Xây dựng chiến lược “đại dương xanh”

Ban Marketing CLB DNSG| 24/06/2009 09:16

Những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta thường nói nhiều đến chiến lược “đại dương xanh”. Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược này lại càng được đề cao vì được xem là cách tốt nhất để vượt qua khủng hoảng....

* Những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta thường nói nhiều đến chiến lược “đại dương xanh”. Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược này lại càng được đề cao vì được xem là cách tốt nhất để vượt qua khủng hoảng. Vậy, muốn xây dựng chiến lược “đại dương xanh” thì DN phải trải qua một quy trình như thế nào? Đâu là những trở ngại lớn nhất khi thực hiện chiến lược này?

Trần Ngọc Minh (Q.2, TP.HCM)

Chiến lược “đại dương xanh” thực chất là quá trình đi tìm khoảng trống của thị trường và vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh. Về lý thuyết, có sáu bước để xây dựng chiến lược “đại dương xanh”, bao gồm: Vạch lại ranh giới thị trường qua khảo sát sự cạnh tranh trong ngành, tập trung vào bức tranh lớn - không đi vào các chi tiết cụ thể, vượt lên mức nhu cầu hiện tại để tìm kiếm khách hàng tiềm năng, thiết lập trật tự chiến lược ưu tiên với công nghệ phù hợp và tạo giá trị gia tăng, vượt qua những trở ngại trong nội bộ tổ chức, điều hành chiến lược qua xây dựng sự đồng thuận nội bộ.

Nếu như “đại dương đỏ” là cạnh tranh trong thị trường hiện tại, là đánh bại đối thủ, là khám phá nhu cầu hiện tại, là cân đối giữa giá trị và giá cả...,thì “đại dương xanh” là tạo ra thị trường chưa hề có, là vô hiệu hóa cạnh tranh, là tạo và nắm bắt nhu cầu mới, là phá bỏ sự cân bằng giữa giá trị và giá cả...

Trong chiến lược “đại dương xanh” không có sự cạnh tranh trực tiếp vì luật chơi còn chưa được thiết lập. “Đại dương xanh” hầu hết được tạo ra bên trong những “đại dương đỏ” bằng cách mở rộng ranh giới hiện tại của ngành. Tại VN, dầu gội dành cho nam X-Men hay Trà xanh không độ là hai ví dụ điển hình về việc thiết lập “đại dương xanh”.

Khi triển khai chiến lược “đại dương xanh”, DN phải vượt qua nhiều trở ngại, trong đó có bốn vấn đề chính: nhận thức (không chịu thay đổi), nguồn lực (hạn chế của các nguồn lực trong việc thực hiện chiến lược), động lực (nhân viên không được khuyến khích làm việc có hiệu quả) và mối quan hệ giữa các nhóm quyền lợi của DN (sự phản đối từ những thế lực không ủng hộ). Việc lãnh đạo có trọng điểm sẽ giúp DN vượt qua những khó khăn này với chi phí thấp và giành được sự hỗ trợ của nhân viên.

Mọi câu hỏi dành cho chuyên mục “Bài học ngoại khóa” xin gửi về: Báo Doanh Nhân Sài Gòn, 7 Trần Quốc Thảo, phường 6, quận 3, TP.HCM hoặc email: kimdung@doanhnhansg.com.vn; dungdnsg@yahoo.com
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng chiến lược “đại dương xanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO