Tu nghiệp quản lý tại Nhật theo chương trình AOTS

HUY LÊ| 09/04/2010 04:27

Ngoài cách gửi người đi đào tạo theo chương trình CEO, CFO, doanh nghiệp có lẽ còn ít biết đến những chương trình được tài trợ bởi các quốc gia phát triển về tu nghiệp quản lý

Tu nghiệp quản lý tại Nhật theo chương trình AOTS

Ngoài cách gửi người đi đào tạo theo chương trình CEO, CFO (giám đốc điều hành và giám đốc tài chính) hay các khóa đào tạo quản lý theo chuyên đề tại các trung tâm đào tạo, doanh nghiệp có lẽ còn ít biết đến những chương trình được tài trợ bởi các quốc gia phát triển về tu nghiệp quản lý, đặc biệt là Nhật Bản - quốc gia dẫn đầu về quản lý sản xuất. Khi tham gia chương trình này, doanh nghiệp được tài trợ phần lớn chi phí học tập tại nước ngoài, đồng thời được tham khảo trực tiếp tại các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản.

Hiệp hội Tu nghiệp Kỹ thuật Hải ngoại Nhật Bản (AOTS) là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với sự hỗ trợ tài chính của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Từ khi thành lập năm vào 1959 đến nay, AOTS đã và đang tổ chức nhiều chương trình đào tạo tại Nhật Bản cho kỹ sư và nhà quản lý của các quốc gia đang phát triển.

Tổng số học viên đã tham gia các chương trình đào tạo của AOTS là hơn 149.000 người, đến từ khoảng 170 quốc gia và khu vực đang phát triển. Những học viên đó đang đóng vai trò rất quan trọng trong nền công nghiệp và cống hiến to lớn cho sự phát triển kinh tế ở đất nước của họ.

Bốn trung tâm đào tạo của AOTS nằm tại Tokyo, Yokohama, Kansai (Osaka) và Chubu (Aichi), vừa là trung tâm đào tạo vừa cung cấp nơi ăn ở cho học viên, vừa là nơi để học viên lưu trú nâng cao tình hữu nghị. Ngoài trụ sở chính tại Tokyo, AOTS hiện đang đặt văn phòng đại diện tại Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam.

Mỗi năm, AOTS tổ chức riêng cho Việt Nam 5 khóa học tại Nhật Bản với thành viên tham gia từ các công ty Việt Nam và công ty Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam. Các khóa học tập trung vào lĩnh vực quản lý chất lượng, quản lý nhà máy  an toàn thực phẩm, cải tiến hiện trường sản xuất, quản lý công ty. Ngoài ra, còn có 14 khóa học khác về công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp, chất lượng dành cho lãnh đạo... học bằng tiếng Anh cùng các nước khác trong khu vực châu Á.

Hàng trăm doanh nghiệp tại Việt Nam đã tham dự chương trình và quay về ứng dụng những kiến thức thực tế này vào doanh nghiệp của mình. Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Long An - sau khi tham dự khóa học năm 2005 và 2006 đã ngay lập tức huấn luyện cho toàn nhóm công ty của mình về tư duy đột phá - nội dung được chính giáo sư Shozo Hibino truyền đạt, và tiếp sau đó là hàng loạt cải tổ trong bộ máy tổ chức và định hướng công ty để mang lại những thay đổi mang tính bước ngoặt.

Mỗi khóa học thường kéo dài từ 2-3 tuần với chương trình được thiết kế cân bằng giữa việc học tập lý thuyết với học thực tế tại các nhà máy hàng đầu Nhật Bản.

Nhận xét về cách học kết hợp này, ông Nguyễn Thiện Cảnh - Tổng giám đốc Công ty Sam Cường - nhận xét: “Có đi vào nhà máy của Toshiba mới thấy được người Nhật họ trân trọng từng cải tiến dù là nhỏ nhặt nhất. Mỗi khi có lỗi xảy ra, ngay cả giám đốc cũng có mặt tại hiện trường để phân tích và xử lý ngay. Họ quan tâm phân tích đến từng thao tác di chuyển cổ tay hay ngón tay để tăng tốc độ. Khái niệm 5S ở Việt Nam hầu như ai cũng biết, nhưng khi tận mắt thấy mới thấu hiểu 5S và tinh thần tiết kiệm được thực hiện triệt để đến từng ngóc ngách và trở thành văn hóa công ty như thế nào”.

Anh Nguyễn Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty Hải sản Sài Gòn (SG Fisco) cho biết thêm: “Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất nóng nhưng khó mà tìm được nơi học tập. Tôi đã đi từ Hokkaido đến Kobe, học hỏi một cách cụ thể và thực tế các quy trình phòng ngừa bất kỳ chất độc hại nào tại các nhà máy chế biến thực phẩm, quản lý an toàn thực phẩm trên toàn chuỗi cung ứng từ nguồn nguyên liệu, vận tải đến nhà kho đông lạnh. Nhìn chung, cách tiếp cận của người Nhật về các hệ thống quản lý cụ thể hơn, thực tế hơn, đi vào chiều sâu và rộng khắp đến mọi thành viên trong công ty tham gia sản xuất.

Tổ chức việc ăn ở đi lại cho học viên trong quá trình học tại trường và tham quan là tuyệt vời. Lớp học có các bạn ở những doanh nghiệp khác, sau hai tuần cùng tham gia môi trường học tập của AOTS, mọi người gần gũi hơn và gắn kết chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn. Khi về nước, SG Fisco đã ứng dụng tổ chức theo hướng hiệu quả và tiết kiệm kiểu Nhật thành công”.

Hai phần ba chi phí của các khóa học này được Chính phủ Nhật tài trợ, khoản còn lại do các công ty cử người đi đóng góp. Đối tác của AOTS tại Việt Nam là Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ mới (www.imt.vn). Viện IMT đảm nhiệm công tác tiếp nhận hồ sơ, chọn lọc và đánh giá hồ sơ, huấn luyện sơ khởi và các thủ tục liên quan để học viên đến Nhật Bản và trở về Việt Nam một cách thành công.

Từ năm 1995 đến nay, đã có hàng trăm nhà quản lý tham gia chương trình AOTS và đang giữ vị trí quan trọng trong nhiều công ty như Đồng Tâm Long An, Sapuwa, Gỗ Đức Thành, Resco 10, Thai Binh Shoes, Vissan, Cầu Tre, PNC... Các Cựu tu nghiệp sinh sau khi về nước đã thành lập nên Ban Liên lạc cựu tu nghiệp sinh AOTS (gọi tắt là AVAS). Các sinh hoạt thường kỳ của AVAS giúp hội viên có cơ hội gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm quản lý, cập nhật kiến thức mới và thực hiện các công tác từ thiện có ý nghĩa cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tu nghiệp quản lý tại Nhật theo chương trình AOTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO