Thương mại điện tử - Người cơ hội, kẻ thách thức

Lữ Ý Nhi| 16/11/2019 08:02

Doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ để phát huy lợi thế trong nền  kinh tế số và kinh tế chia sẻ” là nội dung chính được các chuyên gia đưa ra tại “Diễn đàn kết nối sản phẩm doanh nghiệp thời công nghệ 4.0” do Trung tâm phát triển thương mại điện tử (TMĐT) 4.0 Việt Nam tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Thương mại điện tử - Người cơ hội, kẻ thách thức

Tại Việt Nam, ứng dụng gọi xe Grab là một mô hình kinh tế chia sẻ khá thành công. Theo nghiên cứu của ABI, trung bình mỗi ngày Grab thực hiện 46 triệu chuyến  xe với 2,8 triệu đối tác tài xế. Grab hiện chiếm xấp xỉ 73% thị phần gọi xe công nghệ và được định giá đến 14 tỷ USD.

Ông Trương Văn Quý - Giám đốc Công ty chuyên đào tạo về Digital Marketing EQVN thông tin, Việt Nam là khu vực có chỉ số TMĐT tăng trưởng hơn 30%. Kinh doanh TMĐT hiện nay không chỉ thuần về TMĐT mà có cả mô hình online-to-offline, online-to-offline rồi to-online. Nghĩa là mọi người lên online để tìm kiếm sản phẩm rồi ra showroom xem hàng, rồi quay lại mua hàng trên online.  

Việt Nam hiện có khoảng 70 triệu người sử dụng Internet, chiếm 70% trong tổng dân số. Người sử dụng mạng xã hội Facebook cũng xấp xỉ 65 triệu tài khoản. Ngành quảng cáo online tại Việt Nam năm 2018 đạt 10 tỷ USD, cho thấy TMĐT tại thị trường Việt Nam đang phát triển rất năng động so với các nước trong khu vực.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, chúng ta đang trong thời kỳ biến chuyển từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế chia sẻ: chia sẻ hàng hóa, tiền tệ và thông tin. Kinh tế chia sẻ có 4 cấu phần chính, đó là chiếc điện thoại thông minh (smartphone), Intermet, mạng xã hội và dung lượng đường truyền.

Nhờ có Internet mà chiếc điện thoại có thể làm 4-5 chức năng cùng lúc, đưa chúng ta vào thế giới biến chuyển thật sinh động. Không chỉ có ngành hàng tiêu dùng, TMĐT đang làm thay đổi cục diện của ngành tài chính - ngân hàng và marketing… Tại thời điểm này, không chỉ doanh nghiệp (DN) mà các ngân hàng cũng cần thay đổi công nghệ và phương thức tiếp cận khách hàng để phù hợp hơn với xu thế.

hinh-toa-dam-7045-1573841424.jpg

Đại diện cho hơn 400 nghìn DN ở TP.HCM, ông Trần Việt Anh chia sẻ, cuộc cách mạng 4.0 đã được nói rất lâu, nhưng từ nhiều năm nay số DN biết đến cuộc cách mạng 4.0 rất ít. Ngay khi việc tìm hiểu lịch sử tại sao có cuộc cách mạng 4.0 và bắt đầu từ khi nào không phải ai cũng hiểu.

TMĐT 4.0 đi vào hoạt động của DN cũng rất chậm. DN Việt Nam đang có một thói quen bán hàng truyền thống offline - bán trực tiếp tận tay, sờ tận nơi, chở hàng về và phải có cửa hàng, có người giao hàng, họ làm những gì mà truyền thống hàng trăm năm nay đang diễn ra.

Vì thế, để DN ứng dụng TMĐT trong kinh doanh không phải một sớm, một chiều nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, bắt buộc DN phải tham gia vào “cuộc chơi” này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có rất ít DN biết đến việc ứng dụng giao dịch trên nền tảng công nghệ 4.0, đây là thách thức rất lớn cho các DN sản xuất ở các ngành hàng như vật liệu xây dựng, xăng dầu, thủ công mỹ nghệ… Việc ứng dụng chưa đầy đủ về phương thức thanh toán thông qua công nghệ 4.0 không phải hoàn toàn do DN mà một phần do chúng ta truyền thông chưa tới, DN chưa hiểu 4.0 là gì.

Ông Thái Vũ Hòe - Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT 4.0 Việt Nam cũng cho rằng, TMĐT đang là một xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi đối với DN. Do vậy, đối với các cơ quan chức năng trong tương lai gần cần có những thay đổi trong việc hỗ trợ DN khi thanh toán trên nền tảng TMĐT, hoàn thiện khung pháp lý, làm sao để DN tiếp cận được với công nghệ mới một cách hiệu quả. DN bao giờ cũng muốn các hoạt động sản xuất - kinh doanh phải hợp pháp. Do vậy, để có được hành lang pháp lý thì pháp luật cần cập nhật, đưa ra những chính sách gắn liền với thực tiễn.

Có thể thấy TMĐT đang giúp cho DN giảm được rất nhiều về nguồn lực tài chính, thay vì phải thuê mặt bằng, kho bãi trữ hàng hóa thì TMĐT giúp DN giảm chi phí về nhân sự hay logistics… Do vậy, việc nhanh chóng có khung pháp lý rõ ràng để DN thích nghi với việc chuyển đổi sang hình thức kinh doanh mới là rất cần thiết. Bởi, công nghệ thay đổi cuộc sống, thay đổi hành vi tiêu dùng và đang tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương mại điện tử - Người cơ hội, kẻ thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO