Thức ăn chăn nuôi đuối trên "sân nhà"

DUY KHUÊ| 15/04/2015 00:13

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước thất thủ trước sức ép của các đối thủ nước ngoài như C.P, Cargill, ANT, De Heus, Greenfeed, Anco hay Japfa... Nhưng hiện nay phản công đầu tiên của thương hiệu nội đang được nhen nhóm.

Thức ăn chăn nuôi đuối trên

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước thất thủ trước sức ép của các đối thủ nước ngoài như C.P, Cargill, ANT, De Heus, Greenfeed, Anco hay Japfa... Nhưng hiện nay phản công đầu tiên của thương hiệu nội đang được nhen nhóm.

Sức mạnh đè bẹp

Dự báo nhu cầu TACN ở Việt Nam năm 2015 cần từ 18 - 20 triệu tấn, doanh số ước đạt 6 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều năm qua, thị trường TACN Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay của các DN khối FDI như: Tập đoàn C.P, Công ty TNHH Cargill, ANT, De Heus, Greenfeed, Anco, Japfa... Trước sức ép của các DN này, có đến 40 nhà máy có vốn trong nước đã ngừng sản xuất, hoặc chuyển hướng kinh doanh.

Nguyên nhân cơ bản được xác định là do chi phí nguyên liệu đầu vào cao. Vì so với các nước trong khu vực, giá TACN ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 15 - 20%, dẫn đến TACN của Việt Nam khó cạnh tranh.

Một số công ty FDI chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước.

Thống kê từ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 239 nhà máy chế biến TACN, trong đó 180 nhà máy là của các DN trong nước, 59 là của các liên doanh và 100% vốn FDI. Trái ngược với sự ảm đạm của các DN khối nội, DN FDI liên tục mở rộng các nhà máy với số vốn hàng chục triệu đến hàng trăm triệu USD.

Điển hình, cuối tháng 3/2015, De Heus Việt Nam, thành viên Tập đoàn De Heus từ Hà Lan, đã khánh thành nhà máy thứ 5 tại tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD. Nhà máy sẽ góp phần đưa tổng công suất sản xuất của De Heus Việt Nam lên 850.000 tấn/năm.

De Heus hiện nằm ở nhóm 5 công ty sản xuất TACN lớn tại Việt Nam, sau Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (19,42%), Cargill (8,11%), Proconco (7,51%)... "Số nhà máy liên doanh và FDI không nhiều nhưng công suất lớn và sản lượng cao, nên họ chiếm thị phần lớn hơn nhiều so với các DN trong nước", ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho hay.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2014, Việt Nam đã chi hơn 3 tỷ USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu sản xuất TACN. Thống kê mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho hay, 3 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng TACN và nguyên liệu ước đạt 834 triệu USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, ngô chiếm đến 50% (đạt 417 triệu USD).

Nuôi gà lãi hơn làm thép

Ngay từ đầu năm 2015, một số DN Việt Nam được đánh giá là có tiềm lực, quyết định đầu tư vào sản xuất. Cụ thể, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2015 của Tập đoàn Hòa Phát ngày 31/3 vừa qua, lãnh đạo tập đoàn này đã công bố các kế hoạch đầu tư lớn vào nông nghiệp.

Theo đó, Hòa Phát sẽ thành lập công ty chuyên về sản xuất TACN với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Để thuyết phục các cổ đồng, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long, cho rằng, nếu có cơ hội phát triển tốt, ngành chăn nuôi Việt Nam rất có thể sẽ trở thành ngành mũi nhọn vào năm 2020.

70%

Chi phí cho thức ăn chăn nuôi đã chiếm tới khoảng 70% tổng giá trị thị trường chăn nuôi (6,958 tỷ USD năm 2012 và 7,643 tỷ USD năm 2013).

Điều này sẽ thúc đẩy quy mô ngành TACN thậm chí còn lớn hơn ngành thép, ước đạt 200.000 tỷ đồng. "Đây sẽ là cơ hội để kế hoạch phát triển 1 triệu tấn thức ăn gia súc và một triệu con heo với doanh thu dự kiến 15.000 - 20.000 tỷ đồng", ông Long kỳ vọng.

Trước đó, đầu năm 2015, Tập đoàn Quang Minh (QMC) cũng đã lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn nguyên liệu và đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đậu tương lên men tại KCN Lương Bằng, thị trấn Kim Động, Hưng Yên. Từ tháng 1/2015, QMC đã ký kết hợp đồng mua 200.000 tấn hạt đậu tương với các đối tác Mỹ, Nam Mỹ.

Trước những dự báo sẽ có nhiều biến động về nguồn cung nguyên liệu nông sản, động thái này của QMC sẽ giúp các nhà sản xuất TACN nội địa giữ được ổn định nguyên liệu cung ứng thị trường, giảm phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Tại khu vực phía Bắc, Công ty CP Dinh dưỡng Hồng Hà, thành viên Công ty Tập đoàn Long Hải, đơn vị sản xuất TACN sở hữu ba thương hiệu "Cánh buồm đỏ”, "Max - Gro" và "Max - Green" thuộc Top 500 DN lớn nhất Việt Nam, cũng đang đầu tư nhà máy sản xuất TACN có dây chuyền công nghệ hiện đại, mức độ tự động hóa cao do Hãng Van Aarsen - Hà Lan cung cấp, với tổng công suất 420.000 tấn thức ăn các loại/năm.

Dự kiến quý II/2015, Hồng Hà sẽ hoàn thiện việc lắp đặt dây chuyền thức ăn thủy sản tại nhà máy Hà Nam. Cùng việc mở rộng đầu tư của Hòa Phát, QMC, Hồng Hà... dù chưa thấy được kết quả nhưng với sự nỗ lực của các DN khối nội, thị trường TACN Việt Nam vẫn có thể hy vọng sự thay đổi nhất định trong thời gian tới.

>Thức ăn chăn nuôi: thuận lợi cuối năm
>Thị trường thức ăn chăn nuôi: "Gà nội ăn bắp Mỹ”
>Thị trường thức ăn chăn nuôi: "Nóng" hầm hập!
>Thức ăn chăn nuôi: Giá cao, chất lượng kém

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thức ăn chăn nuôi đuối trên "sân nhà"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO