Thương mại điện tử: Đầu tư đúng mức sẽ tạo bứt phá

Ý Nhi| 08/11/2019 06:43

Theo Sách trắng Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) năm 2019 Việt Nam có tốc độ phát triển cao so với các nước trong khu vực.

Thương mại điện tử: Đầu tư đúng mức sẽ tạo bứt phá

Tại diễn đàn "Kết nối sản phẩm và doanh nghiệp thời công nghệ 4.0" vừa diễn ra tại TP.HCM do Trung tâm phát triển TMĐT 4.0 Việt Nam tổ chức, ông Trương Văn Quý - Giám đốc Công ty chuyên đào tạo về Digital  Marketing EQVN cho biết, TMĐT đang trong giai đoạn cực kỳ sôi động.

Việt Nam hiện có hơn 70 triệu lượt người sử dụng Internet, hầu hết mọi người đều sử dụng mạng xã hội, tập trung ở lứa tuổi từ 18-50, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh doanh trên nền tảng số.

Việt Nam cũng có 140 triệu thuê bao thiết bị di động phát sinh cước Internet mỗi tháng cho thấy người Việt Nam rất năng động trong việc tiếp cận công nghệ mới. Số liệu thống kê năm 2018 doanh thu kinh doanh online tăng hơn gấp đôi so với hình thức kinh doanh bán lẻ truyền thống, từ mức 5.700 tỷ đồng đã tăng lên 12.500 tỷ đồng. 

Năm 2019 là năm đầy thách thức của thị trường TMĐT. Bên cạnh những việc làm được của các doanh nghiệp thì cũng diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt trên nền tảng TMĐT. Nhiều ngành nghề đã ứng dụng hiệu quả và có sự thay đổi rõ rệt như: làm đẹp, thực phẩm chức năng, siêu thị, hàng tiêu dùng…  Nhiều cá nhân đang kinh doanh offline  đã chuyển dần sang mua bán online để tối giảm chi phí… 

Cũng theo ông Quý, thời gian qua không ít doanh nghiệp (DN) đã có sự đầu tư nghiêm túc vào TMĐT nên đã gặt hái được thành công, trong đó phải kể đến như: Thế Giới Di động, FPT Shop, tuy nhiên đây không phải là việc làm dễ dàng đối với các doanh nghiệp khác. Những thành công lớn của các DN kinh doanh trên nền tảng TMĐT là nhờ họ đã chuẩn bị cách đây rất nhiều năm. Do vậy, việc ứng dụng TMĐT đòi hỏi DN không ngừng nỗ lực, từ việc đầu tư công nghệ cho đến chất lượng nguồn nhân lực.

Thời gian gần đây, TMĐT phát triển, kéo theo sự thay đổi thói quen và nhu cầu thanh toán trong ngành tài chính, cũng như các giao dịch không dùng tiền mặt chẳng hạn như mô hình thanh toán ví điện tử MoMo, Grab Pay, Paypal.

Khi điện thoại di động trở thành phương tiện thường xuyên của người tiêu dùng thì các doanh nghiệp chuyển dịch bán hàng trên các thiết bị di động là điều tất yếu. Có thể thấy, giao dịch TMĐT chi phí rẻ và độ chính xác cao, điều này tạo ra sức cạnh tranh lớn giữa các đối tác, các công ty và cá nhân kinh doanh tham gia vào thị trường…

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch kiêm Trưởng đại diện phía Nam Hiệp hội TMĐT VN nhận định: Hiện nay tại VN không còn website TMĐT nào đủ sức cạnh tranh với các website như Alibaba, Amazon. Kinh doanh online và offline có khái niệm là O to O, tức là bây giờ online hay offline đều có sự hỗ trợ của TMĐT.

TMĐT bao gồm cả B2B (Business To Business) & B2C (Business to Customer). Do vậy, kinh doanh trên điện thoại di động, trên mạng xã hội và các trang TMĐT là hình thức mà các công ty phải quan tâm hàng đầu, bởi nếu doanh nghiệp hiện nay không xuất hiện trên online, có nghĩa là khó có cơ hội tồn tại…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương mại điện tử: Đầu tư đúng mức sẽ tạo bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO