Vì đâu lâm cảnh “chợ chiều”?

CÁC NGỌC| 18/11/2009 08:07

Theo nhiều du khách, tình trạng vắng vẻ của nhiều cửa hàng, siêu thị ở khu kinh tế cửa khẩu là do doanh nghiệp đã không xây dựng hình ảnh tốt về mình, coi thường khách hàng.

Vì đâu lâm cảnh “chợ chiều”?

Gần đây, một số báo nêu lên tình trạng vắng vẻ của nhiều cửa hàng, siêu thị ở khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Tịnh Biên (An Giang) vì những chính sách thiếu nhất quán của Nhà nước. Trong khi đó, theo nhiều du khách, còn một nguyên nhân quan trọng, đó là các cửa hàng, siêu thị miễn thuế này đã không xây dựng hình ảnh tốt về mình, coi thường khách hàng.

Mất khách vì nhập nhằng chất lượng

Khác với sự nhộn nhịp trong những ngày tháng 8 mới khai trương, đầu tháng 11 này, chúng tôi trở lại khu TMCK Tịnh Biên thì thấy các siêu thị, cửa hàng miễn thuế nơi đây thưa thớt khách. Các chủ cửa hàng không nhìn nhận “chợ ế”, mà cho rằng, hiện đang là mùa mưa nên khách du lịch không đông. Tuy nhiên, những gì chúng tôi ghi nhận được cho thấy một thực tế khác.

Hàng ngoại nhập và được miễn thuế chưa đủ hấp dẫn, mà phải là hàng chất lượng tốt và giá cả hợp lý

Trong khi người bán bảo phải có hàng nhập mới bán cho khách du lịch được, thì nhiều khách vào các siêu thị rồi lại ra tay không. Hỏi một số khách vì sao không mua hàng, họ bảo bột giặt, sữa tắm, dầu gội đầu, thực phẩm, hàng điện tử... ngoại nhập hiệu lạ, so sánh với hàng thường xài nếu giá rẻ nhiều thì mua xài thử, nhưng giá mắc hơn hoặc ngang bằng nên không nhất thiết mất công mang vác. Có lẽ vì vậy mà một nhóm trên 20 du khách được Công ty Du lịch Bến Thành đưa đến đây mua sắm, không ai sử dụng hết quyền được mua 500.000đ/người/ngày, ngoại trừ các anh trong nhóm của một công ty kiểm toán mua mấy thùng bia vì biết chắc rẻ hơn mua tại Sài Gòn, tiện xe chở về.

Vẫn thích mua hàng miễn thuế, nhưng khách đến các khu TMCK bây giờ đã thận trọng hơn. Chị Minh Tâm xem quần áo trong siêu thị Mỹ Nhựt ở Tịnh Biên, chọn mãi chẳng được cái nào ưng ý. Chị nói quần áo Thái Lan kiểu đã không đẹp, đường may lại quá cẩu thả, giá trên 100.000đ/áo nữ là không rẻ, dẫu biết hàng miễn thuế nhưng chất lượng cũng phải đáng đồng tiền mới mua. Cũng trong siêu thị Mỹ Nhựt, từ xa nhìn những bảng ghi tên hàng điện gia dụng LG, ai cũng tưởng hàng của hãng LG thật, nhưng khi xem trên sản phẩm thì mới biết là hiệu Legi được viết tắt thành LG. Sự nhập nhằng này khiến khách thấy khó chịu nên không mua hàng.

Tình trạng đưa hàng nhập khẩu kém chất lượng, không nhãn mác rõ ràng, hàng cận đát vào kinh doanh trong một số cửa hàng, siêu thị miễn thuế ở cửa khẩu Mộc Bài đã từng được chúng tôi phản ảnh và cảnh báo nếu tiếp tục kinh doanh theo kiểu coi thường khách hàng thì du khách sẽ không mua hàng miễn thuế nữa. Mặt khác, việc chủ yếu kinh doanh bia, rượu làm cho hoạt động của cửa khẩu Mộc Bài bát nháo, nhiều người lợi dụng chính sách miễn thuế để thu gom hàng, đưa ra ngoài kinh doanh.

Thay đổi cách nghĩ về khách hàng

Chính phủ cho phép thành lập các khu kinh tế cửa khẩu là nhằm đẩy mạnh giao thương với các nước lân cận, làm cho kinh tế - xã hội ở các địa phương vùng biên giới phát triển. Nhộn nhịp nhất trong các khu kinh tế cửa khẩu là khu thương mại cửa khẩu (TMCK). Từ chủ yếu thu hút khách du lịch mua sắm, các khu TMCK được định hướng sẽ trở thành đầu mối xuất khẩu hàng VN. Thế nhưng, mục tiêu này thật không dễ thực hiện. Nguyên nhân cả từ hai phía: DN và Nhà nước.

Một số chủ siêu thị, cửa hàng miễn thuế ở Mộc Bài cho rằng, chính chính sách không nhất quán của Chính phủ đã bóp nghẹt hoạt động thương mại nơi đây, không như những gì hứa hẹn khi mời gọi DN đầu tư vào. Ngay cả khi từ tháng 7/2009, các cửa hàng miễn thuế đã được phép bán hàng cho du khách nội địa 500.000đ/người/tuần, thì họ cũng cho là chưa đủ để khu cửa khẩu nhộn nhịp trở lại. Một số chủ siêu thị miễn thuế khác lại cho biết, họ vẫn kinh doanh đều đặn, dù doanh số có sụt giảm đôi chút ở nhóm hàng rượu, bia. Như vậy, có lẽ cần nhìn nhận đúng bản chất “cảnh chợ chiều” của các khu TMCK vì khó có thể có việc du khách ngày nào cũng đi đến cửa khẩu mua hàng với trị giá 500.000đ và nếu doanh số khu cửa khẩu chủ yếu nhờ vào rượu, bia, hóa mỹ phẩm ngoại nhập thì mục tiêu đưa những khu TMCK trở thành đầu mối xuất khẩu hàng VN thật xa vời.

Khi khai trương khu TMCK Tịnh Biên, chính quyền tỉnh An Giang đã mong muốn đưa văn minh thương mại vào đây, thu hút khách bằng hàng hóa chất lượng cao; được kỳ vọng sẽ là nơi giao thương hàng VN lớn nhất ở biên giới Campuchia. Bởi thế, thay vì làm lễ khai trương có tính nghi thức, An Giang đã cùng gần 50 DN trong nước làm một triển lãm quảng bá hàng VN và giao lưu doanh nhân hai nước. Việc làm này là cách báo tin để các nhà phân phối và người tiêu dùng ở Campuchia biết từ nay đã có sẵn nguồn hàng VN chất lượng cao tại cửa khẩu Tịnh Biên. Đáng tiếc, nhiều chủ siêu thị, cửa hàng miễn thuế tại đây chưa thấm nhuần tinh thần này.

Có mặt ở cả hai khu TMCK Mộc Bài và Tịnh Biên, siêu thị Winmart khá thành công mà không phụ thuộc vào kinh doanh rượu, bia. Theo ông Huỳnh Công Thiện, Giám đốc Công ty Thiện Linh, chủ đầu tư siêu thị Winmart, đã đến lúc phải nhìn nhận đúng về khách nội địa để duy trì doanh số của siêu thị miễn thuế, vì hàng ngoại nhập và được miễn thuế chưa đủ hấp dẫn, mà phải là hàng chất lượng tốt và giá hợp lý. Để thỏa hai điều kiện ấy, Thiện Linh phải chọn lọc hàng đưa vào Winmart, ngoài ra còn đặt các nhà sản xuất làm hàng nhãn riêng cho khoảng 20 mặt hàng.

Với khách hàng Campuchia, ông Thiện nhận xét, hàng Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc không làm họ quan tâm vì đã có quá nhiều ở Campuchia, nên bán được cho họ là hàng VN. Tuy nhiên, không thể ngồi chờ khách Campuchia tới, phải đi tiếp thị. Các cửa hàng miễn thuế của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) ở Mộc Bài và Tịnh Biên cũng chủ yếu bán hàng qua Campuchia, có khách đều đều, nên Satra cũng không chú ý nhiều hay ít khách du lịch, những chính sách cho mỗi người mua hàng một ngày, một tuần bao nhiêu không quan trọng, mà doanh thu xuất khẩu hàng sang Campuchia thông qua các khu TMCK tăng như thế nào mới là điều đáng quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì đâu lâm cảnh “chợ chiều”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO