Vùng Tây Bắc Campuchia mời gọi DN Việt Nam

23/11/2012 08:41

Lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Bắc Campuchia đang mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại, du lịch và dịch vụ, trong đó có những lĩnh vực mà lãnh đạo các tỉnh này cho rằng rất thuận tay đối với doanh nghiệp Việt Nam vì có nhiều kinh nghiệm.

Vùng Tây Bắc Campuchia mời gọi DN Việt Nam

Lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Bắc Campuchia đang mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại, du lịch và dịch vụ, trong đó có những lĩnh vực mà lãnh đạo các tỉnh này cho rằng rất thuận tay đối với doanh nghiệp Việt Nam vì có nhiều kinh nghiệm.

Nhiều lĩnh vực có thể đầu tư

Mô hình chợ Bến Thành được sử dụng làm cổng vào hội chợ triển lãm Thương mại Việt Nam – Campuchia (Ho Chi Minh City Expo 2012) đang diễn ra tại Battambang

Sáng 21/11/2012, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cùng Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang tổ chức hội thảo “Xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch vào vùng Tây Bắc Campuchia năm 2012” tại tòa thị chính Battambang.

Sau nhiều năm quảng bá hàng Việt Nam tại Campuchia qua các hội chợ, kim ngạch thương mại giữa TP.HCM và Campuchia năm sau tăng cao hơn năm trước bình quân 40%.

Ngoài việc thâm nhập thị trường Campuchia để tiêu thụ hàng hóa, tính đến tháng 10 năm 2012, các doanh nghiệp ở TP.HCM đã có 41 dự án được cấp giấy phép đầu tư tại Campuchia với tổng số vốn là 313,71 triệu USD.

Tuy nhiên, trao đổi thương mại, đầu tư của TP.HCM vào các tỉnh vùng Tây Bắc Campuchia còn khiêm tốn. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định sáu tỉnh vùng Tây Bắc Campuchia có những lợi thế về tự nhiên, đất đai, nguồn tài nguyên phong phú, do đó triển vọng phát triển kinh tế rất lớn trên mọi lĩnh vực. Bà tin cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ xúc tiến tốt các hoạt động hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Ông Prach Chann, tỉnh trưởng tỉnh Battambang cho biết Battambang ở trung tâm vùng Tây Bắc Campuchia, được xem là “vựa lúa của Campuchia”. Tỉnh còn được định hướng phát triển thành trung tâm thương mại của vùng tây bắc.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, hiện đại hóa nhà máy xay xát gạo xuất khẩu và chuyển giao giống, kỹ thuật nhân giống...

Với lĩnh vực công nghiệp, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư nhóm chế biến thực phẩm và nông sản xuất khẩu vì diện tích nông sản ở Battambang cũng khá lớn. Để phát triển du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp, Battambang mời gọi đầu tư xây dựng khách sạn, kinh doanh nhà hàng.

Tỉnh Banteay Meanchey muốn thu hút đầu tư sản xuất bột mì và chế biến khoai mì để sản xuất thức ăn gia súc xuất khẩu, sản xuất ethanol từ khoai mì, chế biến lúa gạo xuất khẩu (sản lượng lúa dư mỗi năm khoảng 40.000 tấn), sản xuất thực phẩm, sản xuất xi măng. Tỉnh có hai đền đài cổ là Prasat Banteay Chma, Prasat Banteay Top và hồ Trapaing Thmor, nên còn kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái.

Tỉnh Oddar Meanchey có tiềm năng về khoáng sản, hiện khuyến khích đầu tư vào các dự án thăm dò, khai thác các loại khoáng sản. Tỉnh cũng có thế mạnh nông nghiệp, nên cũng cần có những nhà máy chế biến bắp, khoai mì, xay xát gạo. Những đền đài cổ Prasat Tamoan, Takrobey và hồ sinh thái Snao có thể đầu tư làm du lịch sinh thái.

Tỉnh Pailin là vùng cao nguyên, đất đai màu mỡ nên nông dân trồng trọt không cần phân bón hóa học. Ngoài ra, Pailin còn có nhiều mỏ đá quý.

Các lĩnh vực thu hút đầu tư là: tiêu thụ nông sản, mở nhà máy sử dụng nông sản địa phương, nâng cấp và mở rộng hệ thống thủy lợi, dịch vụ du lịch sinh thái, dịch vụ sức khỏe, giáo dục, viễn thông, đầu tư hệ thống cấp nước sạch, đầu tư sản xuất điện, nâng cấp và mở rộng mạng lưới giao thông tại vùng sâu, vùng xa.

Tỉnh Pursat có lợi thế về nông nghiệp, xuất khẩu khoảng 113.445 tấn gạo mỗi năm. Hiện tại, tỉnh khuyến khích đầu tư vào sản xuất gạo, trồng hoa màu, trồng cây công nghiệp, trồng rừng, chế biến nông sản, nuôi cá, du lịch sinh thái và xây dựng hạ tầng nông thôn.

Thấy ngay cơ hội

Lãnh đạo các tỉnh đã chỉ ra cho doanh nghiệp Việt Nam thấy vùng Tây Bắc Campuchia tuy xa Việt Nam so với Phnôm Pênh nhưng giao thông cũng khá thuận lợi.

Chẳng hạn, Battambang có nhiều đường quốc lộ đi qua và còn có thể vận chuyển hàng theo đường thủy từ Siêm Riệp về. Siêm Riệp có sân bay nên có thể rút ngắn thời gian từ Việt Nam sang.

Ông Lữ Phúc Sơn, lãnh sự Việt Nam tại Battambang nhấn mạnh muốn đầu tư hay kinh doanh ở Campuchia quan trọng nhất là tìm được đối tác là doanh nghiệp ở bản xứ.

Sản xuất nông nghiệp mở ra nhiều cơ hội nhưng chính phủ Campuchia tạm ngưng cấp đất tô nhượng làm kinh tế nên doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác về kỹ thuật trồng trọt, chế biến từ nguyên liệu sẵn có.

Bác sĩ Vũ Trọng Hải, Tổng giám đốc bệnh viện quốc tế Medical Care quan tâm đến việc chính quyền các tỉnh Tây Bắc Campuchia kêu gọi đầu tư về dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

Ông Prach Chann cho biết chính phủ Campuchia đang muốn phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe rộng khắp cả nước. Tỉnh sẽ trao đổi với các bộ có liên quan, sau đó trình Thủ tướng để chào đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực y tế.

Trả lời về vấn đề liên doanh với doanh nghiệp của Campuchia có hạn chế tỷ lệ vốn và chính sách thế nào, ông Prach Chann khẳng định việc liên doanh, hợp tác giữa các công ty tư nhân cứ thực hiện theo điều kiện hai bên thấy thuận lợi. Chính phủ bảo vệ cho doanh nghiệp nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước.

Theo luật Đầu tư của Campuchia, dự án dưới 2 triệu USD thì cấp tỉnh cấp phép dự án, trên 2 triệu USD thuộc thẩm quyền của Hội đồng Phát triển Campuchia và các bộ ngành. Nếu như nhà đầu tư nước ngoài muốn liên doanh với công ty Campuchia phải thành lập công ty liên doanh, không nhất thiết cổ phần trong nước cao hơn nước ngoài.

Tiến sĩ Phou Puy, chủ tịch phòng thương mại Battambang – Pailin, Chủ tịch Liên đoàn các hiệp hội nhà máy xay xát lúa gạo Campuchia khẳng định có thể hợp tác ngay với các doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư đất trồng lúa, nhà máy chế biến gạo cung ứng cho xuất khẩu; đầu tư các chợ rau quả.

Ngoài mời gọi hợp tác thương mại và đầu tư sản xuất, năm nay các tỉnh tây bắc Campuchia cũng mời gọi tích cực về hợp tác khai thác du lịch.

Theo ông Uch Umphinisara, giám đốc sở Du lịch Battambang, trong sáu tỉnh tây bắc thì Siêm Riệp đã thu hút khách du lịch rất nhiều. Các tỉnh còn lại có nhiều đền đài và làm nông nghiệp nên họ làm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái.

Ông nghĩ Battambang là nơi có rất nhiều quân tình nguyện Việt Nam đã từng chiến đấu giúp người dân Campuchia thoát nạn diệt chủng, nên ông đề nghị công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist tổ chức tour cho các cựu chiến binh Việt Nam thăm lại Battambang.

Ông cho biết thêm, hiện các công ty du lịch ở Battambang tổ chức rất tốt tour cho người Thái qua biên giới, đến Phnom Penh, rồi qua TP.HCM, quay lại Siêm Riệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vùng Tây Bắc Campuchia mời gọi DN Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO