Hiện tại ở Việt Nam, mặc dù cả chính quyền và DN đều đang nỗ lực trên con đường chuyển đổi số, song dường như cả hai bên chưa thể "nói cùng một ngôn ngữ".
Tại hội thảo "Nền tảng số trong mối quan hệ chính quyền - doanh nghiệp - Điều kiện để kinh tế bứt phá” do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số Quốc gia, các DN chia sẻ nhiều vấn đề và đưa ra những đề nghị để thúc đẩy mối quan hệ giữa chính quyền và DN trong công cuộc chuyển đổi số.
Cốt lõi của nền kinh tế số là quá trình chuyển đổi tư duy
Trong quá trình Việt Nam chuyển giao nền kinh tế số, phần công nghệ lại không phải là phần đáng lo ngại nhất vì cốt lõi của quá trình này chính là quá trình chuyển đổi tư duy. Trong quá trình đó, sự tương tác giữa chính quyền và DN đóng vai trò thiết yếu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh chóng.
Thế nhưng, nhìn vào thực tế, ông Albert Antoine - Giám đốc Điều hành Avaiga nhận định rằng, chính quyền và DN Việt Nam chưa có nhiều sự tương tác và khớp nhịp với nhau. Nhìn ra thế giới, mỗi quốc gia đều có những định hướng riêng để phát triển con đường số hóa nền kinh tế đất nước.
Như trong bối cảnh Covid-19, thách thức của chính phủ Singapore là phân phát 15 triệu bộ test Covid-19 trong vòng 3 ngày. Việc tưởng chừng như không thể, thế nhưng nhờ vào những hệ thống đã liên kết sẵn chính phủ với các bưu điện, DN ở bên ngoài, khi người dân cần gấp, chính phủ chỉ cần gửi thông tin số lượng bộ test Covid-19 vào hệ thống ứng dụng công nghệ, các DN sẽ lập tức nắm bắt thông tin và sản xuất, cung ứng kịp thời.
Ông Albert Antoine cho rằng, điểm đáng học hỏi của chính phủ Singapore là luôn tạo cơ hội để trò chuyện, lắng nghe ý kiến từ người dân, DN. Ông cho biết, những bộ trưởng Singapore thường tổ chức các buổi gặp gỡ DN để bàn luận về những vấn đề khó khăn đang xảy ra trong quốc gia, các chủ DN sẽ đưa ra những ý tưởng, góp ý để giải quyết vấn đề. Sau cùng, những ý tưởng được lựa chọn thực thi sẽ được áp dụng. Định kỳ mỗi tuần, phía chính phủ sẽ gửi email về cho chủ DN để họ biết được ý tưởng của mình được áp dụng ra sao, tiến độ như thế nào.
Ông Lê Trí Thông kể câu chuyện về Malaysia. Năm 1996, Malaysia đã có tầm nhìn rất xa - họ muốn bắt đầu nền kinh tế tri thức và nền kinh tế số hóa, lúc đó các nước Thái Lan, Việt Nam vẫn chưa có được tầm nhìn xa như vậy, nhưng cuối cùng Malaysia đã không hiện thực hóa được giấc mơ chuyển đổi số tại thời điểm đó bởi quá trình thực hiện khó khăn, đặc biệt là với công nghệ chưa phát triển, sự kết nối giữa chính quyền và DN còn chưa gắn kết bởi các nền tảng số.
Trong khi đó, nhìn lại câu chuyện của Singapore, ta thấy được sự hợp lực giữa "tay chèo" và "tay lái" - chính quyền là người cầm tay lái cho hành trình DN đi, còn người cầm chèo là DN, nếu chính quyền vừa lái lại vừa tự chèo, đất nước sẽ quay lại mô hình trước đây. Thực tế chứng minh việc chính quyền đảm nhiệm cả hai công việc vừa cầm lái vừa chèo đã không giúp đất nước đạt được hiệu quả kinh tế như mong muốn.
Không những thế, ở Việt Nam tình trạng "người cầm lái đi hướng A, người chèo thì lại nhắm hướng B" vẫn đang diễn ra, hoặc có thể người cầm lái cũng đang hoang mang và chưa biết phải làm như thế nào. "Người lái phải là người giữ nhịp để bảo đảm tất cả những người chèo phải chèo cùng nhịp. Tất cả mọi người cùng ra sức chèo nhưng không cùng một nhịp thì thuyền sẽ không đi nhanh được, cho dù lúc đó công sức mình đổ vào rất nhiều và thậm chí là về lâu dài, khi nỗ lực càng nhiều mà không đồng nhất với nhau còn kéo chúng ta lùi lại", ông Thông chia sẻ.
Văn hóa chuyển đổi số mới là điều quan trọng, đó là sự tương tác và chia sẻ
Ông Albert Antoine cũng cho rằng, chuyển đổi số không phải chỉ là việc đi mua một phần mềm về để sử dụng. "Văn hóa chuyển đổi số mới là điều quan trọng. Chuyển đổi số cần sự tương tác và chia sẻ, nếu không hợp tác và không chia sẻ dữ liệu thì chúng ta sẽ trở nên rời rạc, khó mà thành công", ông nhấn mạnh.
Ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Phó chủ tịch YBA cho biết, hiện các nền tảng số của PNJ đang sử dụng dữ liệu và liên kết với những nền tảng số từ chính quyền, liên quan tới việc cung cấp thông tin, sử dụng những dịch vụ về thuế, dịch vụ công. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng những dịch vụ trên, ông nhận ra giữa những nền tảng số bên trong PNJ với những nền tảng dịch vụ công vẫn thiếu tính kết nối và sự tương tác qua lại với nhau. Ông Thông nhấn mạnh: "Điều quan trọng là sự liên kết từ hai phía, đặc biệt là các bên phải đồng bộ công nghệ với nhau".
Ở góc độ khác, ông Albert Antoine khẳng định nếu muốn phát triển những dự án số hóa hay những dự án lớn tầm cỡ quốc gia thì chính quyền cần phải nhìn xa hơn, không chỉ về mặt kỹ thuật. Ví dụ để thành lập những trung tâm công nghệ, chính quyền phải lôi kéo được các công ty IT nằm rải rác khắp nơi về chung một khu. Cần phải có những chính sách về đất đai, mua bán, thậm chí là thành lập các dịch vụ giao thông công cộng... làm sao để tạo được sự thuận lợi cho các DN kết nối.
"Cách đây khoảng 20 năm, Trung tâm Phần mềm Quang Trung khi đó còn xa thành phố. Để thu hút kỹ sư lên làm việc, công ty đó đã tặng cho mỗi người một chiếc xe gắn máy để khuyến khích họ đi từ Sài Gòn về quận 12 làm việc", ông Albert kể lại.
Bên cạnh đó, ông Albert Antoine khuyến khích các DN vừa và nhỏ, kể cả DN lớn, nên bắt đầu bằng những dự án nhỏ, có thể là từ 30.000 USD trở lại. Ông cho rằng, nếu bắt đầu từ những dự án nhỏ và ngắn hạn trước thì DN có thể "thử nghiệm" để hiểu được mình có thể đi xa cỡ nào. "Hiện giờ, DN không thể cứ e ngại hay trì hoãn việc chuyển đổi số thêm nữa, vì thế giới đang thay đổi rất nhanh và sự trì hoãn đó sẽ làm cho chúng ta tụt hậu", ông Albert tư vấn.
Kết thúc tọa đàm, các DN mong muốn chính quyền cần tập trung "cầm lái", còn phần "chèo" nên trao cho DN đảm nhiệm. DN cũng mong rằng, chính quyền sẽ tạo điều kiện cởi mở hành lang pháp lý, đưa ra những chỉ đạo, thông tư cụ thể, cho thử nghiệm các sản phẩm mới... để DN có điều kiện phát triển hết tiềm năng của mình, tạo nên một tinh thần chung của toàn bộ nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi số.
Trong quá trình đó, chính quyền đóng vai trò là đơn vị tổ chức, đưa ra định hướng và cũng làm gương để DN có thể kết nối, tương tác hiệu quả, giải quyết được gốc rễ của mọi trở ngại, góp phần thúc đẩy nhanh hơn hành trình chuyển đổi số của đất nước.