Tổng giám đốc Coface Việt Nam: Cơ hội đang đến với các nhà bảo hiểm tín dụng

Nguyễn Hồng| 16/05/2019 02:16

Sau những bài học xương máu về việc không thu được tiền hàng đã bán cho đối tác vì nhiều lý do, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm những giải pháp bảo đảm tín dụng, quản trị dòng tiền.

Tổng giám đốc Coface Việt Nam: Cơ hội đang đến với các nhà bảo hiểm tín dụng

Bà Võ Thị Phương Anh - Tổng giám đốc Coface Việt Nam

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành tài chính và đã có 10 năm làm việc trong lĩnh vực quản lý rủi ro tín dụng tại Việt Nam, bà Võ Thị Phương Anh - Tổng giám đốc Coface Việt Nam - thành viên của Tập đoàn Bảo hiểm tín dụng Coface (Pháp) nhận định, đây chính là cơ hội để các DN bảo hiểm phát triển mạnh dòng sản phẩm bảo hiểm tín dụng đáp ứng nhu cầu của DN. Doanh Nhân Sài Gòn đã có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Phương Anh để tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện này.

*Thưa bà, từ cơ sở nào bà đưa ra nhận định như vậy?

- Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đang mở ra rất nhiều thị trường mới cho các DN xuất khẩu. Tuy nhiên, DN xuất khẩu luôn quan ngại về vấn đề phương thức thanh toán nào là tối ưu nhất, an toàn nhất.

Trước đây, phương thức thanh toán an toàn nhất cho nhà xuất khẩu chủ yếu là tín dụng thư (L/C). Tuy nhiên, phương thức này lại hạn chế vị thế của nhà xuất khẩu khi thương thảo hợp đồng ngoại thương vì không phải người mua nào cũng đủ năng lực thực hiện và thủ tục khá mất thời gian.

Bhupesh-Gupta-5936-1557983795.jpg

Ông Bhupesh Gupta - Giám đốc Điều hành Coface châu Á Thái Bình Dương

Những năm gần đây, phương thức trả chậm ngày càng được cân nhắc và áp dụng với ưu điểm giúp người bán thúc đẩy doanh số bán tốt hơn, khai thác thêm nhiều khách hàng là người mua mới và thủ tục thanh toán nhanh hơn, nhu cầu của người mua được kích thích. Tuy nhiên, phương thức này lại có nhiều rủi ro cho người bán về mặt thanh toán, chẳng hạn như người mua trì hoãn, trả không đúng cam kết, thậm chí không thanh toán vì phá sản, vì tình hình chính trị biến động... 

Những câu chuyện tương tự cũng có thể xảy ra với DN bán hàng trong nội địa. Người mua hàng cũng có thể bị phá sản, mất khả năng thanh toán hay thậm chí cố tình không thanh toán cho người mua. 

Vì vậy, vấn đề đặt ra với DN là phải làm sao bán được nhiều hàng, tăng doanh thu nhưng phải đảm bảo được các khoản thu. Các DN đã ý thức được điều này và đang tìm kiếm giải pháp. Và đây chính là cơ hội để các công ty bảo hiểm đưa ra sản phẩm bảo hiểm tín dụng, làm động lực tăng trưởng mới khi thị trường các sản phẩm bảo hiểm truyền thống đã bão hòa,  ít nhiều đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt. 

Ngày 15/5, Công ty Coface Việt Nam làm lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Tập đoàn Coface đã có những nền móng và đặt những viên gạch đầu tiên ở thị trường từ 2007, với sự hỗ trợ khá tốt của tập đoàn ở phạm vi khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, bảo hiểm tín dụng là loại hình vô cùng đặc thù, đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn sâu và tổng hợp không chỉ về bảo hiểm mà còn tài chính, thương mại… Do vậy, DN làm bảo hiểm tín dụng cần phải thực sự chuyên nghiệp, am hiểu thị trường, hoạt động kinh doanh… để đưa ra những sản phẩm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng.

* Như chia sẻ của bà, DN sử dụng sản phẩm bảo hiểm tín dụng sẽ phòng ngừa được những rủi ro về thanh toán khi mua bán hàng hóa. DN sẽ phải trả chi phí như thế nào để được bảo đảm việc này? 

- Thực ra, bảo hiểm tín dụng mang lại rất nhiều lợi ích chứ không chỉ là bảo hiểm cho khoản phải thu khi bán hàng hóa. Hiểu đơn giản thế này, đơn bảo hiểm được cung cấp bởi các nhà bảo hiểm cho các nhà bán hàng, ví dụ như DN xuất hàng ra nước ngoài… 

Ở những thị trường mà các nhà bảo hiểm ở nước sở tại chưa có năng lực thực hiện thì sẽ thông qua các đối tác là nhà tái bảo hiểm. Trong quá trình kinh doanh, nếu phát sinh các rủi ro phát sinh về thanh toán thì các nhà bán hàng sẽ được bảo hiểm. 

Nghĩa là, nếu người mua không thanh toán vì nhiều lý do… thì nhà bảo hiểm sẽ bồi thường rủi ro. Tuy nhiên, khác với một sản phẩm bảo hiểm bình thường, đơn bảo hiểm tín dụng đi dọc dài theo đời sống của giao dịch thương thuyết giữa hai bên mua và bán, đi cùng hoạt động kinh doanh hiện hữu của DN. Nói một cách khác, nhà bảo hiểm chia sẻ và gánh vác cả rủi ro của DN bán hàng.

Ngoài lợi ích về bảo hiểm rủi ro, bảo hiểm tín dụng còn là công cụ tài chính vì nắm rõ dòng tiền, hiểu được các khoản phải thu đi đâu về đâu, các khoản phải thu phải trả được cân đối như thế nào… có giá trị với các các ngân hàng, tổ chức tài trợ thương mại trong trường hợp DN có nhu cầu vay vốn nhưng lại không có các phương án thế chấp, hoặc thế chấp bằng chính các khoản phải thu. Các tổ chức tín dụng luôn đánh giá cao những DN có đầu tư bài bản cho công tác quản trị tài chính.

Phí bảo hiểm như thế nào sẽ phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố liên quan như doanh thu, rủi ro ngành, số lượng người mua hàng, thời hạn công nợ, hạn mức được cấp cho người mua… 

Tôi nghĩ, với rất nhiều lợi ích mà bảo hiểm tín dụng mang lại thì việc đầu tư của DN vào công cụ này là xứng đáng. Khi DN yên tâm hơn về các khoản phải thu, họ sẽ có điều kiện tập trung hơn vào việc cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tái đầu tư mở rộng quy mô.

* Ở thời điểm hiện tại, thị trường bảo hiểm tín dụng tại Việt Nam ra sao, thưa bà?

- DN đã bắt đầu quan tâm, tìm kiếm một giải pháp tài chính nhằm bảo đảm cho khoản phải thu khi mua bán hàng hóa. Nếu so với hơn 10 năm trước, thời điểm 2007, 2008, khi tôi mang đơn bảo hiểm đầu tiên về làm tại Việt Nam, thì bây giờ là một sự thay đổi lớn. 

2007 - 2009 những đơn bảo hiểm tín dụng “đầu tiên” có tại Việt Nam. Mới mẻ cho cả người làm và người sử dụng, Coface bắt đầu với đối tác chiến lược đầu tiên là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh.

2009,Coface Việt Nam chính thức có mặt mang trọng trách “làm thị trường”,  bằng việc thực hành chuyên môn về quản lý rủi ro tín dụng cho đối tác bảo hiểm, Coface dần đưa việc hiểu tầm quan trọng của quản lý rủi ro tín dụng đến các DN Việt Nam. Không những hiểu mà DN còn biết vận dụng vào thực tiễn quản lý rủi ro tài chính.

 2010, với sự quan tâm của Bộ Tài Chính và các cơ quan quản lý Nhà nước, Coface tham gia vai trò khá quan trọng Đề án thí điểm về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (2011 - 2013) để khuyến khích các DN xuất khẩu mua bảo hiểm và tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu.

Cũng trong năm 2010, Coface xúc tiến chương trình với đối tác chiến lược thứ 2 tại thị trường Việt Nam - Công ty Bảo hiểm Liên hiệp UIC. Sau đó 4 năm, đối tác thứ 3 là công ty bảo hiểm PVI thuộc tập đoàn PVI.

Những ngày tháng đó, các khái niệm như “quản lý rủi ro tín dụng”, “bảo hiểm tín dụng”, “bảo hiểm rủi ro các khoản phải thu” thật sự rất mới mẻ đối với tất cả các chủ thể có liên quan tại thị trường, từ các DN bảo hiểm, các đơn vị môi giới bảo hiểm, các ngân hàng, định chế tài chính cho đến các DN kinh doanh, sản xuất… và cả các cơ quan quản lý nhà nước.

Năm 2009, Coface Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Coface (Pháp) chính thức có mặt tại thị trường và thực hiện các hoạt động chuyên môn về quản lý rủi ro tín dụng cho đối tác bảo hiểm. Chúng tôi tổ chức nhiều chương trình đào tạo, hội thảo để cung cấp thông tin, kiến thức cho các bên…, đúng nghĩa là “làm thị trường”, không đặt mục tiêu lợi nhuận. 

Ngày hôm nay, sau 10 năm chính thức có mặt ở Việt Nam, với vai trò tiên phòng, dẫn dắt, chúng tôi cảm thấy tự hào vì nỗ lực của mình đã phần nào được đền đáp và vì lựa chọn đến với một thị trường mới nổi như Việt Nam có nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thử thách trên thị trường. DN đã thay đổi nhận thức, bắt đầu quan tâm nhưng chưa phổ biến. Các DN bảo hiểm cũng không tránh khỏi cảm giác nản chí vì phải giằng xé với những vấn đề như doanh số, lợi nhuận để tồn tại, phát triển. Nhất là khi sản phẩm bảo hiểm tín dụng khó làm về mặt kỹ thuật, rất lâu mới có kết quả. 

Nhưng, đáng mừng là các DN tham gia thị trường chấp nhận và cam kết lâu dài. Lúc này, để thị trường khởi sắc, cả DN bảo hiểm lẫn DN sản xuất kinh doanh, rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về mọi mặt. 

* Cụ thể của những hỗ trợ đó từ phía cơ quan quản lý là gì, thưa bà?

- Trong những năm qua, Cục giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã có những hỗ trợ. Nhưng, thị trường cần nhiều hơn thế.

Đầu tiên và làm tiền đề cho DN trên thị trường hoạt động, đó là hành lang pháp lý. Bộ Tài chính đã lựa chọn 7 DN bảo hiểm tham gia đề án thí điểm về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu từ 2011 đến 2013 nhằm khuyến khích các DN xuất khẩu mua bảo hiểm và tháo gỡ khó khăn khi thị trường đi xuống. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không có thêm DN nào tham gia vì khó khăn về năng lực thực hiện. 

Thứ hai, với DN mua bảo hiểm, cơ quan quản lý cũng có thể hỗ trợ về phí bảo hiểm bởi đây là vấn đề trăn trở nhất của họ. 

Nói chung, để thị trường phát triển thì tất cả các chủ thể liên quan, từ DN sản xuất, kinh doanh đến DN bảo hiểm và cả cơ quan quản lý cần hợp lực, hợp tác nhiều hơn và cần có những yếu tố mang tính thực hành.

* Vậy Coface Việt Nam sẽ làm gì để tiếp tục đóng góp để làm thay đổi thị trường?

- Cam kết của chúng tôi từ ngày đầu đến nay là với những thị trường mới nổi như Việt Nam chúng tôi cần nhẫn nại và bền bỉ. Chúng tôi hiểu rất rõ cũng như đã nếm trải tất cả những thử thách về mặt thị trường. Chúng tôi tự hào vẫn hiện diện ở đây và đã vượt qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn. Do vậy, không có lý do gì mà thay đổi cam kết.

Với chặng đường mới, chúng tôi sẽ có những chiến lược cụ thể hơn nhờ đã nhìn rõ thị trường hơn. Và chúng tôi tự tin vì đã gầy dựng được đội ngũ có thể hỗ trợ DN, đối tác tốt nhất. Về lâu về dài, chúng tôi sẽ phát triển Coface Việt Nam thành một tổ chức độc lập hơn, có nhiều hoạt động hơn để mang giải pháp quản lý rủi ro tài chính đến cho các DN, ngân hàng và các định chế tài chính khác.

* Xin cảm ơn bà về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổng giám đốc Coface Việt Nam: Cơ hội đang đến với các nhà bảo hiểm tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO