Người tiêu dùng ngày nay không cần phải tất bật chen chúc trong các chợ truyền thống nữa, mà có thể vừa mua sắm, vừa hưởng thụ không gian văn hóa chợ Tết hay siêu thị. |
Đối với người Việt Nam, dù ở đâu thì ý nghĩa về cái Tết cổ truyền cũng rất đỗi thiêng liêng. Cùng với mâm ngũ quả đẹp mắt, mâm cơm cúng tổ tiên bằng những sản vật truyền thống giờ được điểm tô thêm những sản phẩm mang hơi hướng hiện đại.
Không chỉ mua sắm phục vụ các lễ nghi như cúng tổ tiên, chúc Tết họ hàng, làng xóm, lễ chùa, người tiêu dùng ngày nay còn cần đến dịch vụ làm đẹp, cần không gian sống tiện ích, cần du lịch. Chính vì vậy, hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu Tết, kể cả hàng xa xỉ ngày nay rất phong phú và đa dạng, doanh nghiệp phải cạnh tranh quyết liệt.
Người tiêu dùng ngày nay không cần phải tất bật chen chúc trong các chợ truyền thống nữa, mà có thể vừa mua sắm, vừa hưởng thụ không gian văn hóa chợ Tết hay siêu thị. Thực phẩm, quà tặng, hàng tiêu dùng thiết yếu đã có hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cung cấp đến tận các vùng nông thôn, miền núi xa xôi.
Link bài viết
Cũng có thể bằng vài cú click chuột, những gia đình trẻ đã có cả một seri hàng Tết đưa đến tận nhà. Hệ thống gần 400 siêu thị, hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi, 8.000 khu chợ, hàng chục kênh thương mại điện tử có uy tín và 2,2 triệu hộ bán lẻ trên toàn quốc đảm bảo cho thị trường Tết 2020 không thiếu bất cứ thứ gì.
Các “thượng đế” ngày nay không có lý do gì phải tích trữ thực phẩm, hàng hóa. Khảo sát của Báo Doanh Nhân Sài Gòn cho thấy, trước những ngày Tết, người tiêu dùng chỉ quan tâm mấy việc: mua đồ trang trí nhà cửa, sắm quần áo đẹp, “tút tát” lại bản thân và mua một ít thực phẩm.
Thói quen mua sắm, tiêu dùng ở các miền quê cũng có sự thay đổi thú vị. Nếu người thành phố bỏ ra vài ba ngày để sắm Tết thì các vùng nông thôn, nhất là ở miền Trung, lại chuẩn bị Tết trước vài ba tuần.
Nắm bắt tâm lý, thói quen và xu hướng của người tiêu dùng các dịp lễ, Tết, doanh nghiệp không chỉ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà còn chú trọng đến giá trị mang lại cho cộng đồng. Giá trị cao nhất của ngày Tết cổ truyền đối với người dân Việt là “sum vầy”, vì vậy người tiêu dùng muốn mua sắm gì cho bản thân và gia đình đều chọn thứ ưa thích và đáng trân trọng nhất.
Ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh và Dịch vụ Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn. |
Ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh và Dịch vụ Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn: Xu hướng mua sắm Tết đã dịch chuyển mạnh
Trước đây, khách hàng thường đến chợ hay cửa hàng tạp hóa truyền thống, bây giờ ngày càng nhiều người đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua sắm, kể cả những mặt hàng tươi sống, và chỉ mua sắm vừa đủ.
Mua online cũng được phục vụ nhanh và có thể mua đủ các mặt hàng cần cho dịp Tết trong vòng một ngày. Cách chuyển dịch trong mua sắm Tết của người tiêu dùng càng đòi hỏi doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải có sản phẩm thật tốt, an toàn, giá thành hợp lý.
Ông Nguyễn Anh Dzũng - Giám đốc Bộ phận Đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam. |
Ông Nguyễn Anh Dzũng - Giám đốc Bộ phận Đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam: Người tiêu dùng rất cần sự tiện lợi
Công việc, gia đình chiếm rất nhiều thì giờ trong ngày khiến người tiêu dùng luôn bận rộn. Do đó, những dòng sản phẩm tiện lợi, phục vụ cho cuộc sống tốt nhất sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Khách hàng ngày nay thậm chí ngại đến siêu thị vì mất thời gian gửi xe nên có thể gọi điện đặt hàng, mua hàng online, kể cả thức ăn chế biến sẵn.
Những người thường sử dụng dịch vụ tiện lợi luôn là khách hàng kỹ lưỡng về chất lượng hàng hóa và quan tâm đặc biệt đến vệ sinh, an toàn thực phẩm. Họ ưa thích những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Người tiêu dùng có thu nhập tốt sẵn sàng chi tiền cho thực phẩm organic, sản phẩm cao cấp. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ thì kinh doanh mới thành công.
Bà Huỳnh Thị Xuân Liên - Thành viên HĐQT Công ty CP Vàng - Bạc - Đá quý Phú Nhuận. |
Bà Huỳnh Thị Xuân Liên - Thành viên HĐQT Công ty CP Vàng - Bạc - Đá quý Phú Nhuận: Phải bắt kịp và đi trước xu hướng thị trường
Đối với nhà sản xuất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm phải đi đôi với kênh bán hàng sao cho tiện lợi nhất đối với người tiêu dùng. Ngày trước, trong dịp Tết, chị em phụ nữ thường sắm vàng chỉ, vàng miếng, giờ đây nhu cầu đó dịch chuyển sang nữ trang, kim cương.
Vì thế, nhà kinh doanh phải tư vấn làm sao cho khách hàng mua đúng sản phẩm phù hợp với mong muốn của họ chứ không phải phù hợp với doanh nghiệp.
Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây phản ánh xu thế của người tiêu dùng hiện đại. Chính vì vậy, doanh nghiệp không những phải đổi mới để đuổi kịp mà còn phải đi trước thị trường, tức tạo ra xu hướng tiêu dùng.