"Xanh hóa" ngành may mặc

VIỆT THẮNG| 10/12/2018 03:37

Dệt may là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế khi đóng góp đến 15% tổng giá trị xuất khẩu. Thế nhưng, dệt may cũng là ngành gây ra nhiều tác động đối với môi trường.

Ngành may mặc Việt Nam cần phải "xanh hóa" để giảm thiểu môi trường và tăng khả năng cạnh tranh - Ảnh: T.Linh

Ngành dệt may Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao với mức trung bình trên 12%, trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017. Với hơn 6.000 nhà máy đang hoạt động, ngành dệt may cung cấp khoảng 3 triệu việc làm trên cả nước.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Việt Nam là nước xuất khẩu hàng may mặc đứng thứ 5 thế giới nhưng lại được biết đến với chi phí sản xuất thấp và tiêu chuẩn môi trường hạn chế.

Hiện nay, khách hàng toàn cầu hướng tới sự bền vững môi trường khiến nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới thay đổi phương thức sản xuất, trong đó, đặc biệt nâng cao về tiêu chuẩn môi trường và xã hội. Vì vậy, nếu không thay đổi phương thức sản xuất ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ mất năng lực cạnh tranh và nhiều cơ hội.

Link bài viết

Trên thực tế, dệt may là một trong những ngành có thể gây ra nhiều tác động đến môi trường nhất hiện nay. Quá trình sản xuất của ngành phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, sử dụng nhiều năng lượng cho đun nóng và tạo hơi nước. Đây chính là những yếu tố tác động lên nguồn nước, góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính.

Theo khảo sát của Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện các nhà máy, khu công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về xả thải nước do nhiều nguyên nhân khác nhau như không đủ nguồn tài chính đầu tư cho các thiết bị công nghệ xử lý nước thải. Đầu tư của ngành dệt may cho quá trình xử lý nước thải cần phải tăng lên nhiều hơn nữa so với mức đầu tư hiện tại...

Ngành dệt may Việt Nam sẽ đối diện với nhiều rủi ro như chất lượng nước ngầm kém có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các nhà máy dệt may hoặc buộc họ phải chuyển sang sử dụng các nguồn nước khác. Các quy định có thể sẽ khắt khe hơn đối với hoạt động sản xuất của nhà máy dệt do tác động tiêu cực đến nguồn nước chung và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân địa phương.

Bên cạnh đó, các chính sách và quy định quản lý tài nguyên nước và nước thải hiện tại khá phức tạp cùng với việc thực thi còn hạn chế. Điều này sẽ tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào công nghệ và phương pháp sản xuất sạch hơn, từ đó có thể dẫn tới việc ngành khó tuân thủ quy định về môi trường. Các quyết định phát triển và quản lý nước tối ưu tại các lưu vực sông xuyên biên giới, đầu nguồn của Việt Nam có thể làm mất ổn định môi trường kinh tế xã hội trong khu vực và sản xuất của các nhà máy dệt may tại Việt Nam

Để góp phần giải quyết tình trạng này, WWF và VITAS đã hợp tác thực hiện dự án "Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý và năng lượng bền vững". Dự án với tham vọng chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam từ ngành có chi phí sản xuất và tiêu chuẩn môi trường thấp thành một ngành sản xuất bền vững, có trách nhiệm với môi trường.

Dự án được triển khai từ năm 2018 - 2020 với mục tiêu chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam thông qua việc tham gia các chính sách quản lý ngành và môi trường để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và bảo tồn cho Việt Nam cùng khu vực sông Mekong, nơi tập trung gần 50% nhà máy may mặc cả nước.

Theo khuyến nghị của WWF, các doanh nghiệp và các bên liên quan của Việt Nam có thể áp dụng ngay một số giải pháp như thực hành tiết kiệm nước và quản lý hiệu quả tại nhà máy và khu công nghiệp, áp dụng các phương pháp tối ưu trong quản lý hóa chất và nước thải, xây dựng năng lực về thực hành tiết kiệm nước cho các bên liên quan trong ngành dệt may, xây dựng chương trình sử dụng nước thông minh cho ngành và quốc gia...

Để giảm tác động tới môi trường và thích ứng với các điều kiện thay đổi đang diễn ra như sự thiếu hụt 40% nguồn nước trên toàn cầu vào năm 2030 do Liên Hợp Quốc dự đoán, ngành dệt may Việt Nam cần phải thay đổi quy trình sản xuất, đặc biệt là trong bối cảnh ngành vẫn đang tiếp tục mở rộng và phát triển như hiện nay. Về dài hạn, có thể xây dựng quỹ hỗ trợ sử dụng nước thông minh nhằm giúp và khích lệ các nhà máy sử dụng công nghệ nước sạch và hiệu quả, kêu gọi Chính phủ xây dựng chính sách quản trị nước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Xanh hóa" ngành may mặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO