Xuất hàng sang Nga: Vẫn khó hiện thực hóa cơ hội

16/09/2014 07:35

Chính sách tăng cường NK hàng hóa từ Việt Nam vào Liên bang Nga đã mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa XK, đặc biệt là hàng nông, thủy sản..

Xuất hàng sang Nga: Vẫn khó hiện thực hóa cơ hội

Chính sách tăng cường nhập khẩu (NK) hàng hóa từ Việt Nam vào Liên bang Nga đã mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu (XK) cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là hàng nông, thủy sản khi các sản phẩm này mới chỉ chiếm thị phần nhỏ.

Nga là thị trường có nhiều tiềm năng, song theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện các DN đang rất thiếu thông tin, đặc biệt là thị hiếu tiêu dùng, chính sách thuế... của thị trường này. Do đó, cánh cửa XK gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ sang Nga vẫn chưa thực sự mở ra.

Cửa hẹp cho hàng vào

Do thiếu thông tin thị trường nên cánh cửa XK gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ sang Nga vẫn chưa thực sự mở ra với các doanh nghiệp Việt

"Nếu thâm nhập thành công vào thị trường này, kim ngạch XK gỗ Việt Nam có thể tăng lên từ 10 tỷ USD chứ không phải 6 - 7 tỷ USD như hiện nay. Song hiện vẫn còn thiếu những tổ chức, cơ quan làm đầu mối liên kết giữa DN hai nước để từ đó xây dựng chương trình xúc tiến thương mại. Hiện giá vận tải sản phẩm gỗ Việt Nam sang Nga có chi phí cao hơn, nên giá thành cũng cao hơn so với việc xuất sang các thị trường truyền thống. Ngoài ra, hiện DN Việt Nam quen thanh toán đồng USD, Euro, còn không biết với Nga chính sách thanh toán như thế nào nên đây là những rào cản lớn khiến DN ngại XK vào Nga", ông Quyền cho biết.

Cùng chung nỗi lo về cơ chế thanh toán, đại diện của Tổng công ty Rau quả, Nông sản Việt Nam cho biết, hiện phần lớn các nhà NK của Nga khi mua hàng đều yêu cầu trả chậm trong 60 ngày, nhưng lại không có cơ chế bảo lãnh nên DN XK gặp nhiều rủi ro trong thanh toán và không mặn mà để XK.

Trong khi đó, các DN NK của Nga còn chuyển đổi hình thức tiếp cận thị trường, thay vì hợp tác với DN lớn có uy tín, đã tìm kiếm đơn hàng từ các DN nhỏ để mua với giá rẻ, nên đã ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Cũng bởi, chất lượng sản phẩm của DN nhỏ không đảm bảo, lại không đủ năng lực đáp ứng các đơn hàng lớn của đối tác, nên với những yêu cầu chặt chẽ về kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm XK thường bị trả về và ảnh hưởng lớn đến thương hiệu chung.

Công ty XNK An Bình, chuyên XK gạo sang thị trường Nga, lại phàn nàn về vấn đề phí kiểm định khi XK sang Nga. Theo DN này, hiện chỉ có 1 công ty duy nhất được chỉ định để kiểm định các hàng hóa NK vào Nga, nên chi phí kiểm định rất cao, với mức phí gấp đến hơn 3 lần so với các đơn vị khác.

Với chi phí kiểm định cao như vậy, đại diện DN này tính toán, để XK sang Nga, phải mất phí tới hơn 500 USD/container, trong khi XK sang Nhật Bản hay một số nước khác, chi phí chỉ mất tầm 70 - 75 USD.

Cần sự kết hợp ba bên

Với hàng loạt các rào cản đang đặt ra, XK hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Nga đã giảm mạnh trong thời gian qua. Nếu như trước năm 2009, trong cơ cấu hàng hoá XK của Việt Nam sang thị trường này, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng khoảng trên 50 - 60%, thì từ năm 2012 đến nay, tỷ trọng của nhóm này chỉ còn 10%, cho dù kim ngạch XK của Việt Nam sang Nga liên tục tăng.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục XNK - Bộ Công Thương, nguyên nhân của tình trạng này là do sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, mẫu mã, bao bì, chất lượng, vận chuyển… với các quốc gia khác có nguồn cung sản phẩm tương tự tại thị trường Nga. Các rào cản phi thuế quan mà thị trường này đang áp dụng đã khiến cho hàng hóa của Việt Nam càng kém sức cạnh tranh.

Do đó, ông Nguyễn Bình Giang - Cục XNK cho rằng, để mở cánh cửa XK vào Nga, cần phải có sự vào cuộc từ cả chính phủ Nga, các bộ, ngành của Việt Nam và các DN.

Theo đó, Nga cần sớm chấp nhận danh sách các DN đủ điều kiện XK sang thị trường này do cơ quan Việt Nam cung cấp. Với các hoạt động kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm, cần sớm công nhận hệ thống kiểm tra, quản lý chất lượng nông sản Việt và đưa nội dung này vào hiệp định Liên minh Hải quan.

Phía ngân hàng cũng cần xem xét cơ chế thanh toán để đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Bên cạnh đó, các bộ, ngành Việt Nam cần phải tích cực xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN về thông tin thị trường, đàm phán mở cửa thị trường; các DN chủ động tìm thị trường, chú trọng chất lượng, đa dạng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của đối tác.

Ông Maxin Golikov - Trưởng Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, hệ thống siêu thị bán lẻ Nga không tự NK hàng nên DN phải tìm các công ty chuyên NK của Nga hoặc của Việt Nam, hoặc các cơ quan đại diện thương mại để tìm đơn hàng.

DN cũng cần tìm hiểu yêu cầu đối với mặt hàng định XK như mức thuế NK, thuế hải quan, VAT, chất lượng hàng hóa để có sự chuẩn bị kỹ nhất khi đưa hàng XK sang thị trường này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất hàng sang Nga: Vẫn khó hiện thực hóa cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO