960.
Và, khi ký ức về những cái chết thương tâm, bất công của người da màu được khơi dậy, các cuộc biểu tình dường như sẽ khó có thể chấm dứt ngay. Theo các nhà hoạt động cùng học giả nghiên cứu về các cuộc biểu tình liên quan đến tình trạng bạo lực của cảnh sát, xả súng trường học, nữ quyền hay nhập cư, cơn thịnh nộ lan rộng trong lòng người dân Mỹ vì bất bình đẳng kinh tế và chủng tộc - vấn đề vốn đã âm ỉ lâu nay, kết hợp với sự thất bại của chính quyền khi xử lý Covid-19, đã giúp phong trào hiện tại 'cháy' mạnh hơn và lâu hơn.
Khắp các con đường và quảng trường đều tràn ngập những người chấp nhận hoãn kế hoạch của bản thân, bớt thời gian làm việc, hoặc thuê người trông trẻ để đi biểu tình. Nhiều trong số họ cho biết, mọi kế hoạch của họ đã đổ vỡ sau khi nền kinh tế lao dốc vì đại dịch. Với hơn 40 triệu lao động mất việc và hàng loạt sinh viên nghỉ học, họ giờ đây không có gì ngoài thời gian.
Bất bình đẳng kinh tế và chủng tộc - vấn đề vốn đã âm ỉ lâu nay, kết hợp với sự thất bại của chính quyền khi xử lý Covid-19, đã giúp làn sóng biểu tình hiện tại 'cháy' mạnh hơn và lâu hơn. |
Thế nhưng, điều đáng sợ hơn cả là tình trạng lây nhiễm Covid-19 tăng đột biến khi ngày càng nhiều người xuống đường tuần hành. Theo một nghiên cứu công bố hôm 8/6 từ nhóm chuyên gia thuộc Đại học California, 22 bang của Mỹ đang chứng kiến số ca nhiễm mới Covid-19 tăng lên, trong khi 20 bang ghi nhận số ca nhiễm mới giảm đi gần đây và 8 bang không có nhiều biến động. Cập nhật đến sáng 10/6, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ và tử vong lần lượt là 2.045.549 và 114.148 trường hợp.
Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ Robert Redfield nói: "Không may thay, tôi cho rằng các cuộc biểu tình có khả năng là những sự kiện phát tán virus, nhất là tại các khu vực thành thị có tỷ lệ lây nhiễm cao".
Ông Trump có còn cơ hội?
Trước những diễn biến nói trên, có thể thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang trải qua những ngày khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông kể từ khi đắc cử năm 2016. Hãng tin Reuters nhận định, ông chủ Nhà Trắng đang phải đối mặt với một bài thử thách đầy khó khăn, khi 3 cuộc khủng hoảng 'chưa từng có tiền lệ' ập đến cùng lúc là khủng hoảng y tế cộng đồng lớn nhất thế kỷ, suy thoái kinh tế tồi tệ nhất 10 năm và tình trạng bất ổn dân sự nghiêm trọng nhất từ năm 1960.
Việc kêu gọi phản ứng cứng rắn với làn sóng biểu tình đã khiến ông Trump nhận về nhiều lời chỉ trích từ các nhà vận động dân quyền, lãnh đạo tôn giáo, phe Dân chủ và cả một số thành viên đảng Cộng hoà, trong đó có cựu tổng thống George W. Bush. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn hơn cả đối với Tổng thống Mỹ có lẽ nằm ở việc phần lớn cuộc thăm dò vào lúc này đều cho thấy tỷ lệ ủng hộ người đứng đầu Nhà Trắng sụt giảm, khi số người chết vì Covid-19 và thất nghiệp vẫn chưa có vẻ gì là sẽ dừng lại.
Link bài viết
Một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters/Ipsos trong tuần này cho thấy, đa số người Mỹ, gồm cả người theo Đảng Cộng hoà và Dân chủ, đều đồng cảm với làn sóng biểu tình, và không tán thành phản ứng có phần 'hiếu chiến' của ông Trump.
Hơn 55% người Mỹ được hỏi cho biết họ không tán thành cách Trump xử lý biểu tình, với 40% "cực kỳ không tán thành"; trong khi chỉ 1/3 số người được hỏi hài lòng - thấp hơn tỷ lệ tín nhiệm Trump làm Tổng thống là 39%.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò khác của Reuters cho thấy tỷ lệ ủng hộ trong số những cử tri đã đăng ký của ông Joe Biden đã vượt ông Trump 10% - mức chênh lệch lớn nhất kể từ khi cựu phó tổng thống trở thành ứng viên của Đảng Dân chủ. Dù vậy, vẫn còn 5 tháng nữa mới tới bầu cử, và thời gian để những tỷ lệ này thay đối không phải là không có.
Những người ủng hộ cho rằng, khả năng giành chiến thắng của ông Trump vẫn giữ nguyên, đặc biệt là nếu tình hình kinh tế cho thấy dấu hiệu hồi phục. "Tôi vẫn nghĩ ông ấy sẽ được bầu lại, mặc dù tôi biết các thăm dò đang như thế nào", Craig Robinson - cựu Giám đốc chính trị của Đảng Cộng hoà tại Iowa, nhận định.
Đồng thời, phe Cộng hoà cho rằng, nếu làn sóng bạo động tiếp tục diễn ra và trở nên bạo lực hơn, ông Trump hoàn toàn lợi dụng nó để xoay chuyển tình thế, căn cứ trên việc các cử tri có thể sẽ chuyển sang đồng tình với cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Mỹ.