Truy xuất nguồn gốc thịt heo: Đầu chưa xuôi...

MỸ VĂN - HỒNG NGA| 04/08/2017 08:26

Sau 6 tháng thể nghiệm đề án Quản lý Dự án nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP, UBND TP.HCM có công văn yêu cầu từ ngày 31/7, toàn bộ thịt heo về thành phố bắt buộc phải đeo vòng truy xuất.

Truy xuất nguồn gốc thịt heo: Đầu chưa xuôi...

Tuy nhiên, trước đó (ngày 30/7), kiểm tra thực tế cho thấy tỉ lệ heo đeo vòng chỉ đạt 13%. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, sở dĩ có tình trạng heo không đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc vào các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối ở TP.HCM là do các chủ thể tham gia đề án có tâm lý chờ đợi giờ chót để xem đề án có thực hiện quyết liệt hay không.

Chưa đúng chỉ tiêu

"Chỉ 13% thịt heo chợ đầu mối TP.HCM có truy xuất nguồn gốc", ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết tại buổi họp ngày 31/7 công bố kết quả ngày đầu tiên TP.HCM bắt buột truy xuất nguồn gốc thịt heo tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn.

Theo ông Hòa, đêm 30 rạng sáng ngày 31/7, TP.HCM tiếp nhận 9.600 con heo, trong đó, kênh hiện đại tiêu thụ 1.200 con, kênh chợ truyền thống 8.400 con. Trong số heo tiêu thụ qua kênh chợ truyền thống có 6.550 con heo được giết mổ tại các cơ sở ở TP.HCM và số còn lại đưa từ các tỉnh về.

Mặc dù ngày 31/7 là thời hạn bắt buột thịt heo tiêu thụ ở kênh truyền thống phải có thông tin truy xuất nguồn gốc nhưng đến thời hạn cuối kiểm tra, chỉ có 3.351 con heo được các cơ sở chăn nuôi kích hoạt và khai báo thông tin, chiếm 35% lượng heo tiêu thụ ở TP.HCM.

Lượng heo được truy xuất tiếp tục bị "bốc hơi" ở các khâu tiếp theo: còn 21% tại các cơ sở giết mổ (1.991 con được kích hoạt thông tin truy xuất) và 13% tại các chợ đầu mối (1.205 con). Tại chợ Bình Điền, 100% heo về chợ không đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc. Ban quản lý chợ Bình Điền đã lập biên bản và báo cáo UBND TP.HCM.

Số liệu cho thấy mỗi ngày người dân ở TP.HCM tiêu thụ hơn 10.000 con heo, trong đó lượng heo bán ra ở hai chợ đầu mối trên chiếm khoảng 80%, 15% được bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Như vậy, việc tập trung kiểm soát tốt truy xuất nguồn gốc thịt heo ở hai kênh này thì sẽ kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng 95% số thịt heo bán trên thị trường.

Đề án này lập chuỗi liên kết chặt chẽ qua 4 chủ thể gồm trang trại, giết mổ, bán sỉ và bán lẻ. Ở đó mỗi chủ thể có trách nhiệm khai báo thông tin thông qua vòng đeo, và thông tin phải được kết nối liên tục cho đến tay người tiêu dùng. Nếu các chủ thể không khai báo, cung cấp thông tin kết nối liên tục thì khâu sau không có thông tin và đơn vị quản lý không có được thông tin để theo dõi, kiểm soát.

Về con số 5% số thịt heo còn lại có nằm trong vòng kiểm soát của đề án hay không, ông Hòa khẳng định, lượng này không đưa vào chợ mà tiêu thụ ở các cơ sở chế biến. Ông Hòa nói thêm, Sở sẽ thống kê lượng heo đeo vòng và không đeo vòng truy xuất rồi báo cáo với UBND TP.HCM. Đồng thời, Sở Công Thương cũng đề xuất một số giải pháp cho từng khâu như tiếp tục chính sách hỗ trợ 50% chi phí thực hiện đề án cho nông dân và 100% cho các tổ hợp tác. 

Nhiều việc phải làm

Hiện nay đối với kênh phân phối hiện đại, tỉ lệ heo đeo vòng đạt mức 100%. Vấn đề còn lại là người tiêu dùng có sử dụng quyền của mình hay không. Theo ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP, qua một thời gian áp dụng ở kênh hiện đại cho thấy tỉ lệ người tiêu dùng truy xuất qua tem dán trên miếng thịt còn rất thấp, có thể do người tiêu dùng tin tưởng vào độ an toàn của các hệ thống siêu thị.

Ông Hòa cho rằng, trong đề xuất UBND TP về biện pháp chế tài nếu các chủ thể không áp dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc heo, không khai báo thông tin thì sẽ không được tiêu thụ hàng. Tuy nhiên, bản thân việc nhận truy xuất còn nhiều bất cập. Ví dụ, đề án ngay từ khi thực hiện đã "choảng" với Pháp lệnh Thú y.

Pháp lệnh này qui định động vật giết mổ đưa ra lưu hành trên thị trường phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y, có giấy chứng nhận cơ sở giết mổ... Như vậy nếu heo không đeo vòng nhưng có đầy đủ chứng nhận có được kinh doanh ở các chợ của thành phố hay không? Về luật không vi phạm, nhưng lại vướng vào "lệ” của đề án này đưa ra.

Chưa kể, nhiều thương lái cho biết, việc đeo vòng cho heo để truy xuất nguồn gốc có sự trùng lắp. Cụ thể, các trang trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai đều có mã số trang trại, tiêm vắc xin theo đúng định kỳ, được kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, giấy chuyển vùng... Đó cũng là loại giấy tờ có thể truy xuất nguồn gốc.

Việc đeo vòng cho heo là không cần thiết, gây tốn kém cho người chăn nuôi. Khi đưa heo vào lò mổ cũng đã được các cơ quan chức năng kiểm tra. Cái khó ở đây là đề án do thành phố thực hiện, nhưng thành phố lại không chủ động nguồn hàng, mà 85% nguồn hàng về từ các tỉnh. Chính vì thế, hiệu quả của chương trình phụ thuộc rất lớn từ sự hợp tác của các tỉnh. Tình hình như vậy thí nếu xử phạt, chế tài liệu có ổn?

Nếu một mắt xích bị lỗi, việc truy cứu trách nhiệm được xem xét sau đó, nhưng tại thời điểm kiểm tra thịt heo có được lưu thông đưa vào kinh doanh hay không? Về vấn đề này, ông Hòa cho biết, qui chế kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc đang chờ UBND TP phê duyệt, Sở Công Thương chỉ tham mưu về biện pháp thực hiện.

Còn nữa, đây là dự án thiết kế liên kết chặt chẽ dựa trên công nghệ. Nhưng với tình hình kết nối mạng chập chờn như hiện nay có khả năng làm chậm qui trình thực hiện. Bằng chứng là trong ngày kiểm tra thực tế, đã xảy ra tình trạng internet yếu, máy kích hoạt của cơ quan thú y bị lỗi không kết nối, làm mất nhiều thời gian chờ đợi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Truy xuất nguồn gốc thịt heo: Đầu chưa xuôi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO