Xuất khẩu gạo đang “gặp khó”

Song Anh| 08/11/2019 06:00

Nguồn cung lúa hàng hóa đang bị thu hẹp, giá gạo xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ 12 năm gần đây, có thể sẽ thấp hơn nữa khi các nước nâng chuẩn chất lượng trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực.

Xuất khẩu gạo đang “gặp khó”

Giá lúa và gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tháng 10 tăng nhẹ so với tháng 9 - một tin tốt cho doanh nghiệp ngành gạo và người trồng lúa. Đến nay, phần lớn diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL đã được thu hoạch và tiêu thụ hết, trong khi nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu và cung ứng cho thị trường nội địa những tháng cuối năm. Chẳng hạn, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 500đ/kg, từ 4.300đ/kg lên 4.800đ/kg, lúa OM4218 tăng 200đ/kg, lên mức 4.900đ/kg, trong khi gạo IR50404 ở mức 10.000đ/kg, gạo chất lượng cao ở mức 13.000đ/kg; gạo thơm jasmine 14.000đ/kg.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10 ước đạt 499.000 tấn với kim ngạch 228 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn, kim ngạch 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. 

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận, xuất khẩu gạo năm 2019 gặp khó khăn về thị trường. Các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh đều giảm nhập khẩu. 

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, như Thái Lan và Ấn Độ, thậm chí từ các nước mới tham gia xuất khẩu gạo là Campuchia và Myanmar. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đang giảm mạnh cả về số lượng và giá trị do Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại, đa dạng hóa nguồn gạo nhập khẩu, tăng nhập khẩu gạo từ Myanmar và Campuchia, đồng thời siết chặt các quy định về chất lượng và an toàn, cho phép xả kho gạo ở một vài thời điểm nhất định. Trong 8 tháng đầu năm 2019, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 65% về lượng, 67% giá trị. Hạn ngạch năm nay của Trung Quốc khoảng 5 triệu tấn, nhưng cũng có thể chỉ nhập khoảng 3,3 triệu tấn - theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2030 đặt mục tiêu giảm dần số lượng, tăng giá trị, chuyển dịch thị trường theo hướng bền vững. Theo đó, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% đến năm 2020 và 10% đến năm 2030 trong tổng lượng gạo xuất khẩu. Tỷ lệ xuất khẩu gạo trực tiếp phấn đấu đạt 20% trong năm 2020 và 50% đến năm 2030 trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn từ thực trạng hiện nay, ngành gạo nhiều khả năng không đạt mục tiêu ấy. 

Kinh tế thế giới suy giảm đang kéo nhu cầu tiêu thụ gạo giảm, đặt ra bài toàn khó cho các quốc gia xuất khẩu gạo như Việt Nam. Nhu cầu đối với gạo Ấn Độ cũng giảm mạnh, thậm chí có khách hàng trì hoãn mua bất chấp giá đang ở mức thấp nhất trong 4 tháng qua. Cạnh đó, nguồn cung bị thắt chặt khiến giá gạo Việt Nam đứng ở mức cao nhất trong hai tháng gần đây. Trong khi đó, nhu cầu mới gần như chưa xuất hiện đối với gạo Thái Lan. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ từ 369 - 373USD/tấn giảm trở lại mức 365 - 370USD/tấn. Gạo 5% tấm của Thái Lan từ 396 - 417USD/tấn giảm xuống 395 - 400USD/tấn (FOB Bangkok). Gạo 5% tấm của Việt Nam từ 330 - 340USD/tấn lên 350USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn). 

Dù vậy, cũng có một tin tốt từ thị trường Philippines tạo hứng khởi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương Philippines hồi tháng 10 đã thông báo không áp thuế nhập khẩu gạo bổ sung do thiếu thông tin, số liệu cụ thể đánh giá mức độ tác động của việc nhập khẩu gạo cũng như tính hiệu quả của biện pháp tăng thuế đối với sự phát triển của ngành gạo. Thông báo này được ban hành chỉ sau một tháng Bộ Nông nghiệp Philippines khởi xướng điều tra sơ bộ đối với gạo nhập khẩu. 

Đến nay Philippines vẫn chưa thể tự cung cấp lương thực, thậm chí, mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu gạo, đặc biệt là từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam được dự báo sẽ dần tăng lên. Mới đây, Chính phủ Philippines đã đưa ra dự báo về nhu cầu tiêu thụ gạo đến năm 2030 với mức tăng dần đều, cụ thể đạt 14,5 triệu tấn vào năm 2022 (tăng 4,3% so với năm 2019), 15,2 triệu tấn vào năm 2026 (tăng 9,4%) và 16 triệu tấn vào năm 2030 (tăng 15,1%). Đến nay, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,1% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1,89 triệu tấn, kim ngạch 773,8 triệu USD, gấp 2,9 lần về khối lượng và gấp 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Việt Nam cũng có thể tăng xuất khẩu gạo nếu Campuchia thúc đẩy xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) kỳ vọng năm 2019 có thể xuất được 300.000 tấn gạo, hướng đến xuất được 400.000 tấn vào năm sau. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp ngành gạo Campuchia cho rằng, sản lượng gạo khó có thể đáp ứng ngay được mục tiêu xuất khẩu. Hơn nữa, việc Campuchia tăng cường xuất khẩu gạo sang Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Campuchia. Xuất khẩu gạo của nước này sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2019, với 157.800 tấn, tăng 44% so với năm ngoái. Năm 2018, Campuchia chỉ xuất khẩu khoảng 170.000 tấn gạo trong 300.000 tấn được cho phép.

Gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng vẫn khó đi vào phân khúc chất lượng cao. Để thay đổi thực trạng này, theo ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cần phát triển cánh đồng lớn, liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, với mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng cho 1 triệu ha trồng lúa theo mô hình liên kết chuỗi giá trị cánh đồng lớn đã vượt quá khả năng của doanh nghiệp và nông dân. Ông kêu gọi Nhà nước tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gạo đang “gặp khó”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO