Xuất khẩu sang ASEAN: Vì sao giảm?

DUY KHUÊ| 10/09/2014 00:30

Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào... là những thị trường mà kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng giảm. Liệu đây có phải dấu hiệu cho thấy hàng Việt Nam bị thu hẹp tại các thị trường này?

Xuất khẩu sang ASEAN: Vì sao giảm?

Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào... là những thị trường mà kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng giảm. Liệu đây có phải dấu hiệu cho thấy hàng Việt Nam bị thu hẹp tại các thị trường này?

Đọc E-paper

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Malaysia trên 2,3 tỷ USD, giảm 17,92% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài dầu thô, máy vi tính, điện thoại, linh kiện điện tử giảm 59,87%, cao su giảm 40,77%, gạo giảm 38,93% và sắt thép dù giảm với lượng nhỏ khoảng 7% nhưng cũng có mức giảm đáng kể tại thị trường này.

Một số mặt hàng của Việt Nam ở thị trường Singapore, Campuchia, Lào cũng đang rơi vào hoàn cảnh giống thị trường Malaysia. Điển hình, xuất khẩu gạo vào thị trường Singapore giảm 45,87% về lượng (tương đương giảm 103.823 tấn) và 42,7% về giá trị (tương đương 43,2 triệu USD)...

> VN xếp thứ hai ASEAN về thu hút vốn FDI

> ASEAN - Thành công đang bị trì hoãn

> Sân chơi lúa gạo ASEAN: Ba sai lầm của VN

> Xuất khẩu hàng FOB: Đừng ngại khó

> Xuất khẩu nông sản VN: Chưa xứng với tiềm năng

> Châu Á: Mô hình động lực xuất khẩu phá sản?

Đây là những con số đáng lo ngại về khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt cận kề thời điểm hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Nếu không trụ vững được tại thị trường các nước láng giềng, hàng Việt Nam cũng có nguy cơ sẽ giảm ở thị trường nội địa.

Phân tích về vấn đề này, nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp (DN) đầu ngành cho rằng, ngoài chất lượng sản phẩm, giá bán cũng được xem là nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm ở các thị trường trên. Song để đưa ra nhận định hàng Việt có bị "hẹp đất" ở các thị trường này hay không thì còn phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố.

Dù không bị ảnh hưởng khi xuất khẩu phôi thép vào thị trường Malaysia, nhưng khi đề cập vấn đề hàng hóa Việt Nam xuất khẩu giảm tại một số thị trường trong khu vực ASEAN, trong đó có Malaysia, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM - SX Thép Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thành viên Hiệp hội Thép ASEAN, cho rằng, các nước trong khu vực không căn cứ vào GDP để đánh giá sự phát triển kinh tế của xã hội như Việt Nam, trái lại căn cứ trên tỷ lệ người thất nghiệp.

Vì thế, khi có sự gia tăng nhập khẩu bất thường đối với một loại hàng hóa nào đó thì họ phải có những chính sách, rào cản để hạn chế việc bán phá giá, giảm ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. "Vấn đề này không chỉ có ở Malaysia, mà ở Indonesia hay Thái Lan cũng vậy, bảo vệ doanh nghiệp trong nước là điều tất nhiên họ phải làm", ông Thái chia sẻ.

Trái với việc chống bán phá giá như ở Malaysia, hàng hóa Việt Nam tại thị trường Campuchia lại đang đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp từ hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và cả hàng nội địa của Campuchia...

Tại các khu trung tâm thương mại ở thủ đô Phnom Penh như: Aeon, Lucky market..., hàng hóa Việt Nam rất hạn chế ở đây, dù Campuchia được đánh giá là thị trường tiềm năng để hàng hóa Việt phát triển.

Năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 13,5 tỷ USD trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới đạt 95 tỷ USD. Năm 2012 là 13,7 tỷ USD/ 108,9 tỷ USD. Năm 2013 là 18,4 tỷ USD/tổng 132,2 tỷ USD.

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều DN Việt cho biết đang vướng về giá điện, thuế, cũng như thị hiếu người tiêu dùng Campuchia đang có chiều hướng thay đổi. Chẳng hạn, theo đại diện của Công ty CP Cầu Tre, DN này đang gặp sự cạnh tranh không bình đẳng do việc quản lý thuế của nước bạn còn lỏng lẻo.

Còn theo ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ABC Barkery, ABC đang gặp khó trong vấn đề nguyên liệu vì không được nhập khẩu trực tiếp mà phải qua DN trung gian, trong khi bánh kẹo của ABC luôn đòi hỏi phải có nguyên liệu đạt chuẩn, điều này gây lãng phí nhiều chi phí đầu tư.

Tại hội thảo Xúc tiến Đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), một đại diện Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia cho rằng, Campuchia là thị trường mở, nhưng bên cạnh chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh thì DN Việt Nam cần có sự đầu tư bài bản để liên tục làm mới bao bì, mẫu mã đồng thời tổ chức các chương trình quảng bá thương hiệu ngày càng tốt hơn.

Bước sang năm 2015, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được thông qua và AEC có hiệu lực sẽ tạo ra cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao tầm vóc và năng lực cạnh tranh ở tầm khu vực và toàn cầu.

Trước thềm AEC, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN 6 là 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Tuy nhiên, theo đại diện của ITPC, đón chờ những hiệp định thương mại, doanh nghiệp vừa hy vọng có thêm cơ hội thâm nhập nhiều thị trường, vừa lo ngày càng có nhiều rào cản kỹ thuật áp đặt từ các nhà nhập khẩu.

Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN còn gặp không ít khó khăn, hạn chế bởi việc áp dụng các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), hay nhóm các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) và danh mục nhạy cảm của các nước. Do đó, doanh nghiệp cần được cung cấp thông tin nhiều hơn, rõ ràng và kịp thời hơn về những hàng rào kỹ thuật để không bỏ lỡ cơ hội.

Theo phân tích của Bộ Công Thương, sự ra đời của AEC đánh dấu sự hình thành một thị trường thống nhất của 10 quốc gia ASEAN. Để có thể tận dụng tiềm năng và khai thác thị trường ASEAN hiệu quả, trước hết, các doanh nghiệp cần thay đổi tầm nhìn, tư duy kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ sẽ phải thỏa mãn được nhu cầu của nhiều người tiêu dùng trong khu vực và trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng từ AEC để thúc đẩy khả năng, tăng quy mô, không chỉ đối với khối thị trường ASEAN mà còn với các thị trường khác, nhất là các thị trường ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu sang ASEAN: Vì sao giảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO