Tự né ngõ cụt

HỒNG NGA| 21/09/2011 09:53

Nguyên liệu tăng giá, lương công nhân phải điều chỉnh trong khi doanh số sụt giảm... khiến không ít doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp sản xuất, chuyển đổi ngành nghề. Không tìm được định hướng đi mới cũng có nghĩa là tự đi vào ngõ cụt.

Tự né ngõ cụt

Nguyên liệu tăng giá, lương công nhân phải điều chỉnh trong khi doanh số sụt giảm... khiến không ít doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp sản xuất, chuyển đổi ngành nghề. Không tìm được định hướng đi mới cũng có nghĩa là tự đi vào ngõ cụt.

Khó từ Vinatex đến An Phước

Nhiều DN có đông công nhân rất ngao ngán khi phải liên tục điều chỉnh quỹ lương - Ảnh: Thi Na

Dù là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng DN hai ngành dệt may và da giày lại đang hết sức khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM, DN sản xuất da giày xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với 4 vấn đề: lãi suất ngân hàng cao, thiếu hụt nguồn lao động, thiếu nguyên liệu trong nước và giá cả đầu vào tăng nhanh hơn đầu ra.

Trong đó, giá nguyên vật liệu tăng khá mạnh, đến 20 - 30% kể từ đầu năm đến nay. Trước những khó khăn trên, đã nhiều lần DN làm hàng da giày xuất khẩu yêu cầu được tăng giá bán đối với hàng xuất khẩu nhưng các đối tác nước ngoài chỉ chấp nhận “nhỏ giọt”, mỗi lần chỉ từ 2 - 3%.

Điều mà DN trong nước khó khăn, theo ông Khánh, là khách hàng chỉ đưa đơn hàng mẫu mã cũ nên áp dụng đơn giá cũ. “Với đề nghị tăng giá của DN Việt Nam, khách hàng trả lời không thể vì thị trường trong nước của họ không chịu ảnh hưởng của lạm phát cao. Thậm chí, họ còn dọa sẽ chuyển đơn hàng sang nước khác nếu DN tiếp tục đòi tăng giá”, ông Khánh cho biết.

Tương tự, không ít DN ngành may mặc thu hẹp sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex Mart (thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam) cho rằng, DN dệt may Việt Nam đang hoạt động trong môi trường có quá nhiều bất ổn. Do ngành dệt Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu nên hầu hết DN phải mua nguyên liệu từ nước ngoài.

Mà nguyên liệu thì biến động liên tục nên DN hết sức khó khăn trong việc sản xuất. Không chỉ khó khăn về đơn hàng, về nguyên liệu đầu vào, DN còn rất ngao ngán khi phải liên tục điều chỉnh quỹ lương cho phù hợp với tình hình thực tế. Với các DN có khoảng vài ngàn công nhân thì rất lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan Giày An Phước, cho biết, vào đầu năm, An Phước đã một lần điều chỉnh lương và hiện tại đang tính toán để điều chỉnh lần nữa. Với những đơn hàng gia công cho nước ngoài, chiếm đến 60% trong đơn giá là tiền lương cho công nhân.

“Những năm trước, chúng tôi đặt lợi nhuận từ 15 - 20%, nhưng trong tình hình hiện nay, đạt được 5% là may mắn lắm rồi”, bà Điền chia sẻ. Một thực tế khác mà DN đang phải đối mặt là lãi suất ngân hàng quá cao mà không vay thì không có nguồn mua nguyên liệu sản xuất.

Đã vậy, với những DN làm hàng xuất khẩu, dù cho có tài sản thế chấp nhưng nếu không có nguồn ngoại tệ “ra vào thường xuyên” thì cũng khó vay được ngoại tệ để mua nguyên liệu.

Không khó trong việc tìm nguồn nguyên liệu nhưng doanh thu của thương hiệu đứng đầu trong ngành sản xuất các sản phẩm từ nông sản như Vinamit cũng sụt giảm đến 20 - 30% so với năm trước.

Một phần là do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, một phần do bị cạnh tranh từ các thương lái Trung Quốc. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit cho biết, từ cuối năm 2010 đến nay, thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam “gom hàng” khiến nguồn nguyên liệu bị giảm số lượng đáng kể.

“Chạy” từ mít đến giày

Trước những khó khăn mà theo dự đoán sẽ còn tiếp diễn đến hết năm 2012, để tự cứu mình, nhiều DN buộc phải tìm hướng đi mới. Công ty An Phước cơ cấu lại tổ chức, tinh gọn bộ máy sản xuất theo kiểu “không tuyển thêm người mới”: Khi công việc phát sinh thì Ban giám đốc cho nhân sự nhận thêm việc và điều chỉnh lương cho họ; thay bớt nhân sự bằng máy móc tự động trong nhiều khâu sản xuất; không nhận những đơn hàng quá ngắn; nguyên liệu nhập về cũng tính toán sao cho tốt nhất.

“Trong thời buổi khó khăn này, người tiêu dùng không chỉ chú ý đến yếu tố đẹp mà còn chất lượng tốt. Vì thế, khi chọn nguyên liệu chúng tôi còn phải chỉ chọn các loại vải: mát, ít nhăn (để đỡ phải ủi). Cùng với hàng gia công, chúng tôi đẩy mạnh tiêu thụ nội địa” bà Điền chia sẻ.

Cũng như An Phước, Công ty Vinamit lại tìm thị trường mới từ khó khăn. Nếu như thị trường trong nước sụt giảm thì doanh thu từ xuất khẩu tăng mạnh. Do cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc nên ông Nguyễn Lâm Viên đã đích thân qua nước này để tìm hiểu thị trường. Khảo sát thực tế cho thấy thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về những mặt hàng Vinamit đang sản xuất.

Thay vì đi theo con đường từ “thương lái rồi đến thương nhân” như trước đây, Vinamit chọn cách thuê sinh viên Trung Quốc đang học tại Việt Nam phân phối cho thị trường đại lục. Để việc kinh doanh với đối tác tốt hơn, ngay bản thân ông cũng học tiếng Hoa để giao thương với các đối tác.

Nhờ những biện pháp này mà hiện nay chiếm đến 80% doanh thu của Vinamit đều do thị trường Trung Quốc mang lại. Sản phẩm thương hiệu Vinamit có mặt ở rất nhiều các siêu thị của Trung Quốc.

Hệ thống siêu thị Vinatex Mart do doanh thu chậm lại kể từ năm 2008 đến nay (những năm 2005, 2006, 2007 tăng trưởng bình quân trên 100%/năm) nên ban giám đốc đơn vị này quyết định chuyển đổi phương thức kinh doanh.

Thay vì phát triển thành chuỗi siêu thị kinh doanh tổng hợp, trong đó, ngành hàng dệt may làm chủ lực, thì tùy từng vùng miền mà Vinatex Mart sẽ có những hình thức kinh doanh khác nhau.

Chẳng hạn, ở các tỉnh phía Bắc là những siêu thị chuyên doanh thời trang; ở các tỉnh phía Nam sẽ kinh doanh siêu thị tổng hợp với điểm nhấn là thời trang may mặc.

Cùng với những siêu thị tổng hợp, Vinatex Mart sẽ là những cửa hàng thời trang Vinatex. Song song đó, đơn vị này cũng đang đẩy mạnh kinh doanh nhiều hàng nhãn hàng về thời trang phục vụ người có thu nhập trung bình.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tự né ngõ cụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO