Trực tuyến - kênh xuất khẩu mới tiềm năng

THANH THANH| 13/09/2012 09:50

Trong giai đoạn khó khăn và buộc phải cắt giảm chi phí, các nhà xuất nhập khẩu bắt đầu chuyển sang tìm kiếm những nguồn hàng chất lượng tương đương với mức giá thấp hơn tại một số thị trường mới thông qua kênh thương mại điện tử.

Trực tuyến - kênh xuất khẩu mới tiềm năng

Trong giai đoạn khó khăn và buộc phải cắt giảm chi phí, các nhà nhập khẩu nước ngoài bắt đầu chuyển sang tìm kiếm những nguồn hàng chất lượng tương đương với mức giá thấp hơn tại một số thị trường mới thông qua kênh thương mại điện tử.

Cơ hội mới

Theo ông Vincent Wong, Giám đốc Điều hành cao cấp - Bộ phận Phát triển Kinh doanh và Dịch vụ Người mua của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba.com, trước đây các nhà nhập khẩu lớn thường tìm kiếm nguồn hàng từ các thị trường quen thuộc như Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi khi họ đang chuyển sang tìm kiếm sản phẩm từ những thị trường mới với chất lượng và chi phí hợp lý hơn.

Hiện nay 3 ngành hàng của Việt Nam đang được người mua quan tâm tìm kiếm trên Alibaba.com là nông sản (20%), thực phẩm và đồ uống (19%), xây dựng và bất động sản (8%). Điểm nổi bật là có tới 9% số đơn hàng từ Mỹ, 8% từ Trung Quốc và 8% từ Ấn Độ.

Con số này nói lên những thay đổi đáng kể trong hoạt động tìm nguồn cung toàn cầu hiện nay khi Ấn Độ và Trung Quốc - hai thị trường cung ứng lớn trên thế giới cũng đang tìm kiếm sản phẩm từ Việt Nam. Tính riêng đối với Trung Quốc, tỷ lệ tìm kiếm các sản phẩm từ Việt Nam trên Alibaba.com tăng lên 2% mỗi năm.

Ngoài các giao dịch online diễn ra hàng ngày, gần đây Alibaba.com cũng thường xuyên tiếp nhận yêu cầu trực tiếp từ các tập đoàn lớn trên thế giới về việc tìm kiếm nhà cung cấp thuộc nhiều ngành hàng khác nhau trên kênh này trong đó có các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Kmart và Carrefour. Điều này chứng tỏ, các mặt hàng của Việt Nam đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ các người mua lớn trên thế giới.

Trên thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp thành công từ kênh bán hàng này. Ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc điều hành Viet Ceramics, cho biết: “Công ty đăng ký làm thành viên cao cấp của một website TMĐT B2B nổi tiếng trên thế giới từ năm 2006. Sau quá trình hoạt động tích cực trên website này, chúng tôi đã có được nguồn khách hàng khá ổn định. Đến nay, dù tình hình xuất khẩu chung của sản phẩm thủ công mỹ nghệ không được lạc quan do tác động của cuộc khủng hoảng, chúng tôi vẫn có được những đơn hàng khá đều đặn và không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm”.

Mở rộng xuất khẩu


Theo kết quả khảo sát của Oracle vào cuối năm 2011, gần 85% doanh nghiệp dành ngân sách đầu tư vào hoạt động trên các sàn TMĐT dành cho doanh nghiệp (B2B), chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các lựa chọn đầu tư về công nghệ cho năm 2011. Trong khi đó, đầu tư vào các công cụ tìm kiếm chỉ chiếm 22% và mạng xã hội là 37%.

Như vậy, TMĐT mà đặc biệt là các sàn TMĐT B2B đã và đang trở thành xu hướng tất yếu cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với những ưu điểm về chi phí và thời gian tối ưu, phạm vi tiếp cận và cơ hội quảng bá.

Báo cáo khảo sát của công ty Nielsen gần đây cũng chỉ ra rằng, trên 65% người mua hàng đang tìm nguồn hàng thông qua Internet. Theo thống kê của sàn TMĐT Alibaba.com, hiện nay có tới 85% trong số 29,5 triệu thành viên quốc tế tham gia trên sàn này có nhu cầu mua và bán hàng hóa.

Nhận xét về xu hướng này, ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty OSB, đơn vị phối hợp cùng VCCI triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT trị giá 21 tỷ đồng cho biết: “Chúng ta đã nhận thấy những tín hiệu đáng mừng cho việc tìm kiếm đầu ra của sản phẩm Việt Nam thông qua TMĐT. Hiện Việt Nam thuộc top 10 thị trường có sản phẩm được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới. Trong khi đó, đã có trên 230.000 thành viên Việt Nam tham gia Alibaba.com để tiếp cận cơ hội không giới hạn trong việc tìm kiếm khách hàng qua kênh này. Đây là thời điểm mà người mua và người bán gặp nhau và chúng ta hoàn toàn có thể trông chờ một sự bứt phá của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thông qua TMĐT”.

Theo khảo sát Nielsen, hiện nay, người mua hoạt động trên các sàn TMĐT vẫn muốn tiếp cận những nhà sản xuất trực tiếp, không qua trung gian, có uy tín hoặc đã được chứng thực. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể trực tiếp đưa sản phẩm của mình đến các thị trường lớn mà không phải xuất khẩu thông qua các nước thứ ba. Bên cạnh đó, yếu tố chất lượng và giá thành hợp lý (lợi thế của sản phẩm Việt Nam) hiện là một trong những tiêu chí quan trọng đối với các nhà nhập khẩu khi lựa chọn nguồn hàng trong bối cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý đặc tính của môi trường TMĐT là các giao dịch diễn ra rất nhanh chóng, do đó, cần xây dựng thói quen phản hồi khách hàng kịp thời thông qua hoạt động thường xuyên và liên tục. Như vậy doanh nghiệp mới có thể tận dụng và khai thác tốt kênh tìm kiếm khách hàng đầy tiềm năng này.

Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM đánh giá cao vai trò của TMĐT đối với hoạt động xuất khẩu. Bà cho rằng, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, thị trường các nước phát triển luôn là mảnh đất đầy tiềm năng song rất khó xâm nhập bởi những rào cản luôn thường trực.

Bên cạnh những khó khăn từ hàng rào kỹ thuật, việc tìm hiểu thị hiếu và kết nối với các nhà nhập khẩu luôn là khâu vướng mắc của doanh nghiệp. Xuất phát từ khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm giải pháp thông qua TMĐT. Và sự thành công của những doanh nghiệp này đã chứng minh hiệu quả của hình thức giao dịch này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trực tuyến - kênh xuất khẩu mới tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO