Xuất khẩu trực tuyến: Cách nào để doanh nghiệp tận dụng cơ hội

Hồng Nga| 14/07/2022 04:40

Xuất khẩu hàng hóa thông qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, đặc biệt là rất nhỏ của Việt Nam đưa hàng Việt ra thế giới.

Xuất khẩu trực tuyến: Cách nào để doanh nghiệp tận dụng cơ hội

Xuất khẩu trực tuyến sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới

Cơ hội cao...

Trong khi nhiều ngành kinh tế khác gặp khó khăn do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, xuất khẩu và kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam lại có những điểm sáng và tăng trưởng ấn tượng.

Theo báo cáo về xu hướng xuất khẩu thông qua TMĐT tại Việt Nam do Amazon vừa công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (3,3 tỷ USD) trong năm 2021 và dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026. Trong đó, hơn 64% doanh số do các DN rất nhỏ, nhỏ và vừa tạo ra. Số lượng DN vừa và nhỏ trong nước xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường quốc tế thông qua Amazon cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo này nhận định, TMĐT B2C sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới. 

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT, Bộ Công Thương cho rằng, với doanh thu TMĐT theo mô hình B2C toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, đặc biệt thị trường TMĐT của các quốc gia là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia châu Âu ngày càng tăng sẽ mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam. 

Việc tận dụng được thị trường TMĐT sẽ giúp các DN Việt thâm nhập vào những thị trường vốn có nhiều rào cản. Hình thức này cũng đồng thời giúp DN giảm chi phí vận hành, nhanh chóng đưa sản phẩm đến người dùng cuối.

“Chắc chắn TMĐT xuyên biên giới sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho nông sản và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội cho DN xuất khẩu mà còn của các DN nhỏ, DN địa phương, hợp tác xã…”, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh.

-2208-1657767038.jpg

Nhiều cơ hội xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp Việt nhờ dịch vụ chuyển phát nhanh

Cũng đánh giá cao cơ hội xuất khẩu trực tuyến của các DN nhỏ và vừa Việt Nam thông qua các sàn TMĐT, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, cùng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các DN thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

... nhưng còn thiếu nhiều kỹ năng

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhận định, bên cạnh cơ hội tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào xuất khẩu trực tuyến, vẫn còn những bất cập đối với DN Việt Nam như thiếu thông tin, chưa có sự chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng, xây dựng định hướng kinh doanh, bảo vệ thương hiệu… khi đưa hàng hóa lên sàn TMĐT xuyên biên giới. 

Ở góc độ của một DN chuyên giao nhận hàng hóa xuyên biên giới, ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express cũng đồng tình rằng: Cơ hội cho các DN có nhiều nhưng để đón đầu được cơ hội này không phải là vấn đề đơn giản, đặc biệt là DN nhỏ và vừa của Việt Nam. 

Thị trường nước ngoài vẫn ẩn chứa nhiều thử thách đối với các DN vừa và nhỏ, các tổ chức, gia đình, cá nhân. Thách thức lớn nhất là rào cản về ngôn ngữ, văn hóa. Việc thâm nhập vào thị trường mới đòi hỏi người kinh doanh phải tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của dân địa phương để có sản phẩm phù hợp. 

Trở ngại thứ hai là chi phí bán hàng, chi phí vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa, thời gian vận chuyển hay thủ tục pháp lý phức tạp. Thêm vào đó, năng lực vận chuyển cũng là một bài toán khó với các DN bán lẻ muốn phát triển ra thị trường nước ngoài. Những câu hỏi thường trực đối với các DN là: quy trình đóng gói cho đúng tiêu chuẩn của từng loại hàng hóa, phương thức theo dõi và bảo đảm hàng hóa tới tay người nhận an toàn…

-9633-1657767038.jpg

Muốn xuất khẩu trực tuyến, doanh nghiệp cần có các đơn vị trung gian giúp tìm hiểu thị trường, thủ tục và đặc điểm của từng loại hàng hoá, tư vấn cách bán hàng và quảng bá sản phẩm

Cũng theo ông Phan Bình, các quốc gia trên thế giới đều có tiêu chuẩn riêng cho việc đóng gói bao bì sản phẩm. “Các DN phải nghiên cứu cách đóng gói sản phẩm phù hợp với dân địa phương ở từng quốc gia… Và khi hàng mẫu đã được chấp nhận rồi, những đơn hàng lớn hơn sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Vì thế, để chinh phục khách hàng quốc tế, các DN trong nước cần được hỗ trợ và đầu tư đội ngũ chuyên nghiệp cố vấn những vấn đề này”, ông Phan Bình khẳng định. 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam đúc kết: "Để giúp hàng Việt “xuất ngoại”, chúng ta cần sự hợp tác đồng bộ giữa các bên, từ cơ quản quản lý nhà nước, các DN vận chuyển và cả nhà sản xuất. Nhưng quan trọng là cần có các đơn vị trung gian giúp tìm hiểu thị trường, thủ tục và đặc điểm của từng loại hàng hoá, tư vấn cách bán hàng và quảng bá sản phẩm". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu trực tuyến: Cách nào để doanh nghiệp tận dụng cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO