Việt Nam đã duy trì tốt sự ổn định kinh tế - xã hội và vì vậy đã đạt được các thành tựu trong tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam có khả năng sẽ sớm trở thành một quốc gia năng động, đa dạng, có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, trong quá trình hiện đại hóa kinh tế, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều thách thức, bắt nguồn từ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, biến động kinh tế vĩ mô, thương mại phụ thuộc vào biến động trên thị trường quốc tế.
Nền kinh tế thị trường, mô hình mà Hàn Quốc áp dụng những năm 1960-1970, không phải là mô hình về kinh tế thị trường tự do như Hoa Kỳ hay một số nước phương Tây.
Nền kinh tế của Hàn Quốc dựa trên ba cột trụ chính trị, kinh tế, xã hội kết hợp chặt chẽ với nhau, cột trụ này bổ sung cho cột trụ kia.
Hàn Quốc đã thay đổi hoàn toàn đến năm 2005, trở thành quốc gia dân chủ về cả mặt chính trị và xã hội, thậm chí ở thời điểm nào đó còn là quốc gia dân chủ hơn cả Mỹ, bởi quyền tự do ngôn luận ở hầu hết mọi lĩnh vực.
Trong tiến trình đó, Hàn Quốc đã thành công trong việc thúc đẩy các tập đoàn thành các tập đoàn lớn bằng các chính sách, định hướng của chính phủ trong những năm 1980 - 1990.
Chính phủ Hàn Quốc hiện quan tâm nhiều hơn đến việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, cung cấp nhiều hơn cơ hội làm ăn cho khối DN này.
Trong nghiên cứu mới nhất về tái cơ cấu kinh tế Việt Nam, trọng tâm là cải cách thể chế, ông Raymond Mallon, cố vấn cao cấp dự án Tái cấu trúc nâng cao năng lực cạnh tranh (RCV) khuyến nghị: Với nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần xây dựng một xã hội cạnh tranh, đảm bảo mọi người có cơ hội được cạnh tranh công bằng. Hệ thống chính trị phải có trách nhiệm giải trình. Đây luôn là điều kiện tiên quyết, Việt Nam phải đảm bảo được rằng đó là một khía cạnh trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Cuối cùng để sự chuyển đổi đời sống nông thôn sang thành thị không xảy ra phân cấp giàu-nghèo như Ấn Độ, Philippines, Việt Nam phải có một cơ chế cho 5-10 năm tới, đảm bảo việc giáo dục, đào tạo nghề được thúc đẩy hơn nữa mà không làm tăng những chi phí xã hội. |
Chính phủ Hàn Quốc bây giờ là cơ quan điều phối nhiều hơn, điều này rất khác so với vai trò của chính phủ những năm 1960 - 1970.
Đơn cử việc sử dụng những công cụ lập quy hoạch, kế hoạch. Những năm 1960 - 1970 và 1980, công cụ lập kế hoạch của Hàn Quốc gọi là các chỉ tiêu về con số.
Nhưng gần đây, Hàn Quốc không đi theo cách này nữa, những công cụ lập kế hoạch hiện nay được đưa ra dựa trên sự xây dựng những đồng thuận chung của tất cả các bên liên quan.
Một yếu tố nữa liên quan đến chính phủ là cơ chế phản hồi. Hàn Quốc đã xây dựng quy hoạch vùng và cố gắng tận dụng được lợi thế của cụm công nghiệp hay là nền kinh tế phát triển theo các nhóm.
Điều này rất quan trọng với Hàn Quốc trong những năm 1980 và 1990, tạo thuận lợi cho DN kiếm được rất nhiều tiền từ các hoạt động ở nước ngoài.
Khi đó, nếu một công ty có 10 vị trí sản xuất công nghiệp, họ biết phải xây dựng địa điểm sản xuất ở đâu để tiết kiệm chi phí.
Việc chính phủ làm là xây dựng các cụm công nghiệp giúp DN có thể xác định được địa điểm của mình ở đó để giảm thiểu chi phí sản xuất, hiệu quả hơn về mặt lợi nhuận.
Qua đó, DN có thể sản xuất nhiều hơn, bán hàng với giá cao hơn, kiếm được lợi nhuận nhiều hơn và đây là quy trình phản hồi hiệu quả.
Quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam diễn ra từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước nhưng chưa phải là nền kinh tế thị trường tự do.
Một số tập đoàn đã có đóng góp cho nền kinh tế và trở thành những tập đoàn lớn, nhưng các DN nhỏ và vừa cũng bị thiệt hại bởi sự lớn mạnh này.
Những năm gần đây, xét về việc tạo ra công ăn việc làm của các tập đoàn này chỉ chiếm 9 - 10%. Chính phủ Việt Nam cũng đã thay đổi quan điểm đối với các tập đoàn này.
Cộng đồng quốc tế đang ngày càng trở nên gần gũi với nhau hơn và một trong những vấn đề DN nói đến nhiều là chuẩn mực toàn cầu.
Đây là những vấn đề phải lưu ý đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay và Việt Nam phải dịch chuyển theo hướng đó để đẩy mạnh hơn nữa tiến bộ kinh tế.
Việt Nam cần chuẩn bị từ sớm cho quá trình hiện đại hóa, với trọng tâm là xác định một tầm nhìn giúp huy động tích cực các nguồn lực con người nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế, như "biến Việt Nam thành một nền kinh tế có sức cạnh tranh toàn cầu".