Vận dụng kinh tế chia sẻ để vượt qua khó khăn

Minh Hào| 12/12/2020 06:49

Covid-19 đang tạo sức ép chưa từng có đối với các doanh nghiệp (DN) khi không chỉ gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh mà còn tạo ra sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng, cách thức vận hành. Để tồn tại và vượt khủng hoảng, DN đã phải triệt để vận dụng "kinh tế chia sẻ".

"Kinh tế chia sẻ" là sự chia sẻ khó khăn, chia sẻ lợi nhuận của DN để cùng với khách hàng, người tiêu dùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay do dịch Covid-19. Đơn cử như tại Saigon Co.op, ngay khi dịch bệnh diễn ra, lãnh đạo đơn vị này đã tặng khẩu trang vải với tổng giá trị lên đến 50 tỷ đồng cho khách hàng thành viên. Cùng với đó, Saigon Co.op phối hợp với nhà cung cấp đưa nhiều mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến và công nghệ phẩm vào diện khuyến mãi, giảm giá để chia sẻ áp lực với người tiêu dùng. Khi khẩu trang "loạn giá" trên thị trường, ngay lập tức Co.opmart, Co.opXtra bán ra 12 triệu khẩu trang kháng khuẩn không lợi nhuận và 100.000 chai nước rửa tay, gel rửa tay khô giá không đổi hỗ trợ người dân.

Trong khi đó, các hệ thống bán lẻ Big C, MM  Mega Market... cũng tổ chức các chương trình "Tuần hàng Việt Nam", "Tuần hàng nông sản", giúp mở đầu ra cho nông sản, thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt tại thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Không chỉ vậy, đã có nhiều đợt bán hàng không lợi nhuận được triển khai trong thời gian qua với hàng nghìn tấn thực phẩm theo hình thức này đến tay người tiêu dùng.

bai-2-khuyen-mai-8916-1607585661.jpg

Mất việc, thu nhập giảm sút khiến không ít người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng", tìm đến các mặt hàng khuyến mãi, giảm giá. Thực tế này đã buộc các nhà kinh doanh phải liên tục chạy chương trình giảm giá bán, bán hàng không lợi nhuận. 

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Huỳnh Trang, chỉ trong tháng 6 và 7/2020, TP.HCM đã thực hiện gần 6.000 chương trình khuyến mãi với tổng giá trị hơn 28.500 tỷ đồng để kích cầu tiêu dùng. Nhưng không phải những DN nhỏ mới khuyến mãi mà ngay cả những "ông lớn" như Vingroup cũng phải dùng đến hàng trăm tỷ đồng để kích cầu tiêu dùng. Đầu tháng 12/2020, tập đoàn này đã tuyên bố dành 600 tỷ đồng để tặng các "kỳ nghỉ 5 sao" tại hệ thống khách sạn, resort Vinpearl cho khách hàng mua xe VinFast. Đó là những giải pháp hữu hiệu để vừa chia sẻ với người tiêu dùng vừa giúp tăng doanh thu cho DN. Bởi trong thời điểm dịch bệnh chưa biết khi nào kết thúc, doanh thu các nhà bán lẻ sụt giảm thê thảm, như nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Co.opmart có thời điểm doanh thu giảm đến 50%. Sự sụt giảm của ngành bán lẻ cũng kéo theo sự lao dốc của DN sản xuất. Để giữ khách hàng, giới kinh doanh mặt bằng bán lẻ nhiều lần giảm giá cho thuê. Theo Savills Việt Nam, các chủ mặt bằng đã giảm giá thuê từ 30-40%, các trung tâm thương mại cũng giảm từ 20-30%. Thậm chí, nhiều nơi, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ giảm đến 50% so với trước đây.

Rất nhiều giải pháp đã được DN triển khai trong thời gian qua để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như cắt giảm chi phí sản xuất, rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Cuộc khảo sát của Vietnam Report cách đây không lâu cho thấy, có đến 90,9% DN bán lẻ chấp nhận giảm lãi để giảm thêm giá bán, tăng thêm ưu đãi cho sản phẩm, giao hàng miễn phí tại nhà nhằm tăng doanh thu. Không chỉ vậy, 72,7% DN bán lẻ cắt giảm chi phí thông qua đàm phán giảm giá thuê mặt bằng, hạn chế tuyển dụng thêm nhân viên, cắt giảm chi phí quảng cáo để bù vào khoản doanh thu bị mất. Tất cả nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Vì nói như một lãnh đạo DN sản xuất thực phẩm tại TP.HCM, trong điều kiện hiện nay, phải chấp nhận không lợi nhuận để giữ khách hàng. Giữ được khách thì DN sẽ phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vận dụng kinh tế chia sẻ để vượt qua khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO