Ứng phó nhanh cho ngành gỗ

Hồng Nga| 20/04/2020 06:00

Kể từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gỗ bị hủy đơn hàng khiến sản xuất đình trệ và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

Ứng phó nhanh cho ngành gỗ

Theo chia sẻ của ông Lê Xuân Châu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kiến trúc và Nội thất Nano, có đến 99% đơn hàng của Công ty bị khách hàng ở châu Âu và Mỹ thông báo hủy đơn hàng. 

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, có đến 70% đơn hàng gỗ outdoor bị đối tác từ Mỹ và châu Âu hủy, 50-55% mặt hàng gỗ indoor bị ngưng đặt hàng. Dăm gỗ, ván ép cũng bị khách hàng hủy đơn hàng vào cuối tháng 3. Nguyên nhân là do các trung tâm thương mại ở Mỹ và châu Âu đang trong đỉnh dịch nên giao thương giảm sút khiến các nhà nhập khẩu phải tạm ngưng đơn hàng vì không bán được. 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam dự kiến sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu. Hiện thị trường Mỹ chiếm 50%, EU chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Vài tuần qua, nhiều khách hàng từ Mỹ và châu Âu đã thông báo tạm thời chưa nhận hàng cho các đơn hàng đã ký và chậm thanh toán tiền hàng, đồng thời các đơn hàng mới cần phải đợi qua mùa dịch mới có thể ký kết. Từ giữa tháng 3 đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng đã chững lại và các DN không có đơn hàng mới.

Nếu tình hình không được cải thiện, sau 1-2 tuần tới, DN ngành gỗ sẽ phải cắt giảm 70% công suất, chỉ duy trì chế độ làm luân phiên. Và sau 3-4 tuần tới, các DN sẽ ngừng hẳn sản xuất theo các đơn hàng xuất khẩu. Một số DN sản xuất để tiêu thụ nội địa chỉ có thể sản xuất cầm chừng, khoảng 10-15% công suất nhà máy. 

Ngoài khó khăn vì dịch bệnh, ngành đồ gỗ còn gặp khó về vấn đề "chống bán phá giá". Từ ngày 1/3/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tiếp nhận đơn khởi kiện của Liên minh thương mại công bằng gỗ dán cứng Hoa Kỳ về điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm đối với các mặt hàng ván dán và các sản phẩm gỗ có sử dụng ván dán xuất khẩu từ Việt Nam.

"Ảnh hưởng từ việc sụt giảm thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu đến các ngành công nghiệp chủ lực sẽ có tác động nghiêm trọng hơn đến tình hình sản xuất trong các quý tiếp theo của năm 2020", báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 nêu rõ.

nganh-go-2-5041-1586267186.jpg

Doanh nghiệp ngành gỗ đứng trước nguy cơ đóng cửa. Ảnh: X.Th

Không xuất được hàng khiến kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh. Những thị trường Việt Nam đang xuất khẩu chủ lực mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ như châu Âu giảm 14,9%, Anh giảm 16,7%... Những khó khăn mà ngành gỗ đang đối mặt sẽ khiến hàng triệu lao động có nguy cơ bị mất việc làm.

Theo tính toán của các DN trong ngành gỗ, với hơn 5.000 DN đang hoạt động cùng khoảng 80.000 - 90.000 lao động đang làm việc, nếu việc hủy đơn hàng tiếp diễn trong thời gian tới, số lượng lao động mất việc sẽ không nhỏ.

Trong điều kiện này, các DN cần triển khai nhanh cách ứng phó các giải pháp trước mắt. Cụ thể, với các hợp đồng đã ký, DN cần giao hàng nhanh và thu tiền nhanh để giảm bớt nợ đọng tài chính và hàng tồn kho. Bên cạnh đó, DN phải tìm đầu ra mới thông qua việc tăng cường bán hàng online ở các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba... 

Ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này là phải duy trì hoạt động của các DN công nghiệp trong nước qua giai đoạn khó khăn bởi tác động của dịch bệnh. Việc để một DN đóng cửa vĩnh viễn sẽ phá hủy  việc làm và tạo ra hiệu ứng lan tỏa tiêu cực đối với các DN khác dọc theo chuỗi cung ứng. 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong thời gian tới, cần phải quyết liệt triển khai ba giải pháp cơ bản để hỗ trợ các DN vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh. Đó là đẩy mạnh công tác thông quan nguyên phụ liệu nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho sản xuất trong nước. 

Có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các DN bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó chủ yếu là thị trường xuất khẩu cho các ngành xuất khẩu chủ lực để giải quyết một phần DN trong giai đoạn khó khăn. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cũng nên xem xét hỗ trợ DN trong nước tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới từ các quốc gia khác để thay thế một phần thị trường Mỹ và châu Âu. Và cần có chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là chính sách về an sinh xã hội của người lao động như giảm đóng bảo hiểm, giãn nợ... 

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2020, do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, số DN tạm ngừng kinh doanh lên tới 18.600, tăng 26% so với cùng kỳ. Cũng trong quý I, số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12.000, giảm 21%. Ngoài ra còn có 4.000 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tương đương cùng kỳ năm trước.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ứng phó nhanh cho ngành gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO